Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quỹ Đầu tư phát triển Đà Nẵng mở gói vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quỹ Đầu tư phát triển Đà Nẵng mở gói vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp

Nhân Tâm

(KTSG Online) – Doanh nghiệp vay vốn tại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng (DDIF) sẽ được giảm lãi suất cho vay tối thiểu tại ba nhóm đầu tư bên cạnh nâng cấp ưu tiên cho vay một số dự án đầu tư.

Quỹ Đầu tư phát triển Đà Nẵng mở gói vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp
Đà Nẵng sẽ mở rộng đối tượng và danh mục cho vay cũng như hạ thấp lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay, vượt qua khó khăn. Ảnh: Nhân Tâm

Cụ thể, lãi suất cho vay tối thiểu tại DDIF được giảm 0,5 điểm phần trăm xuống còn 6,5% (nhóm I), 7% (nhóm II) và 7,5% (nhóm III).

Trong đó, nhóm I gồm 8 lĩnh vực: công nghiệp, công nghệ cao; du lịch; môi trường; năng lượng; nhà ở; nông nghiệp, ngư nghiệp; giao thông; công nghệ thông tin và viễn thông. Nhóm II gồm 4 lĩnh vực: giáo dục; y tế, y dược; văn hóa, thể thao và các lĩnh vực ưu tiên khác (đầu tư cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; các dự án liên quan đến hoạt động giám định tư pháp; các dự án thuộc lĩnh vực logistic; các dự án trung tâm hội chợ triển lãm, siêu thị, chợ, khu phức hợp, nhà ở thương mại, văn phòng cho thuê, trung tâm trưng bày sản phẩm; trung tâm dưỡng lão, chăm sóc người cao tuổi). Nhóm III là các dự án còn lại.

Theo ông Đoàn Ngọc Vui, Phó giám đốc DDIF, từ 25-6, những điều kiện cho vay mới này sẽ được áp dụng. “Điểm đặc biệt ưu đãi về lãi suất tại DDIF mà một số doanh nghiệp đôi khi ít để ý đó là lãi suất tại đây là lãi suất cho vay đầu tư trung và dài hạn”, ông Vui nói và cho biết thêm quỹ không có cho vay ngắn hạn mà chỉ cho vay trên lĩnh vực đầu tư dự án trung và dài hạn. Lãi suất cho vay trung và dài hạn tại các ngân hàng thông thường cao hơn lãi suất cho vay ngắn hạn. Tuy nhiên, quỹ duy trì mức lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay ngắn hạn tại ngân hàng nhằm ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp.

Theo ông Vui, với mức lãi suất tối thiểu 6,5%/năm tại DDIF thì hiện nay đã thấp hơn lãi suất tại Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo vay, hiện đang ở mức 6,6%/năm.

Cũng theo ông Vui, thông thường các ngân hàng sẽ ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp vay năm đầu tiên và áp dụng lãi suất thả nổi trong các năm còn lại. Tuy nhiên, tại DDIF thì lãi suất gần như ổn định trong thời gian vay và giảm lãi suất khi thị trường giảm nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể yên tâm, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất – kinh doanh trong thời gian dài.

Mở rộng danh mục dự án

Nếu như trước đây các dự án vay vốn tại quỹ đáp ứng điều kiện phải là dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, trường hợp có đầu tư mua sắm máy móc thiết bị thì máy móc thiết bị phải gắn với phần kết cấu xây lắp, thì nay các dự án vay vốn tại quỹ không còn giới hạn trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, không bắt buộc phải có cấu phần xây dựng. Như vậy, các dự án như đầu tư mua sắm phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy hoặc mua sắm máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, … miễn là phù hợp với lĩnh vực đầu tư, cho vay tại Quyết định số 1568/QĐ-UBND thì sẽ được quỹ xem xét cho vay.

Bên cạnh đó, danh mục các dự án cho vay đầu tư mới được mở rộng theo hướng bao quát hầu hết các lĩnh vực đầu tư thuộc các ngành nghề trên địa bàn thành phố. Theo đó, danh mục mới tăng từ 3 nhóm lĩnh vực thành 12 nhóm lĩnh vực và tăng từ 16 nhóm dự án thành 37 nhóm dự án.

Một số nhóm dự án và lĩnh vực mới được bổ sung vào danh mục như các dự án đầu tư khu du lịch, phát triển kinh tế ban đêm, các dự án sản xuất sản phẩm du lịch; các dự án đầu tư khu dân cư, nhà chung cư, khu tái định cư; các dự án đầu tư thiết bị, phương tiện thu gom xử lý rác thải, khí thải, nước thải; các dự án đầu tư các trung tâm dạy nghề, các cơ sở giáo dục khác; các dự án đầu tư kho dược phẩm; đầu tư mua sắm máy móc thiết bị; các trung tâm dưỡng lão, chăm sóc người cao tuổi…

Danh mục lĩnh vực cho vay, đầu tư lần này không chỉ tập trung trong nhóm các lĩnh vực phục vụ mục tiêu an sinh xã hội, kêu gọi xã hội hóa mà còn được mở rộng sang các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội khác như lĩnh vực logistics, trung tâm hội chợ triển lãm, siêu thị, chợ, khu phức hợp, nhà ở thương mại, văn phòng cho thuê, trung tâm trưng bày sản phẩm…

Điểm mới khác của danh mục mới hiện nay là tất cả các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao đều được tiếp cận nguồn vốn vay của quỹ chứ không giới hạn như danh mục cũ là chỉ xem xét cho vay đối với các dự án thuộc đối tượng di chuyển, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất từ ngoài khu công nghiệp vào trong khu công nghiệp.

Theo báo cáo từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng (DDIF), tính đến cuối năm 2020, tổng nguồn vốn hoạt động của đơn vị là 1.643 tỉ đồng, tăng 8 lần so với thời điểm mới thành lập, trong đó vốn chủ sở hữu 1.147 tỉ đồng, chiếm 70,3% tổng vốn hoạt động và vốn huy động (nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của 2 tổ chức tài chính quốc tế là Cơ quan Phát triển Pháp và Ngân hàng Thế giới) chiếm 29,7% tổng vốn hoạt động.

Nguồn vốn của DDIF đã thu hút các nguồn vốn của các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cụ thể qua hoạt động cho vay đầu tư, thành phố đã thu hút thêm 1.195 tỉ đồng vốn của các nhà đầu tư tư nhân tham gia; nguồn vốn của Quỹ Đầu tư phát triển cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, bảo đảm nguồn lực để triển khai các dự án đúng tiến độ và giải quyết việc làm cho người lao động.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới