Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quy cố hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quy cố hương

Đặng Quỳnh Giang

(TBKTSG Xuân AL) – Người quê tạo nên quê hương; quê hương được hình thành từ những con người ở đó, cả những người đang hiện hữu và những người đã khuất xa…

Mỗi lần hay tin một người quê lìa đời, tôi như mất đi cái gì đó quý giá, gần gũi, thiêng liêng lắm mà chẳng thể gọi tên. Bởi họ là di sản, là quê hương, là ký ức của tôi; họ có mặt, đi cùng những ngày tháng êm đềm nhất của tuổi thơ tôi…

Ngày tôi còn đuổi chim bắt bướm, người làng tôi mang nỗi lo thế hệ: rồi sẽ lấy đất đâu cho con cháu ở khi chúng lập gia đình. Dân số của làng hồi đó đông đúc lắm. Nói đâu xa, lối nhà tôi chỉ tầm vài trăm mét từ đầu đường cái ra phía sông với gần mười lăm nóc nhà nhưng trên dưới trăm nhân khẩu. Nhà nào cũng đông con, ít thì năm-sáu, nhiều đến chín-mười.

Người làng lúc đó chưa thoát ly, trai đến tuổi hỏi vợ, gái đến lứa gả chồng. Họ thường lấy người trong làng, xa một chút thì xóm bên hay các xã lân cận. Có con trai trong nhà, khi ngấp nghé đôi mươi, cha mẹ phải nhắm đất, để dành cây ngoài vườn chuẩn bị làm nhà cho cậu. Rồi gom tiền tậu trâu, đẽo cày, sắm sửa dần đồ đạc, gạo thóc, để cậu “ra riêng” – ở một góc vườn nhà hoặc một khoảnh đất nào đó được bố mẹ chuẩn bị từ trước.

Đất chật, người đông, làng thiếu đất canh tác. Ngoài việc sử dụng hết đất đai nhà nước phân chia, người làng tận dụng triệt để những khoảnh đất hoang, ngoài quy hoạch sản xuất, như đất ven đường, bên chân núi, cạnh bờ sông, bờ mương để trồng trọt. Có giai đoạn đỉnh điểm về dân số, người quê nhận thấy thiếu đất đai cho con em sẽ là mối nguy, nhiều gia đình đã chuyển nhà vào núi ở, mỗi nhà một quãng đồi, như một cách “đi trước”, giữ đất cho thế hệ sau. Nhưng ở được vài năm, không hợp với thổ nhưỡng núi rừng, họ phải trở lại làng.

Bước ra đường làng, ngõ xóm, lúc nào cũng nườm nượp người qua lại, tiếng chào hỏi, trò chuyện rộn ràng. Đồng vào mùa gieo hạt, khoảnh ruộng nào cũng tấp nập bóng người. Chiều tối xuống sông, bến nào cũng chật kín, rộn rã cả một khúc sông quê.

Thế rồi khi những người trẻ bắt đầu đi xa lập nghiệp, còn người già thì lần lượt khuất núi, làng bắt đầu thưa dần. Xóm vắng hoe, hiu quạnh. Dân làng đi làm ăn xa, chỉ Tết mới về thăm, vui trong mấy bữa rồi im ắng, tựa tiếng pháo chỉ rộn lên một lúc đêm giao thừa. Những con đường làng thèm bước chân người, bến sông nhớ những đứa con xa quê. Rất nhiều đồng ruộng bị bỏ hoang, không canh tác. Người làng ít, lại đa phần là trẻ con và người già, việc cấy cày chưa được cơ giới hóa, giá nông sản trồi sụt, nên nông dân không còn mặn mà với công việc đồng áng.

Làng vắng, người quê cũng ít đi lại nhà nhau hơn. Tập tục mời nước chè xanh của quê giờ chẳng còn duy trì; một số cử chỉ đẹp của nghĩa xóm tình làng đã không được như xưa. Chập choạng tối nhà nào cũng lo đóng cửa đi ngủ. Sợi dây liên kết các gia đình trong làng ngày một bớt bền chặt.

* * *

Thế rồi khi những người trẻ bắt đầu đi xa lập nghiệp, còn người già thì lần lượt khuất núi, làng bắt đầu thưa dần. Xóm vắng hoe, hiu quạnh. Dân làng đi làm ăn xa, chỉ Tết mới về thăm, vui trong mấy bữa rồi im ắng, tựa tiếng pháo chỉ rộn lên một lúc đêm giao thừa.

Tôi vừa mua lại mảnh đất của ông bà nội. Đó là đất hương hỏa của tổ tiên, được ông bà chia cho chú tôi, và tôi mua lại của chú. Từ bây giờ, tôi đã nhờ bố trồng cây xung quanh vườn, để dăm bảy năm nữa, khi tôi trên dưới năm mươi, cây tốt lên, rợp bóng mát, tôi sẽ chuyển hẳn về quê, làm nhà ở trong đó.

Trở lại sống chính nơi tổ tiên, cha ông từng sống, nơi mình lớn lên, trong những lùm cây xanh mát, thức dậy trong tiếng chim hót, gió thổi, lá cười đã luôn là một sự mong muốn từ khi tôi rời quê 25 năm trước, đến lập nghiệp trong thành phố bụi bặm, ồn ào. Tôi sẽ biến mong mỏi này thành sự thật, để được:

…Sớm mai nằm nghe/Nắng giòn trên mái/Ở đó có những lũ sên bò quanh/Những vết nứt rêu tường xanh/Có giếng nước soi trời trong/Ở đó có lá cuốn dây ngoài song/Có gió mát đêm bình yên/Có những tiếng chuông gần lắm/Vang cùng tiếng cầu kinh…

(Lời bài hát Căn nhà xưa – tác giả Nguyễn Đình Toàn)

Tôi xoay xở thế nào khi về “ở ẩn” lúc còn khá trẻ, khi cuộc sống phía sau còn rất dài ư? Tôi sẽ bán nhà cửa, đất đai, của để dành sau bao năm làm việc miệt mài để trang trải. Hơn nữa, ở quê cũng có một số công ty đang hoạt động, tôi tin mình sẽ hữu dụng với họ nếu vẫn còn muốn làm việc. Rồi tôi sẽ viết báo, viết về quê mình, những vùng tôi đi qua, những nơi tôi đã sống… Biết bao trải nghiệm những năm bôn ba nơi đất khách quê người.

Tôi cũng không quá lo lắng khi ai đó cho rằng đưa con về nông thôn, việc học hành, tiếp cận điều kiện sống hiện đại không được như thành phố. Giáo dục và các trường ở quê tôi vốn có nền tảng tốt. Mặt khác, chúng ta đang sống trong “xã hội phẳng”, công nghệ đã vào đến từng nhà nông thôn.

Tôi cũng chẳng phải phân vân về khí hậu quê mình khắc nghiệt, dù là những ngày nắng rát, hạn khô; là tiết mưa lê thê, dầm dề; bão lũ triền miên và cái rét thấu xương, cắt thịt. Ông cha tôi, người thân của tôi, người dân tôi sống được thì cớ sao mình lại nề hà. Và chẳng phải mình được sinh ra và lớn lên ở đó hay sao?

Tôi phải trở về, cùng bà con vực lại tập tục mời nước chè xanh, kêu gọi mọi người trồng cây để chống chọi với cái nắng, cái gió và bão lũ. Phải về, để vận động bà con bớt dần tập quán tiệc tùng triền miên, mâm cỗ linh đình, rất hao của, mệt người.

Tôi về, liên hệ các trường học, mong có dịp nói chuyện với các em học sinh, chia sẻ với các em kỹ năng sống, làm việc mà suốt bao năm tôi được đào tạo, rèn luyện trong các công ty. Kể các em nghe con đường chông gai, thử thách, nhưng cháy bỏng hoài bão, nghị lực mà tôi và những người con khác của làng đã đi qua. Tôi sẽ mở lớp dạy tiếng Anh, dạy võ thuật miễn phí cho các em nữa.

Tôi phải về, nhang khói cho mồ mả tổ tiên, các nhà thờ họ và ngôi chùa quê sau bao năm tha hương. Tôi phải về, cho làng có thêm bóng người, thêm tiếng nói câu cười, đường làng có thêm những bước chân. Về để các bạn đồng niên cùng những thế hệ sau thấy rằng, quy cố hương sau những năm tháng tha hương là điều rất khả dĩ. Đó cũng là trách nhiệm của những người con quê hương trong việc giữ gìn, tiếp nối hồn cốt của làng, của tổ tiên, cho cuộc sống ở đó mãi được nảy nở, sinh sôi.

Và tôi phải về để giảm bớt các gánh nặng cho thành phố. Bao lâu nay chúng tôi đổ xô ra phố, khiến thành phố mệt nhoài, quá tải. Một lúc nào đó, hãy tính chuyện trở về nơi được sinh ra, như một cách để giảm tải cho các thành thị.

Có một điều chắc chắn, quy cố hương sẽ không bao giờ sai. Dù đi đâu, làm gì, xin đừng bán đất hương hỏa. Hãy để một nơi để có thể quay về. 

(Hình ảnh trong bài: TTXVN)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới