(KTSG Online) - Tỷ trọng điện than trong tổng công suất các nguồn điện sẽ giảm về 9,6%, còn năng lượng tái tạo tăng dần và đạt hơn 50% vào năm 2045.
Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại hội nghị với các địa phương về quy hoạch điện VIII. Theo đó, hội nghị thống nhất cơ bản về dự kiến quy hoạch tổng công suất nguồn điện hệ thống điện quốc gia đến năm 2030 vào khoảng 146.000 MW với cơ cấu các loại nguồn điện như báo cáo của Bộ Công Thương, không tính điện mặt trời mái nhà, các nguồn điện đồng phát.
Cụ thể, có 37.467 MW điện than, 23.900 MW điện khí LNG, 16.121 MW điện gió trên bờ, 7.000 MW điện gió ngoài khơi và 8.736 MW điện mặt trời quy mô lớn.
Quy mô này đáp ứng đủ nhu cầu công suất phụ tải cực đại dự báo đến năm 2030 là 93.300 MW, có mức dự phòng nguồn điện hợp lý trong hệ thống điện quốc gia và các vùng, miền.
Với quy hoạch này, quy mô đầu tư giảm gần 2 triệu tỉ đồng. Trong đó, giảm đầu tư công suất nguồn khoảng 35.000 MW, giảm đầu tư hệ thống truyền tải gần 300.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, nguồn điện được bố trí hài hoà, bảo đảm phát huy lợi thế từng vùng miền, tiết kiệm tối đa truyền dẫn.
Quy hoạch cũng đề ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Đến 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% điện than, trong khi điện gió, điện mặt trời chiếm 50,7%, bảo đảm các cam kết về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường.
Tổng công suất nguồn điện lắp đặt trong hệ thống điện quốc gia sẽ tăng lên 217.596 MW vào năm 2035 và đạt khoảng 401.556 MW năm 2045.
Về dài hạn đến năm 2045, hội nghị thống nhất cơ bản quyết tâm chung thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam tại hội nghị COP26, đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050; ngành điện sẽ tập trung thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch, giảm thiểu các nguồn điện phát thải CO2 và dự kiến tổng quy mô công suất nguồn điện khoảng 400.000 MW.