Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quy định hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục – cải cách nhưng chưa triệt để

LS. Nguyễn Nhật Dương(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mặc dù đã có tương đối nhiều quy định được điều chỉnh (so với Nghị định 86), Nghị định 124 mới được ban hành hồi tháng 10 vừa qua và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20-11-2024 vẫn còn một số điểm chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt là về thủ tục thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.

Bài viết này đề cập đến một số nội dung mà Nghị định 124 vẫn chưa giải quyết được, là vướng mắc hiện nay của nhiều tổ chức, cơ sở giáo dục nước ngoài khi tiến hành trên thực tế.

Vào ngày 5-10-2024, Chính phủ đã thông qua và ban hành Nghị định 124/2024/NĐ-CP (sau đây viết gọn là Nghị định 124) sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (sau đây viết gọn là Nghị định 86).

Thiếu biểu mẫu trong hồ sơ đăng ký thành lập

Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 điều 54 Nghị định 86, ngoài Đơn đề nghị cho phép thành lập văn phòng đại diện đã có mẫu thì các tài liệu còn lại, như (i) Báo cáo tóm tắt sự hình thành và phát triển của tổ chức, cơ sở giáo dục nước ngoài, (ii) Dự thảo Quy chế tổ chức, hoạt động của văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam, (iii) Văn bản giới thiệu nhân sự làm Trưởng văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam đều không có mẫu biểu chính thức.

Việc không có mẫu cũng như không có quy định cụ thể nào về những nội dung cần có trong các văn bản này vô hình trung gây khó khăn cho các cơ sở, tổ chức giáo dục nước ngoài khi thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Đồng thời, cũng làm khó cơ quan có thẩm quyền trong quá trình rà soát, thẩm định hồ sơ, cũng như đưa ra căn cứ để yêu cầu điều chỉnh hồ sơ.

Theo quy định Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành kèm theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 6-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết gọn là Phương án đơn giản hóa), việc mẫu hóa các tài liệu nằm trong hồ sơ đăng ký thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nước ngoài là điều cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện, giảm tối đa chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (mục I.4 phần X của Phương án đơn giản hóa). Mặc dù Phương án đơn giản hóa được ban hành vào thời điểm Dự thảo sửa đổi Nghị định 86(1) đang được xây dựng, tuy nhiên khi ban hành Nghị định 124 vẫn chưa quy định và điều chỉnh những nội dung này. Điều này đồng nghĩa với việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài khi muốn thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn như tình trạng hiện nay.

Đáng chú ý, theo quy định hiện hành, khi thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, tổ chức, cơ sở giáo dục phải trải qua hai bước, bao gồm việc cấp phép thành lập tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và đăng ký hoạt động tại sở giáo dục và đào tạo. Hai quy trình này cần được xem xét thống nhất và bất kỳ một “điểm nghẽn” ở giai đoạn nào cũng có thể khiến cho quá trình thành lập văn phòng đại diện bị trì hoãn.

Đối với quy trình tại sở giáo dục và đào tạo, hiện nay tồn tại một điểm bất cập là việc tổ chức, cơ sở giáo dục nước ngoài phải nộp cho sở giáo dục và đào tạo bản sao hồ sơ đề nghị cấp quyết định cho phép thành lập văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài đã gửi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây rõ ràng là một quy định không hợp lý bởi lẽ tổ chức, cơ sở giáo dục nước ngoài đã phải nộp hồ sơ này cho Bộ Giáo dục và Đào tạo khi yêu cầu cho phép thành lập văn phòng đại diện và để đến được giai đoạn đăng ký hoạt động tại sở giáo dục và đào tạo, hồ sơ đã nộp tại Bộ Giáo dục và Đào tạo đương nhiên đã được chấp thuận.

Trước sự bất cập này, trong Phương án đơn giản hóa, bên cạnh việc kiến nghị mẫu hóa hồ sơ cần nộp tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt việc bỏ yêu cầu phải nộp lại bộ hồ sơ đã gửi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (mục I.4 phần X của Phương án đơn giản hóa). Ghi nhận nội dung này, khoản 32 điều 1 Nghị định 124 đã điều chỉnh loại bỏ bản sao hồ sơ đã gửi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo khi làm thủ tục tại sở giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, kiến nghị về việc mẫu hóa các hồ sơ cần nộp tại Bộ Giáo dục và Đào tạo lại không được quy định tại Nghị định 124.

Việc chỉ ghi nhận một trong số nhiều nội dung tại Phương án đơn giản hóa khi điều chỉnh cùng một thủ tục thành lập văn phòng đại diện có thể dẫn đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính về thành lập văn phòng đại diện sẽ không được thực hiện một cách triệt để và tiếp tục gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài khi muốn thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Các tiêu chí để cấp phép chưa rõ ràng

Theo quy định tại Nghị định 86, để được phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, tổ chức, cơ sở giáo dục nước ngoài phải đáp ứng những điều kiện nhất định, được quy định tại điều 53. Mặc dù vậy, quy định tại điều 53 Nghị định 86 lại không đặt ra những tiêu chí cụ thể, đồng thời hiện nay cũng không có bất kỳ một văn bản hướng dẫn nào về tiêu chí để xác định tổ chức, cơ sở giáo dục nước ngoài đáp ứng những điều kiện này.

Đơn cử như yêu cầu về việc tổ chức, cơ sở giáo dục nước ngoài phải có điều lệ, tôn chỉ, mục đích hoạt động rõ ràng. Đây là một yêu cầu định tính và hoàn toàn không có tiêu chuẩn nào để xác định mức độ rõ ràng trong điều lệ, tôn chỉ, mục đích hoạt động của các tổ chức, cơ sở này.

Trên thực tế, tổ chức, cơ sở giáo dục đến từ các quốc gia khác nhau sẽ có những bản điều lệ, tôn chỉ hoạt động khác nhau, phù hợp với quy định của quốc gia đó. Tuy nhiên, nếu những nội dung đó không phù hợp với yêu cầu của pháp luật Việt Nam hay thậm chí không phù hợp với quan điểm của cơ quan có thẩm quyền, điều kiện này cũng có thể bị xem là không được đáp ứng. Điều này có thể tạo nên sự không rõ ràng trong việc đánh giá đáp ứng điều kiện để được cấp phép thành lập văn phòng đại diện.

Ngoài ra, yêu cầu phải được kiểm định chất lượng giáo dục hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chất lượng giáo dục theo quy định tại khoản 2 điều 53 Nghị định 86 cũng rất đáng nói. Trên thực tế, nhiều tổ chức hoạt động về giáo dục có hoạt động chính là hỗ trợ giáo dục, bao gồm việc liên kết, hợp tác giáo dục, tổ chức các kỳ thi đánh giá cấp chứng chỉ, xây dựng các chương trình giáo dục cho các cơ sở giáo dục. Những tổ chức này không trực tiếp đào tạo, giáo dục học viên, do đó, không thể yêu cầu các tổ chức này phải có các chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục.

Trong một số trường hợp, các chứng nhận kiểm định của các tổ chức này được cấp theo thực tế hoạt động của họ lại không phù hợp với đánh giá của cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam. Việc yêu cầu một tài liệu mà tổ chức nước ngoài không có hoặc không đáp ứng được dựa trên sự thiếu hụt/không rõ ràng về tiêu chí đánh giá cũng là một thách thức cho các tổ chức hoạt động giáo dục nước ngoài khi muốn thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Điều đáng nói là tại khoản 15 điều 1 Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 đã sửa đổi quy định tại khoản 2 điều 53 Nghị định 86 theo hướng bỏ yêu cầu “đã được kiểm định chất lượng giáo dục hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chất lượng giáo dục” đối với tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Đây được xem là một điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, khi Nghị định 124 được ban hành, đề xuất sửa đổi này lại không còn được ghi nhận.

Nghị định 124 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20-11-2024 sau một khoảng thời gian dài chuẩn bị kể từ năm 2021. Tuy nhiên, với những nội dung chưa được điều chỉnh, sửa đổi và còn nhiều bất cập trong việc thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam như nêu trên, Nghị định 124 này có thể nói vẫn chưa đáp ứng được trọn vẹn những mong mỏi của các tổ chức, cơ sở giáo dục nước ngoài khi muốn hợp tác, đầu tư về giáo dục tại Việt Nam. Đây cũng là vấn đề đáng lưu tâm dành cho các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, theo dõi cũng như có những hướng điều chỉnh phù hợp, sát với tình hình thực tế hơn trong thời gian tới.

(*) Công ty Luật TNHH HM&P

(1) https://vibonline.com.vn/du_thao/du-thao-nghi-dinh-sua-doi-bo-sung-nghi-dinh-86-2018-nd-cp-quy-dinh-ve-hop-tac-dau-tu-cua-nuoc-ngoai-trong-linh-vuc-giao-duc, truy cập hôm 3-11-2024.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới