Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Quy hoạch Điện 8 trình Thủ tướng: “Cơn mê” điện than vẫn tiếp tục

Nguyễn Đăng Anh Thi (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bản dự thảo Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) lại đang nằm trên bàn Thủ tướng chờ xem xét phê duyệt theo Tờ trình 6277/TTr-BCT của Bộ Công Thương ngày 8-10-2021. Liệu Thủ tướng có nên ký duyệt thông qua hay phải yêu cầu tiếp tục chỉnh sửa?

Dự thảo QHĐ8 tiếp tục đi vào vết xe đổ nhiệt điện than mà thế giới đã và đang từ bỏ.

Dù là một bản quy hoạch ngành, nhưng QHĐ8 không chỉ liên quan đến ngành điện, mà sẽ là tấm gương phản chiếu mô hình tăng trưởng của Việt Nam, có tính quyết định đến chất lượng môi trường, chất lượng sống và sức khỏe người dân Việt Nam không chỉ trong năm năm tới mà còn trong vài thập niên tới.

Không dừng lại ở đó, bản quy hoạch ngành điện này còn là bằng chứng để thế giới đánh giá về những cam kết và trách nhiệm về khí hậu của Việt Nam, đặc biệt là khi lãnh đạo toàn cầu đang tề tựu về Glasgow, Vương quốc Anh, dự Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP26) từ ngày 31-10-2021.

Khẳng định vị thế “cường quốc điện than”

Trong khi phải trì hoãn mục tiêu “cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” thêm 10 năm nữa, Việt Nam đã thành “cường quốc” nhiệt điện than. Theo Global Coal Plant Tracker, Việt Nam hiện xếp thứ 6 châu Á và thứ 11 trên thế giới về công suất lắp đặt nhiệt điện than. Ba nước đứng đầu thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Hình 1 cho thấy “tầm cỡ” của nhiệt điện than Việt Nam trong nhóm các nước xếp từ 4 đến 13.

Dù quy mô hệ thống điện Việt Nam chỉ xếp thứ 23 thế giới, nhưng chính nhiệt điện than đã đưa Việt Nam trở thành “cường quốc”. “Vị thế” này được củng cố và tăng cường nhờ việc đề xuất xây thêm 27 nhà máy nhiệt điện than trong 15 năm tới theo QHĐ8.

Các con số trên cho thấy công suất nhiệt điện than tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi chỉ trong vòng 10 năm tới, trung bình một năm xây thêm hai nhà máy. Với kế hoạch này, Việt Nam sẽ vượt qua Ấn Độ và Indonesia để vươn lên xếp thứ 2 thế giới về quy mô xây mới nhiệt điện than, chỉ xếp sau Trung Quốc (hình 2).

Tương ứng với công suất là sản lượng. Hình 3 cũng cho thấy rằng sản lượng điện than của thế giới đã đạt đỉnh vào năm 2011 với tỷ trọng 40,1% và giảm liên tục từ đó đến nay. Trong khi đó, sản lượng điện than của Việt Nam đã tăng liên tục từ năm 2012 và có bước “đại nhảy vọt” từ sau năm 2017, hiện chiếm tỷ trọng gấp gần 1,6 lần mức trung bình của thế giới. Tỷ trọng sản lượng điện than của Việt Nam năm 2020 lên đến 52,9%, so với của thế giới hiện giảm xuống chỉ còn 33,8%.

Theo Dự thảo Quyết định phê duyệt QHĐ8, tỷ trọng sản lượng điện than đến năm 2030 được duy trì ở mức cực cao là 44,2-45,5% và dự kiến giảm xuống còn khoảng 27,4-32,4% vào năm 2045.

“Đổ tội” cho điện gió và mặt trời

Trong số các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời và gió có đặc điểm nổi bật là luôn biến thiên và khó dự đoán. Vì vậy, năng lượng mặt trời và gió được xếp vào loại năng lượng tái tạo biến đổi (Variable Renewable Energy, VRE). Xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu cho thấy đầu tư vào VRE hiện nay không chỉ đạt mục tiêu bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện an ninh năng lượng.

Sự thành công của các quốc gia trong quá trình chuyển đổi năng lượng thể hiện qua tỷ lệ sản lượng điện năng từ nguồn điện gió và mặt trời trên tổng sản lượng điện năng của quốc gia đó trong năm, được gọi là tỷ trọng VRE.

Theo Dự thảo Quyết định phê duyệt QHĐ8, dự kiến tỷ trọng VRE tối đa năm 2030 là 12,5%, năm 2045 là 26,3%. So với tiềm năng điện mặt trời và điện gió của Việt Nam cũng như xu hướng thúc đẩy tỷ trọng VRE cao trên thế giới hiện nay, rõ ràng các mục tiêu trên là rất khiêm tốn và không tương xứng.

Trong hai năm vừa qua, năng lượng tái tạo, mà điển hình là điện mặt trời, đã đóng vai trò cứu tinh để bù đắp cho sự chậm trễ của chín dự án điện than với công suất lên đến 6.150 MW trong QHĐ7 hiệu chỉnh vì thiếu vốn. Dù vậy, Bộ Công Thương lại “quy tội” khi cho rằng “điện gió và điện mặt trời đã gây ra nhiều khó khăn trong vận hành, điều độ hệ thống điện, ảnh hưởng đến vận hành các nguồn nhiệt điện than, khí”.

Thực tế, sản lượng điện gió và điện mặt trời của Việt Nam hiện chỉ chiếm tỷ trọng 5,4% trên toàn hệ thống, thấp hơn nhiều so với tỷ trọng 9,4% của thế giới năm 2020 (hình 4).

Điều đó nói lên rằng những khó khăn trong vận hành hệ thống điện Việt Nam hoàn toàn không phải do bản chất biến đổi và bất định của điện gió và điện mặt trời. Ngược lại, phải nhìn nhận một cách chính xác rằng sự phụ thuộc nhiệt điện than là rào cản chủ yếu trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng bẩn sang năng lượng sạch tại Việt Nam. Số liệu về tỷ trọng VRE cao của các nước trên thế giới củng cố nhận định này.

Năm 2018, lần đầu tiên toàn khối EU đạt tỷ trọng VRE trên 15%. Hiện nay, có ít nhất chín quốc gia trên thế giới đạt tỷ trọng VRE trên 20%, trong đó kỷ lục thế giới đang thuộc về Đan Mạch (trên 60%), tiếp đến là Uruguay (trên 40%), tiếp đến là Ireland, Đức và Hy Lạp (trên 30%) (hình 5).

Một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) năm 2014 nghiên cứu về chuyển đổi năng lượng tại 15 quốc gia cho thấy khả năng tỷ trọng VRE vượt trên 30% trong lưới điện có thể đạt được với chi phí gia tăng không đáng kể nhờ vào cải thiện chính sách, hệ thống quản lý, và lập kế hoạch tốt hơn.

Một nghiên cứu khác của phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia Mỹ (NREL) năm 2018 cũng chỉ ra rằng có thể tích hợp tỷ trọng VRE đến 25% vào lưới điện chỉ bằng các giải pháp về quản lý. Việc đầu tư thêm vào các nguồn phát điện linh hoạt để hỗ trợ lưới điện chỉ thực sự cần thiết khi tỷ trọng VRE cao hơn 25%.

Báo cáo World Energy Oulook 2021 của IEA cho thấy do sự giảm giá mạnh mẽ của điện gió và mặt trời, hiện đã có trên 130 quốc gia cam kết nâng công suất và sản lượng các nguồn điện sạch này đủ để đáp ứng nhu cầu điện năng trong 10 năm tới. Dự kiến tỷ trọng VRE trên toàn cầu năm 2030 sẽ đạt 30%, so với mức 9,4% hiện nay. Vậy, Việt Nam có thể đặt mục tiêu tỷ trọng VRE năm 2030 bằng mức trung bình của thế giới, so với mức tối đa chỉ là 12,5% được không?

Việc “đổ tội” cho điện gió và mặt trời “gây ảnh hưởng đến vận hành các nguồn nhiệt điện than, khí” không những không có cơ sở mà ngược lại còn cho thấy tư duy “lỡ phóng lao phải theo lao”. Dự thảo QHĐ8 tiếp tục đi vào vết xe đổ nhiệt điện than mà thế giới đã và đang từ bỏ, đồng thời quay lưng lại với thành quả chuyển dịch sang năng lượng sạch bước đầu mà Việt Nam đã đạt được trong hai năm qua, đi ngược chiều với cuộc cách mạng năng lượng sạch mà thế giới đang triển khai ở tốc độ và quy mô không thể cưỡng lại.

Tài chính điện than đang cạn kiệt

Ngày 21-9-2021, tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các nước đang phát triển khác trong việc phát triển xanh và năng lượng carbon thấp, và sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài”. Dù vẫn phải thận trọng với phát biểu này vì chưa có lộ trình cụ thể, cũng cần thừa nhận rằng tài chính cho nhiệt điện than hầu như đã cạn kiệt.

Trước đó, Nhật Bản và Hàn Quốc, hai trong ba quốc gia từng có tài trợ cho nhiệt điện than Việt Nam cũng đã cam kết chấm dứt tài trợ điện than ở nước ngoài. Vậy, nguồn vốn từ đâu để xây dựng 27 nhà máy điện than theo QHĐ8?

Thực tế, theo tổng hợp của GreenID, có đến 18 dự án, tương đương hai phần ba số lượng nhà máy và công suất trên tổng số 27 nhà máy dự kiến xây dựng là hoàn toàn chưa tiếp cận được tài chính. Hàng loạt dự án điện than chậm tiến độ vì thiếu vốn trong thời gian qua có vẻ như chưa đủ để những nhà hoạch định chính sách tại Bộ Công Thương thức tỉnh trong cơn mê điện than.

Với cam kết chấm dứt tài trợ điện than của ba chủ nợ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể nhìn thấy một tương lai “đen như than” của các dự án này cũng như số phận của bản QHĐ8 nếu tiếp tục ưu ái điện than.

Điện than “sẽ thành dĩ vãng” sau COP26

Phát thải khí nhà kính của Việt Nam đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 10 năm qua, so với mức tăng trung bình của thế giới là 15%. Than đá là thủ phạm chính gây phát thải khí nhà kính tại Việt Nam, khi đóng góp đến 54% lượng phát thải do đốt nhiên liệu hóa thạch, theo Our World in Data. Với kế hoạch xây thêm 27 nhà máy nhiệt điện than trong vòng 15 năm tới, phát thải khí nhà kính của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng lên tương ứng, đi ngược lại với nỗ lực của cộng đồng quốc tế về cắt giảm phát thải.

Theo Hiệp định Khí hậu Paris 2015 mà Việt Nam là một thành viên tham gia ký kết, thế giới đã thống nhất cắt giảm phát thải nhằm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C trong thế kỷ này và theo đuổi các nỗ lực giữ cho nhiệt độ không tăng quá 1,5 độ C.

Thực tế, cam kết khí hậu của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế được xem là “cực kỳ bất hợp lý” (critically insufficient), theo đánh giá của Climate Action Tracker. Tổ chức nghiên cứu độc lập này cho rằng cam kết của Việt Nam “phản ánh nỗ lực tối thiểu hoặc không cần hành động, và hoàn toàn không phù hợp với giới hạn nhiệt độ 1,5 độ C của Hiệp định Paris. Nếu tất cả các quốc gia đều làm như Việt Nam, sự nóng lên toàn cầu sẽ vượt quá 4 độ C”.

Nói cách khác, Việt Nam rõ ràng đang bị xem là nước góp phần gây ra thảm họa khí hậu. Điều này từng được thể hiện qua phát biểu của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), ông Jim Yong Kim năm năm trước: “Nếu Việt Nam tiếp tục phát triển thêm 40.000 MW điện than, nếu toàn bộ khu vực thực hiện các kế hoạch xây thêm điện than tại thời điểm này, tôi nghĩ mọi thứ đã chấm dứt. Đó sẽ là thảm họa cho nhân loại và hành tinh của chúng ta”.

Báo cáo “Net Zero by 2050” của IEA cũng đã chỉ ra rằng việc chấm dứt xây dựng điện than mới và loại bỏ nhanh các nhà máy điện than đang vận hành là trụ cột để đảm bảo rằng nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C. Đề cập đến báo cáo này, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, ông António Guterres kêu gọi tất cả các chính phủ, các công ty tư nhân và chính quyền địa phương “chấm dứt cơn nghiện than chết người” bằng cách hủy bỏ tất cả các dự án điện than toàn cầu. Ông nói rõ việc loại bỏ dần nhiệt điện than là “bước quan trọng nhất duy nhất để đạt được mục tiêu 1,5 độ C của Hiệp định Paris”.

Kể từ Hiệp định Paris năm 2015, số dự án điện than được đề xuất xây mới đã bị loại bỏ đến 76% trên toàn cầu. Hiện nay, đã có 44 quốc gia cam kết không xây dựng thêm nhà máy điện than mới và 40 quốc gia khác hiện cũng đang sẵn sàng cam kết tương tự sau khi hủy bỏ các dự án nhà máy điện than đã được đề xuất trước đó. Ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26, nhận định hội nghị khí hậu lần này sẽ khiến điện than trở thành dĩ vãng.

(*) Chuyên gia năng lượng và môi trường

13 BÌNH LUẬN

  1. Bút pháp trào phúng đọc cũng hay :)) Tuy vậy nói cho công bằng thì những nước mới phát triển đâu thể chịu chi phí giải quyết hậu quả môi trường do những nước đã phát triển hiện nay gây ra trong quá khứ. Nghèo đói thì đâu có tiền xài sang, dùng năng lượng sạch đắt hơn năng lượng hóa thạch. Cách tốt hơn là cầm bản kế hoạch phát triển như bình thường sử dụng năng lượng giá rẻ đi đến hội nghị bảo vệ môi trường, đề nghị các nước phát triển bù đắp chi phí để VN chuyển sang dùng nguồn năng lượng sạch.

  2. Tình trạng điện căng như dây đàn thế mà đòi làm xe điện theo TQ chỉ có nước sụp lưới. Ở VN hệ thống giao thông chưa thể đu theo lưới điện được.

  3. Bài viết rất thẳng thắn. Phù hợp với xu hướng chung của thế giới về phát triển nguồn năng lượng sạch. Vấn đề ở đây là cần tìm ra nguyên nhân vì đâu mà đến tận quy hoạch 8 này Bộ Công Thương vẫn bảo vệ việc xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện chạy than mặc dù biết nên hay không nên tiếp tục xây thêm nhiệt điện chạy bằng than.

  4. Có lẽ ta nên bình tĩnh, cố tin vào những gì các bộ ngành trung ương nghiên cứu và đề xuất? Chờ COP26 tranh cãi cho xong cái đã thì mới dám quyết được. Nhưng chắc còn lâu chán. Trước mắt, ít ra cũng có cái để tự hào thuộc diện “hàng đầu thế giới” ví dụ như giá xăng dầu, tỷ trọng điện than…

  5. Thế giới chưa qua cơn mê “Tham Sân Si” nên đừng hi vọng nhiều vào những lời hứa của các đại cường quốc về giải quyết biến đổi khí hậu, hỗ trợ các nước nghèo về tài lực. Nghe đâu mới chỉ có 8 tỷ $ / tổng số vài ngàn tỷ $ được cam kết ? Phải tự cứu mình thôi.

  6. Sự so sánh giữa Việt Nam và các nước phát triển là khập khiễng. Giá điện bán ra tại các nước phát triển rất cao mà nền kinh tế vẫn chịu được (giá điện của Đức lên đến 37 cent/kWh; Đan Mạch lên tới 35 cent/kWh) nên việc phát triển NLTT rất thuận lợi do có thể mua điện từ NLTT với giá rất cao. Công suất dự phòng của các nước này rất lớn nên vào lúc thiếu có thể bù trừ được luôn. Mặc dù vậy, các nước này đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn về giá năng lượng tăng trong mùa đông này.
    Mỗi nước có điều kiện phát triển riêng. Đừng có lấy quan điểm của mình mà nói những câu kiểu “cơn mê điện than” với những người làm quy hoạch. Đất nước mình đã cố gắng lắm rồi. Tốc độ phát triển điện mặt trời là rất nhanh cao hơn cả Úc trong thời kỳ từ 2018 đến nay. Một hệ thống điện yêu cầu nhiều thứ để phát triển trong một chiến lược tổng thể bao gồm nguồn phát nền, nguồn bù trừ đáp ứng phụ tải nhanh, lưới điện phải thích ứng theo. Đầu tư cho lưới điện thông minh là một đầu tư lớn. Nếu Việt Nam áp được giá điện như các nước châu Âu thì việc phát triển NLTT hiển nhiên là có nhiều cơ hội hơn nhiều. Nhưng nếu giá điện mà như vậy thì nền kinh tế của VN hẳn sẽ tụt dốc không phanh vì các công ty sản xuất không dám dùng điện, nhà nghỉ khách sạn không dám dùng điện, điều hòa nhiệt độ phải cần thiết lắm mới dám dùng. Vậy nên mỗi nước có một con đường. Đừng từ trên trời rơi xuống rồi bảo nước mình phải làm thế này thế khác.

    • Nguyễn Xuân Quang, ông không đọc 130 quốc gia cam kết nâng công suất và sản lượng gió và mặt trời đủ để đáp ứng nhu cầu điện năng trong 10 năm tới, và dự kiến tỷ trọng VRE trên toàn cầu năm 2030 sẽ đạt 30%, so với mức 9,4% hiện nay à? Vì sao VN phải luôn luôn than, than và than?
      Than cũng đâu phải “trên trời rơi xuống đầu” dân VN như ông nói, là do các ông mang vào hết đấy! Trong khi tài nguyên nắng, gió đầy ra ở VN, giá điện gió giảm 50%, điện mặt trời giảm 85% sau 10 năm (IRENA 2021), than thì phải nhập khẩu và đang tăng giá gấp 3 lần năm nay, ông vẫn kêu điện than rẻ và muốn phát triển điện than là vì lý do gì? Ông có chắc kiếm đủ tiền để xây 27 nhà máy điện than trong 15 năm không? Có chắc điện than luôn luôn rẻ như ông tưởng tượng không? Biết không làm được mà vẫn cố đấm ăn xôi để làm gì?
      Phải nhìn vấn đề có tính vĩ mô và hệ thống, thế giới 130 nước làm được sao VN không làm được? Ông phải trả lời câu hỏi ấy chứ? Đừng đem giá điện sạch tăng ra để “dọa” nhé, người ta biết hết đấy. Hãy nhìn Cambodia đấu thầu được giá điện mặt trời 3,87 cent/kWh rồi tự suy ngẫm.

      • Trả lời tới Anh Thi: Ông lấy các số liệu đó làm dẫn chứng, nhưng biết nó đọc từ đâu ra không? Có biết tính toán như thế nào ra không? Thấy báo cáo đó chưa? Hay ông tính nói cứ là báo cáo của quốc tế là chuẩn không cần tính lại? Cứ ra hỏi mấy người làm điện mặt trời tự dùng ở nhà, họ cấp đủ điện cho nhà họ xài nhưng có dám cắt dây điện không cần mua điện nữa không?

        • Trả lời tới bạn Nam: nếu bạn thấy số liệu sai vui lòng cho mình xin dẫn chứng thay vì bắt bẻ.
          Vui lòng nhận được “đóng góp” của bạn cho phần bình luận

  7. Năng lượng tái tạo (NLTT) có hiệu suất khai thác rất thấp nên đầu tư cho truyền tải NLTT đi xa cũng như thời gian hoàn vốn gấp 3 lần điện khác. Đó là lý do lớn, chi phí truyền tải NLTT đi xa sẽ là rất cao.
    Đầu tư nguồn phát nội vùng là cách tối ưu vì số tiền đầu tư tăng thêm cho truyền tải NLTT đi xa thừa sức để đầu tư nguồn phát nội vùng, tại sao cần đầu tư gấp đôi cho cùng một lượng điện năng?

  8. Mọi người có lẽ đang có thiên hướng nghiêng quá nhiều về nguồn cung điện mà chưa bàn nhiều đến giải pháp giảm cầu, hay nói khác đi là tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Cần sử dụng giải pháp thị trường để cân bằng cung cầu theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, kể cả tăng giá năng lượng theo lộ trình khi cần thiết. Áp dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn. Quan trọng nhất là thay đổi triệt để mô hình quản lý, tăng cường cơ chế cạnh tranh trong nội bộ ngành năng lượng, nâng cao năng suất quản lý, tiết giảm chi phí và giá thành. Để thay đổi tốt hơn trong vài thập niên đến, cần các biện pháp đồng bộ, mạnh mẽ.

  9. Rất đúng, PĐT. Dư địa đổi mới cơ chế tổ chức quản lý còn rất lớn, tạo thêm nguồn lực cho tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Điển hình như xây dựng hạ tầng truyền tải cho NLMT, chỉ cần kêu gọi tư nhân vào cuộc là giải quyết chỉ trong vòng vài tháng, trong khi với cơ chế nhà nước thì phải mất vài ba… năm ? Muốn đổi mới trước hết cần đổi tư duy. Muốn đổi đời thì cần phải đổi cơ chế, trước hết là nhân sự. Điểm nghẽn chính là đây.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới