Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chiều nay (30-11), với 443/454 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Quốc hội đã thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: VGP

Baochinhphu.vn đưa tin, trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã có báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo nghị quyết.

Theo đó, một số ý kiến đề nghị đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả tài chính, đặc biệt là khả năng thu hồi vốn, khả năng hoàn trả vốn và việc trợ giá cho dự án trong quá trình vận hành, khai thác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, dự án đã được nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư trong thời gian khá dài (khoảng 18 năm) và tham khảo kinh nghiệm tại một số quốc gia có phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trong đó, đã phân tích, tính toán với kết quả dự báo nhu cầu vận tải, tiềm lực, vị thế Việt Nam hiện nay là điều kiện thích hợp để triển khai đầu tư dự án.

Tuy nhiên, các tính toán tại bước nghiên cứu này mới chỉ mang tính sơ bộ nên Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan tính toán cụ thể, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố, rủi ro để có giải pháp phù hợp.

Trong 4 năm đầu khai thác, doanh thu chỉ bù đắp được chi phí vận hành, bảo trì phương tiện. Do đó, Nhà nước cần hỗ trợ một phần từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế bố trí cho hệ thống đường sắt như hiện nay để bảo trì kết cấu hạ tầng.

Liên quan đến phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ, một số đại biểu đề nghị bổ sung phạm vi dự án kéo dài từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau và phân kỳ thực hiện theo từng giai đoạn; đề nghị kết nối dự án vào tuyến đường sắt TPHCM đi Cần Thơ để bảo đảm đồng bộ.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định phát triển các tuyến đường sắt mới từ Lạng Sơn đến Cần Thơ, gồm 3 đoạn tuyến Lạng Sơn (Đồng Đăng) - Hà Nội, Hà Nội - TPHCM, TPHCM - Cần Thơ để kết nối các vùng động lực, các đô thị, các trung tâm kinh tế lớn và bảo đảm quốc phòng - an ninh trên hành lang kinh tế Bắc - Nam.

Do các đoạn tuyến đường sắt từ Lạng Sơn đến Cần Thơ có nhu cầu vận tải khác nhau nên tiêu chuẩn kỹ thuật, loại hình đường sắt cũng khác nhau và được nghiên cứu đầu tư theo các dự án độc lập, phù hợp với nhu cầu vận tải của từng đoạn tuyến và khả năng huy động nguồn lực.

Có ý kiến cho rằng, do dự án trải qua 3 kỳ trung hạn nên tổng mức đầu tư được duyệt giai đoạn nào thì chỉ tính trong giai đoạn đó, phần vốn được thực hiện giai đoạn nào thì tính vốn vào kỳ trung hạn đó và không nên chuyển từ kỳ trung hạn trước qua kỳ trung hạn sau.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự án kéo dài qua 3 kỳ trung hạn. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn cho dự án khoảng 538 tỉ đồng (sử dụng cho công tác chuẩn bị đầu tư) đã được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ Giao thông vận tải. Giai đoạn 2026-2030, nhu cầu vốn khoảng 841.707 tỉ đồng và giai đoạn 2031-2035, nhu cầu vốn khoảng 871.302 tỉ đồng.

Theo Luật Đầu tư công năm 2019, hiện nay đánh giá khả năng cân đối nguồn vốn chỉ có thể thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, phần chuyển tiếp sang giai đoạn sau không quá 20% kế hoạch đầu tư công giai đoạn trước.

Dự án kéo dài qua 3 kỳ trung hạn nên việc xác định khả năng cân đối vốn là chưa có quy định. Do đó, tại dự thảo đã có quy định dự án được bố trí vốn qua các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Mức vốn bố trí mỗi kỳ trung hạn phù hợp với tiến độ dự án và không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội làm lễ bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV sau 29,5 ngày làm việc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới