Thứ Tư, 23/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội: Có nên chỉ bảo hiểm tiền gửi đối với tiền đồng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc hội: Có nên chỉ bảo hiểm tiền gửi đối với tiền đồng?

Minh Đức

Quốc hội: Có nên chỉ bảo hiểm tiền gửi đối với tiền đồng?
Bảo hiểm tiền gửi chỉ có nên dành cho tiền đồng hay không còn đang tranh luận - Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng bảo hiểm tiền gửi đối với ngoại tệ và kim loại quý có thể tạo ra cách hiểu không chính xác là nhà nước khuyến khích việc tích trữ ngoại tệ và kim loại quý, điều này sẽ không nhất quán với chính sách quản lý ngoại hối.

Xáo trộn thị trường

Chiều 23-5, Quốc hội thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi. Vấn đề loại tiền được bảo hiểm chỉ nên là tiền đồng hay mở rộng ra các loại ngoại tệ như vàng, kim loại quý được nhiều đại biểu quan tâm.

Một số đại biểu đề nghị xem xét việc bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý vì chính sách quản lý ngoại hối nói chung chỉ cấm thanh toán bằng ngoại tệ, trong khi đó nhà nước đang khuyến khích kiều hối và công nhận tiền gửi ngoại tệ, vàng và một trong các biện pháp đó chính là cơ chế bảo hiểm đối với các tài sản này.

Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội giải trình: Chính sách quản lý ngoại hối Việt Nam thống nhất chỉ sử dụng đồng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam tôn trọng quyền sở hữu về ngoại tệ và vàng của người dân, để thu hút nguồn vốn này trong dân, nhà nước đã cho phép người dân được gửi ngoại tệ và vàng tại ngân hàng. Bảo hiểm tiền gửi đối với ngoại tệ và kim loại quý có thể tạo ra cách hiểu không chính xác là nhà nước khuyến khích việc tích trữ ngoại tệ và kim loại quý, điều này sẽ không nhất quán với chính sách quản lý ngoại hối.

Hơn nữa, việc người dân quyết định giữ tài sản của mình dưới dạng ngoại tệ hay kim loại quý là một hình thức tự phòng ngừa rủi ro do lo ngại sự mất giá của đồng nội tệ. Việc bảo hiểm tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý sẽ tạo tâm lý thiếu tin tưởng vào sự ổn định của giá trị đồng tiền, có thể gây xáo trộn thị trường tiền tệ, khó kiểm soát hiệu quả quá trình điều hành chính sách tiền tệ.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - TPHCM băn khoăn: “Mục đích của Luật Bảo hiểm tiền gửi là để chúng ta bảo vệ người gửi tiền. Vậy thì người gửi ngoại tệ cũng cần được bảo vệ. Mục đích thứ hai là Luật Bảo hiểm tiền gửi là để bảo đảm an toàn hệ thống. Vậy thì tiền gửi ngoại tệ hiện nay có một tỷ trọng rất lớn trong tổng số vốn huy động trong hệ thống ngân hàng chúng ta. Vậy nếu như chúng ta không bảo hiểm loại tiền gửi ngoại tệ này thì trong trường hợp có những bất trắc xảy ra thì khả năng an toàn hệ thống có được an toàn hay không".

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Hòa Bình nhấn mạnh: “Chỉ bảo hiểm tiền gửi là tiền đồng là chưa hợp lý”.

Theo ông Hải, hiện tại các ngân hàng vẫn đang tồn tại loại hình cho khách hàng, cho nhân dân dùng tiền bằng ngoại tệ, bằng vàng. Nếu lấy lý do hạn chế về tình trạng đô la hóa thì trên thực tế nếu có bảo hiểm tiền gửi cho đồng tiền ngoại tệ thì các ngân hàng thương mại sẽ càng có nhiều cơ hội để có thể huy động được ngoại tệ vào ngân hàng và đây chính là một biện pháp để hạn chế tình trạng đô la hóa.

“Đô la hóa chính là các hoạt động thanh toán chi trả trong dân bằng đô la và hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng bằng đô la. Nên nếu lượng đô la nằm trong dân càng nhiều không thu hút được vào các ngân hàng thì hiện tượng đô la hóa càng mạnh”, ông Hải nói.

Đại biểu Touneh Drong Minh Thắm - Lâm Đồng cũng cho rằng, nếu không bảo hiểm tiền ngoại tệ và vàng sẽ không thể khuyến khích người dân yên tâm khi gửi ngoại tệ và kim loại quý vào ngân hàng.

“Tập quán lâu đời của người Việt Nam hầu như tất cả tiền tiết kiệm, để dành đều được bảo quản lưu giữ bằng vàng. Do đó, vàng lưu trữ trong dân rất lớn, nếu việc bảo hiểm tiền gửi đối với vàng được pháp luật quy định chắc chắn sẽ thu hút người dân dễ dàng vào các tổ chức tín dụng”, ông Thắm nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo - Vĩnh Phúc bổ sung: “Nếu chúng ta đã nhận vàng hoặc ngoại tệ của dân thì tôi nghĩ rằng ngân hàng phải có trách nhiệm về vàng và ngoại tệ đó của dân và ngân hàng phải có trách nhiệm quy đổi tại thời điểm nhận vàng và ngoại tệ ra đồng Việt Nam để bảo hiểm tiền gửi”.

Chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân?

Một số đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm tiền gửi ngoài cá nhân nhằm thu hút vốn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho phát triển kinh tế  xã hội.

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp, việc quản lý tài chính phải tuân theo các quy định hiện hành. Các tổ chức này không để nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi tại quỹ hoặc sử dụng vào việc khác không phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, dự thảo chỉ quy định bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân.

Đại biểu Touneh Drong Minh Thắm đề nghị mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và các khoản quỹ hướng tới hoạt động nhân đạo từ thiện và các hộ gia đình. Theo ông, không nên chỉ bảo hiểm số đông người gửi tiền lẻ, nhỏ mà bỏ rơi số ít gửi tiền lớn, hiện nay những tổ chức này cũng có các khoản quỹ hợp pháp đang được gửi tại các tổ chức tín dụng cho nên cần phải được bảo hiểm.

Đại biểu Nguyễn Thái Học - Phú Yên trăn trở: “Các tổ chức có nhu cầu chính đáng để được bảo hiểm tiền gửi thì có được bảo hiểm hay không? Như hiện nay nhiều tổ chức quản lý nhiều quỹ với lượng tiền rất lớn và các quỹ này không hoạt động mang tính chất kinh doanh. Người ta có nhu cầu gửi và được bảo hiểm. Như vậy thì cần phải quy định như thế nào để các loại quỹ này được bảo hiểm”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới