Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quy định kích thước tối thiểu thủy sản được phép khai thác là cần thiết

Nguyên Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -  Quy định cấm đánh bắt các loài thủy sản ở giai đoạn con non, kích thước nhỏ, chưa thành thục sinh dục nhằm đảm bảo cho đàn thủy sản tham gia vào sinh sản và tăng khả năng tái tạo nguồn lợi.

Việc hạn chế khai thác xâm hại thủy sản con non nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Trước kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) về một số bất cập tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP, Cục Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản trả lời về kiến nghị liên quan kích thước tối thiểu được phép khai thác các loài thủy sản, theo TTXVN.

Cục Kiểm ngư cho biết, nguồn lợi hải sản ở Việt Nam suy giảm cả về trữ lượng và chất lượng trong nhiều năm qua. Trữ lượng tức thời nguồn lợi hải sản ở giai đoạn 2016-2020 ước tính khoảng 3,95 triệu tấn và giảm 22,1% so với trữ lượng 5,07 triệu tấn trong giai đoạn 2000-2005.

Kết quả điều tra sinh học nghề cá giai đoạn 2015-2020 đã chỉ ra rằng, vào mùa sinh sản và ương nuôi nguồn giống thủy sản, tỷ lệ xâm hại nguồn lợi của một số loài kinh tế đạt mức tuyệt đối với 100% sản lượng là cá, tôm, mực con non, kích thước nhỏ.

Theo Cục Kiểm ngư, việc hạn chế khai thác xâm hại thủy sản con non nhằm bảo vệ các thế hệ kế cận hướng tới tăng lượng bổ sung cho nguồn lợi ở chu kỳ, năm tiếp theo được xác định là phù hợp trên cơ sở các quy luật sinh học quần thể.

Quy định kích thước khai thác tối thiểu đã được đưa vào quy định quản lý nghề của các tổ chức như FAO, IATTC và nhiều quốc gia như Mỹ, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ở Việt Nam, kích thước khai thác tối thiểu đã được quy định gần 20 năm tại các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực thủy sản. Mục đích của quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác nhằm hướng tới bảo vệ nguồn lợi của các loài thủy sản ở giai đoạn con non, kích thước nhỏ, chưa thành thục sinh dục, đảm bảo cho đàn thủy sản con non tham gia vào sinh sản và tăng khả năng tái tạo nguồn lợi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới