Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Quỹ bảo tồn di sản văn hóa nhìn từ cố đô Huế

Nguyễn Lương Sỹ - Thanh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Di sản văn hóa là minh chứng hùng hồn cho bản sắc độc đáo của mỗi dân tộc, góp phần định hình diện mạo của một quốc gia. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích tại Việt Nam còn thiếu hụt trầm trọng so với nhu cầu thực tế. Bởi vậy, tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về vấn đề thiết lập quỹ bảo tồn di sản văn hóa, trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của các đại biểu.

Ngọ Môn Huế.

Kinh nghiệm của Huế: Có thì tốt, không có… cũng không sao

Khoảng sáu, bảy năm trước, trong chuyến tham quan Đại nội Huế, một người bạn phương xa của tôi bất giác cảm thán khi nhìn nền móng sót lại của Điện Cần Chánh, Điện Kiến Trung: “Thật tiếc là không có tiền để trùng tu hết các di tích đổ nát”. Chị hướng dẫn viên lập tức đáp lại bằng giọng Huế ngọt ngào: “Tiền lúc nào cũng sẵn anh chị ạ. Chỉ là không đủ tư liệu khôi phục nguyên bản theo đúng yêu cầu của UNESCO”.

Câu trả lời khiến tất cả chúng tôi đều ồ lên ngạc nhiên. Tôi không có ý định dùng câu nói bâng quơ của chị ấy để kết luận cả một vấn đề mang tầm ngân sách quốc gia. Tuy vậy, có lẽ, đã đến lúc nên gạt đi quan điểm mặc định trong đầu rằng chúng ta luôn luôn thiếu tiền.

Chỉ tính riêng quần thể di tích Cố đô Huế, tổng nguồn vốn đầu tư bảo tồn trong giai đoạn 1996-2020 là khoảng 1.900 tỉ đồng, giai đoạn 2021-2025 là khoảng 1.000 tỉ đồng, tương đương với 200 tỉ đồng mỗi năm. Đầu năm 2024, từ nền móng đổ nát mà chúng tôi từng xót xa, địa phương đã phục dựng thành công nguyên bản Điện Kiến Trung với kinh phí hơn 124 tỉ đồng. Tiếp theo, địa phương cũng đang triển khai dự án gần 100 tỉ đồng để tu bổ lăng vua Tự Đức.

Mở rộng cơ chế cho Huế, tháng 10-2022, Chính phủ còn thí điểm thành lập quỹ bảo tồn di sản tỉnh với mục đích huy động nguồn lực xã hội hóa. Theo trang thông tin của quỹ, từ tháng 1 đến tháng 9-2023, quỹ đã kêu gọi được hơn 8 tỉ đồng tài trợ. Sau đó, trang tin không cập nhật tình hình ủng hộ đến thời điểm hiện tại.

Số tiền không phải là nhỏ. Nhưng quả thật, nếu so với tổng nguồn vốn đầu tư ở trên thì hẳn chỉ là… hạt muối bỏ bể. Đấy là chưa kể đến thực tế, chỉ một doanh nghiệp đã đi tiên phong ủng hộ đến gần 6,9 tỉ đồng ngay từ những ngày đầu tiên. Sâu xa hơn, hãy nhìn vào bản chất của khoản đóng góp này, đó là từ gia tộc hậu duệ đời thứ 11 của hoàng hậu Từ Dụ (quý phi của vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức), tài trợ để tôn tạo di tích lăng mộ của bà. Đây có thể hiểu đơn thuần là nghĩa hiếu đạo mà con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên gửi gắm thông qua quỹ.

Quay trở lại với câu hỏi: Chúng ta có thiếu tiền không? Dĩ nhiên là có. Nhưng nhìn vào câu chuyện ở Huế, vấn đề bảo tồn di sản không chỉ nằm ở tiền. Mà cứ cho là ở vấn đề tài chính, trừ đi khoản đóng góp của con cháu đã giải ngân xong, chỉ còn lại hơn 1 tỉ đồng sau gần hai năm hoạt động, liệu quỹ sẽ giải quyết được bao nhiêu nhu cầu bảo tồn của địa phương?

Ý tưởng tốt, thiếu cách vận hành

Cần thừa nhận rằng đề xuất thành lập quỹ xã hội hóa là hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh hiện nay của các địa phương. Thực tế cho thấy không phải địa phương nào cũng được tạo điều kiện đầu tư cho công tác bảo tồn như Huế. Ngoài ra, nhiều di tích có ý nghĩa văn hóa với địa phương nhưng chưa nằm trong quy hoạch quốc gia, hoặc chưa được đầu tư đúng mức bằng ngân sách nhà nước.

Thêm vào đó, quy định pháp luật hiện nay không cho phép dùng ngân sách bảo tồn của địa phương này hỗ trợ cho địa phương khác, cũng như việc tiếp nhận nguồn tài trợ bên ngoài cũng không dễ triển khai. Vậy nên, thành lập mạng lưới quỹ bảo tồn sẽ là chìa khóa cho vấn đề nêu trên. Địa phương nắm được quyền chủ động, để linh hoạt đầu tư không chỉ dưới hình thức hiện vật, mà còn có thể là các giá trị văn hóa tinh thần.

Từ lý thuyết đến thực tiễn luôn là một khoảng cách xa vời. Quỹ không sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng ban lãnh đạo lại là cán bộ địa phương kiêm nhiệm. Một bài toán cần giải quyết là làm thế nào để họ tập trung cho hoạt động phát triển quỹ.

Khác với cứu trợ thiên tai, bảo tồn văn hóa không phải là vấn đề cấp bách sống còn. Do vậy, quỹ bảo tồn không thể chỉ kêu gọi và chờ người dân phát tâm đóng góp. Giống như phần lớn hoạt động tài trợ khác, cần có các cơ chế mang lại quyền lợi cho nhà tài trợ. Vì lẽ trên, có đại biểu Quốc hội thậm chí còn đề xuất miễn giảm thuế, phí cho các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vào quỹ. Kiến nghị trên có lẽ vẫn chỉ là lấy từ túi trái sang túi phải, duy trì sự lệ thuộc vào ngân sách nhà nước mà không phù hợp với tôn chỉ hoạt động của quỹ bảo tồn.

Thử nhìn sang mô hình gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) để làm phim hay trò chơi điện tử về lịch sử, nhà phát hành phải đưa ra hàng loạt hạng mức quyền lợi hấp dẫn cho người đóng góp. Trường hợp không thực hiện được dự án đề ra, các khoản đóng góp sẽ được hoàn trả. Nếu áp dụng mô hình trên cho hoạt động bảo tồn dài hạn thì chắc chắn nảy sinh nhiều bất cập. Tuy nhiên, nó gợi mở tiềm năng chưa được khai phá cho quỹ bảo tồn, chí ít là trong những trường hợp cần đầu tư cho một di tích nào đó cụ thể. Một gói quyền lợi trọn đời cho nhà tài trợ khi tham gia sự kiện văn hóa của địa phương chẳng hạn?

Thực ra, chúng ta đã chứng kiến không ít bài học cho mô hình thành lập các quỹ chuyên biệt. Điển hình gần đây là kết dư đến gần 2.000 tỉ đồng từ quỹ phòng chống thiên tai trong tài khoản của 63 tỉnh thành. Cơ chế thực thi vẫn là câu chuyện muôn thuở. Nguồn lực nằm yên trong két không chỉ là một sự lãng phí khó bề chấp nhận, nó còn đánh mất niềm tin của những người đóng góp. Mà đó là chúng ta còn chưa bàn đến bài toán minh bạch khi sử dụng tiền từ quỹ.

Vậy nên, có lẽ nên tạm gác lại các ý tưởng hay, chờ đến ngày hoàn thiện khả năng thực thi. Trong khi đó, cứ trả lại mọi thứ về đúng nguyên tắc vận hành của thị trường: tập trung quảng bá, phát huy giá trị văn hóa để thu hút du lịch. Đấy mới là nguồn lực khổng lồ, dài hạn mà không cần kêu gọi, xin cho.

1 BÌNH LUẬN

  1. Để bảo tồn tốt nhất thì phải thay đổi tư duy bảo tồn, từ trước đến nay quan điểm chung luôn là: di tích cổ thì phải loang lổ vết tích thời gian, rêu phong, trầm mặc … với quan điểm như thế rất khó phát huy hết giá trị của di tích.
    Theo tôi thì di tích có giá trị lịch sử thì phải phục hồi, tôn tạo cho nó trở lại đúng vẻ huy hoàng, lộng lẫy vốn có, như vậy công trình sẽ bền vững với thời gian và cũng sẽ phát huy hết được giá trị của nó trong thời hiện tại

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới