Quy định pháp luật về thanh tra còn bất cập
Lan Nhi
Tập đoàn Sông Đà. Ảnh: Báo Dân trí |
(TBKTSG Online) - Theo Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, quy định của pháp luật về thanh tra còn bất cập, thiếu các biện pháp chế tài dẫn đến việc nhiều trường hợp không chấp hành kết luận, kiến nghị của thanh tra mà chưa bị xử lý.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đã gửi văn bản chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ về việc có sự khác biệt rất lớn trong các báo cáo của Chính phủ về việc việc phát hiện sai phạm thanh tra và số liệu thu hồi về ngân sách. Ông Hùng dẫn ra Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng số 266/BC-CP năm 2012 (10/10/2012) và Báo cáo số 233/BC-CP (6/9/2012) cùng của Chính phủ.
Ở báo cáo thứ nhất nêu, qua thanh tra đã phát hiện sai phạm, thu hồi về ngân sách 6.482 tỉ đồng (đã thu hồi 141 tỉ). Báo cáo thứ hai lại đưa số liệu qua thanh tra phát hiện sai phạm và thu hồi về ngân sách 7.948 tỉ đồng (đã thu hồi 2.334 tỉ đồng). Ông yêu cầu làm rõ sự sai khác này và vì sao tỉ lệ thu hồi về ngân sách, xử lý các vi phạm do thanh tra phát hiện lại thấp như vậy.
Trả lời ông Hùng bằng văn bản, Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh nói sự khác biệt về số liệu ở hai báo cáo do thời gian chốt số liệu khác nhau. Báo cáo số 233 chốt số liệu tạm tính đến ngày 30/6/2012. Báo cáo số 266 chốt số liệu đến 30/9/2012.
Mặt khác, trong thời gian tháng 7 và 8, Thanh tra đã thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết kuận thanh tra tại các tập đoàn, tổng công ty mới kết luận thanh tra trong 6 tháng đầu năm. Ví như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, nên việc thu hồi, xử lý sau thanh tra tăng lên nhiều so với báo cáo trước đây.
Ông Tranh còn giải thích rằng, nguyên nhân của việc chấp hành các kết luận của thanh tra còn thấp do quy định của pháp luật về thanh tra còn bất cập, còn thiếu các biện pháp, chế tài xử lý đối với các trường hợp không chấp hành kết luận, kiến nghị của thanh tra. Điều này khác với bản án, quyết định của tòa án có cơ quan thi hành án tổ chức thực hiện.