Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quỹ nước ngoài với ‘rào cản’ rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đầu năm nay, một loạt quỹ đầu tư báo lãi tăng trưởng mạnh, thúc đẩy sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, rào cản về tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài và thiếu sản phẩm đầu tư khiến không ít quỹ đầu tư nước ngoài e ngại trước quyết định rót vốn vào thị trường này.

Hấp dẫn, nhưng còn nhiều ‘rào cản’

Năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại – PV) bán ròng với mức kỷ lục 62.237 tỉ đồng tại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Năm 2022, các chỉ số trên thị trường sụt giảm về mức định giá hấp dẫn hơn đã thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài trở lại thị trường, đặc biệt là trong quý 4-2022, bất chấp những diễn biến kém tích cực.

Cụ thể, số liệu của Trung tâm phân tích thuộc Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1,24 tỉ đô la Mỹ cả năm 2022 – tương ứng khoảng 29.238 tỉ đồng, mức cao nhất từ năm 2017. Trong đó, 14 quỹ ETF mà SSI Research theo dõi ghi nhận dòng vốn tăng thêm 1,1 tỉ đô la năm 2022.

Thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại trong năm 2023. Ảnh: T.Hoa.

Số tiền này, theo ông Quan Đức Hoàng - Chủ tịch Hội đồng Thành viên A+ Fund, có phần khá lớn trong dòng tiền ngoại tới từ hoạt động quay vòng của các quỹ đang hoạt động tại thị trường Việt Nam như Dragon Capital, Vinacapital.

Với vai trò đối tác và là bên kết nối quỹ ngoại với các cơ hội đầu tư tại thị trường Việt Nam, vị này cho biết A+ Fund đã thực hiện khảo sát đối với nhiều quỹ đầu tư nước ở một số quốc gia như Anh, Đức, Đài Loan, Mĩ và thấy rằng 100% quỹ được hỏi đều đang sẵn sàng đầu tư vào thị trường Việt Nam, trong khi tỉ lệ trước đây chỉ là 40%.

Cũng theo ông Hoàng, các quỹ đầu tư nước ngoài đang làm việc với A+ Fund đang làm việc, bày tỏ sự quan tâm chủ yếu tới hai thị trường là Indonesia và Việt Nam khi đề cập về thị trường Đông Nam Á, một số ít có quan tâm tới thị trường Phillipines.

Các quỹ bày tỏ sự quan tâm lớn với thị trường Việt Nam, nhưng ông Hoàng cho biết vẫn tồn tại những rào cản khiến họ e ngại trước quyết định rót vốn vào TTCK Việt Nam. Điều khiến các quỹ này lo ngại nhất là tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, một quỹ quy mô trung bình khi chọn vào thị trường Việt Nam có thể giải ngân vài trăm triệu đô la. Chẳng hạn, quỹ nhỏ nhất tại Boston (Mỹ) có quy mô 3,5 tỉ đô la, nếu họ dành 10% để đầu tư thì quy mô danh mục là 350 triệu đô-la.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi đầu tư tại thị trường Việt Nam là không có sản phẩm để mua, theo ông Hoàng. Cụ thể, cổ phiếu nằm trong lựa chọn của quỹ đầu tư phải đáp ứng về tính thanh khoản tốt, trong khi chỉ số ít đáp ứng điều kiện như cổ phiếu trong nhóm VN30, VN50.

Một yếu tố khác, theo ông Hoàng, là nhà đầu tư chờ danh mục thị trường mới nổi (EM) và thị trường cận biên để có sự phân bổ.

Quay lại câu chuyện nâng hạng thị trường

Thực tế, việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi đã được nhắc tới từ năm 2014. Theo đó, cơ quan quản lý đã có những nỗ lực nhất định như đã mở “room” sở hữu nước ngoài lên 100% với một số ngành, nghề kinh doanh và cải tiến thủ tục tham gia thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài.

Nhưng những thay đổi đó chưa đủ để được nâng hạng thị trường, khiến nhiều quỹ đầu tư lớn bỏ qua các thị trường cận biên như thị trường Việt Nam.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), cho biết hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đủ điều kiện nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vì thiếu một số yếu tố, gồm: chưa có một sở giao dịch; thiếu một trung tâm thanh toán độc lập; còn nhiều rào cản với nhà đầu tư nước ngoài; chưa thống nhất các quy chuẩn về công nghệ, luật chơi.

"Nếu sớm khắc phục những yếu tố còn thiếu, thị trường chứng khoán Việt Nam được công nhận là thị trường mới nổi và qua đó sẽ thu hút nhiều hơn dòng vốn ngoại vào thị trường. Chẳng hạn, các quỹ đầu tư ETF trên thế giới sẽ tăng tỉ lệ phân bổ nguồn vốn đầu tư của họ vào những thị trường mới nổi", ông Ngọc phân tích.

Bên cạnh những yếu tố trên, ông Quan Đức Hoàng cho biết thị trường vẫn tồn tại một số  những rào cản như tìm kiếm đối tác, thủ tục mở tài khoản. Điển hình là tại Đài Loan, có quỹ rất quan tâm, nhưng do đã có tổ chức khác ở Đài Loan đầu tư tại Việt Nam, nên họ cần tìm đối tác khác mà cũng cần đáp ứng yêu cầu tương xứng.

‘Khơi nguồn’ thu hút dòng vốn ngoại chất lượng cao

Để thu hút dòng vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) từng nhiều lần khẳng định sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp. Theo đó, cơ quan quản lý đã và đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển TTCK về dài hạn.

Ngoài ra, tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, từng bước áp dụng chế độ kế toán theo IFRS của các công ty niêm yết, công ty đại chúng theo thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường nhằm đảm bảo nhà đầu tư trong và ngoài nước có nhiều cơ hội đầu tư, nhiều sản phẩm đầu tư phù hợp với nhu cầu đầu tư trên thị trường. Song song với đó, tiếp tục thúc đẩy phát triển các sản phẩm quỹ đầu tư có chất lượng theo thông lệ để nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dài hạn tại Việt Nam.

Còn ông Đỗ Bảo Ngọc khuyến nghị các cơ quan quản lý chủ động thực hiện sớm một số giải pháp như yêu cầu các thành viên tham gia thị trường công bố thông tin theo hình thức song ngữ và đưa ra các chế tài cụ thể nhằm nâng cao chất lượng thông tin.

“Đây là một tiêu chí đóng vai trò rất quan trọng vì cả MSCI lẫn FTSI đều rất chú trọng đến quyền tiếp cận thông tin bình đẳng đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Về thanh toán bù trừ, cần đẩy nhanh dự án hợp tác với đối tác Hàn Quốc (KRX) nhằm nâng cấp hệ thống giao dịch chứng khoán.

Ngoài ra, cần củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào TTCK, ngăn chặn tình trạng các tin đồn sai căn cứ nhằm lành mạnh hóa thị trường Việt Nam trước khi bước ra một sân chơi lớn hơn.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới