(KTSG Online) - Các quỹ hưu trí công và các trường đại học của Mỹ đang đối mặt với áp lực phải thoái nhiều tỉ đô la vốn khỏi thị trường Trung Quốc trong bối cảnh cuộc đối đầu Mỹ - Trung ngày càng dâng cao.
- Cần một sự đột phá về thoái vốn nhà nước
- Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu tăng trưởng nợ công của các chính phủ
Luật liên bang và các tiểu bang đều có các quy định về việc không được sử dụng nguồn tài chính công để đầu tư vào Trung Quốc do các lo ngại về an ninh quốc gia. Giới lãnh đạo các quỹ và chính trị gia đều có chung một câu hỏi rằng liệu đồng đô la Mỹ có nên đến một quốc gia mà Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ xem là đối thủ cạnh tranh chiến lược hay không.
Hồi tháng 5, một nhóm Thượng nghị sĩ do Marco Rubio thuộc Đảng Cộng hòa dẫn đầu đã giới thiệu lại luật cấm quỹ hưu trí của nhân viên chính phủ liên bang và quân nhân Thrift Savings Plan (TSP) đầu tư vào các công ty niêm yết, đặt trụ sở hoặc kiểm soát bởi Trung Quốc hoặc bất kỳ “quốc gia đáng quan ngại” nào khác. TSP là quỹ hưu trí lớn nhất ở Mỹ với tổng tài sản trị giá 892 tỉ đô la.
Thượng nghị sỹ Rubio phát biểu khi công bố dự luật: “Quốc hội không thể ngồi yên và cho phép hội đồng quản trị TSP tài trợ cho sự trỗi dậy của Bắc Kinh với cái giá là sự thịnh vượng trong tương lai của nước Mỹ và lợi ích an ninh quốc gia”.
Hệ thống hưu trí khu vực công của Mỹ nắm giữ khoảng 5.600 tỉ đô la, theo Public Plans Data - chương trình hợp tác của Trung tâm nghiên cứu hưu trí tại Đại học Boston và Viện Nghiên cứu MissionSquare. Trung bình 7% số tiền này được phân bổ cho cổ phiếu của các thị trường mới nổi.
Các quỹ quyên tặng từ đóng góp cá nhân hay tổ chức cho các trường đại học vốn hưởng lợi lớn từ nguồn trợ dồi dào của công chúng và các ưu đãi về thuế của chính phủ. Nay, các quỹ này cũng phải đối mặt với sự giám sát với các dự án mà họ bỏ tiền vào.
Năm ngoái, Hạ nghị sỹ Greg Murphy, đại điện của đảng Cộng Hòa cho khu vực Bắc Carolina, đã đưa ra một dự luật trừng phạt các quỹ thuộc các đại học có quy mô hơn 1 tỉ đô la mà có đầu tư hay tài trợ cho các công ty Trung Quốc có tên danh sách các thực thể bị trừng phạt của chính phủ Mỹ.
Hồi tháng 4, Amnesty International USA đã đưa ra một báo cáo về 10 quỹ đầu tư lớn nhất của các trường đại học có bỏ vốn vào thị trường Trung Quốc. Amnesty International nói 7/10 quỹ trên bị tổ chức này xếp loại “không đạt” trong việc thẩm định đầy đủ về các vấn đề liên quan đến Tân Cương.
Một số quỹ hưu trí đã đưa ra quyết định cắt giảm hoặc tạm dừng đầu tư vào Trung Quốc.
Mùa thu năm ngoái, quỹ hưu trí của nhân viên ngành giáo dục công bang Texas (TRTS) đã quyết định cắt giảm 50% phân bổ vốn vào Trung Quốc, giảm khoản đầu tư vào Trung Quốc xuống còn khoảng 1,5% trong số tài sản gần 200 tỉ đô la. Lúc đó, Ủy ban chính sách của TRTS ra thông cáo rằng: “Việc thay đổi tỷ lệ phân bổ giúp cải thiện chính sách đa dạng hóa danh mục đầu tư và phân bổ tài sản rộng hơn của TRTS”.
Trong tháng 7 này, Đại học Chicago và Quỹ Robert Woods Johnson (RWJF), một tổ chức từ thiện lớn về y tế công, sẽ tạm dừng các khoản đầu tư mới của Trung Quốc, tạp chí kinh doanh và công nghệ The Information đưa tin.
CalSTRS, quỹ hưu trí giáo dục công cộng của California và là một trong những quỹ lớn nhất ở Mỹ, đang trong quá trình chọn người quản lý mới cho quỹ đầu tư chứng khoán Trung Quốc. CalSTRS đang xem xét lại chiến lược đầu tư vào Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2022, quỹ nào đã đầu tư khoảng 3,7 tỉ đô la vào Trung Quốc.
Không chỉ các quỹ hưu trí Mỹ đang giảm đà đầu tư vào Trung Quốc.
Hồi tháng 6-2023, theo Financial Times, Caisse de depot et place du Quebec (CDPQ), một trong những quỹ lương hưu lớn nhất ở Canada với giá trị tài sản 300 tỉ đô la, sẽ tạm dừng các giao dịch tại Trung Quốc. Quỹ này cũng sẽ đóng cửa văn phòng tại Thượng Hải trong năm nay.
Vụ thoái lui của CDPQ diễn ra sau khi Quỹ hưu trí giáo dục Ontario trị giá 182 tỉ đô la xóa sổ nhóm đầu tư cá nhân tại Hồng Kông vào tháng 4. Trước đó, Quỹ quản lý đầu tư British Columbia trị giá 158 tỉ đô la quyết định cắt giảm khoảng 15% tỷ lệ tiếp xúc với Trung Quốc trong bối cảnh đối đầu giữa Ottawa và Bắc Kinh ngày càng gia tăng.
Cả ba quỹ đều trích dẫn rủi ro địa chính trị gia tăng do căng thẳng Mỹ - Trung, cũng như chiến dịch “Thịnh vượng chung” đang được cổ súy tại Trung Quốc.
Theo Nikkei Asia