Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Quy tắc cộng dồn – từng bước, từng bước thầm

Ngọc Trân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Quy tắc cộng dồn không chỉ hữu ích trong tài chính, mà còn là một quy tắc có thể áp dụng vào nhiều mặt trong cuộc sống.

Việc học cứ phải từ từ. Ảnh: Pexels

Khi nhìn vào cuộc đời của tỉ phú Warren Buffet, có thể thấy, trước khi trở thành một trong những người giàu nhất hành tinh, ông từng để dành tiền - không nhiều - để đầu tư đều đặn kiểu tích tiểu thành đa

Ông từng nói vống lên: “Tôi có thực sự muốn chi 300.000 đô la cho việc cắt tóc hay không?”. Tất nhiên, kiểu tóc Buffett nói đến không cần phải chi đến mức sáu con số; nó chỉ chừng 20 đô la thôi.

Thật ra, điều vị tỉ phú đô la Mỹ muốn nói đến là, nếu tự cắt tóc, sẽ tiết kiệm được 20 đô la mỗi tháng rồi đầu tư số tiền đó vào chứng khoán, chẳng hạn. Nhờ đó, trong suốt cuộc đời, những khoản đầu tư nho nhỏ như thế - trông không đáng kể - sẽ giúp kiếm được hàng ngàn đô la.

Ông Buffett đã dùng quy tắc nào? Đó là quy tắc cộng dồn với lãi kép. Quy tắc tài chính này không khó hiểu: các khoản đầu tư nhỏ thực hiện đều đặn sẽ giúp ích cho tích lũy; cuối cùng sẽ tạo ra một món lớn tiền.

Trong các sách giáo dục tài chính đều có vài trang về cộng dồn với lãi kép (Compounding Interest). Cộng dồn với lãi kép đơn giản là việc tiếp tục tích lũy số tiền lãi nhận được.

Tiền lãi sinh ra sau một quá trình đầu tư sẽ được cộng dồn vào tiền vốn ban đầu để tiếp tục chu kỳ đầu tư và sinh lãi tiếp theo. Và cứ thế, kéo dài càng lâu tiền lãi càng cao, tiền càng sinh sôi nảy nở. Đương nhiên, thực hiện ngay từ khi còn trẻ như Buffett thì tốt nhất.

Thật ra, cộng dồn với lãi kép không chỉ ích lợi trong tài chính, mà còn cho nhiều mặt trong cuộc sống. Đánh răng mỗi ngày chỉ là một khoản đầu tư cực kỳ nhỏ. Nếu không đánh một ngày, sẽ chẳng gì xấu xảy ra cả. Nhưng nếu cứ liên tục bỏ qua thì “những ngày không quá tồi tệ” nho nhỏ đó sẽ được cộng dồn lại.

Cuối cùng, đến lúc nào đó, người “quên” đánh răng ngày này qua tháng nọ sẽ phải đi gặp nha sĩ, chi khá nhiều tiền, chứ chẳng chơi. Đó là chưa kể đến sự tổn hại về sức khỏe. Ai đau răng mà không biết sẵn sàng làm mọi thứ cho hết cơn đau khó chịu kéo dài đó.

Một lĩnh vực khác, vui hơn: học một ngoại ngữ như tiếng Anh. Chắc ai ai cũng biết, không thể có chuyện học cấp tốc ba tháng là thành thục - nghe, nói, viết, và đọc như các quảng cáo… ẩu trên YouTube hoặc Facebook. Phải học lâu dài mới mong dùng được một ngoại ngữ một cách đầy đủ. Giống y các môn học khác, không thể ngày một ngày hai mà nắm vững, phải học lâu dài - ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm khác.

Theo Brad Stulberg, tác giả cuốn “Thực hành phép tịnh tiến: một con đường đến thành công, nuôi dưỡng - chứ không đè bẹp - tâm hồn của bạn” (The Practice of Groundedness: A Path to Success that Feeds-Not Crushes-Your Soul), có những lĩnh vực chính dùng quy tắc cộng dồn sẽ khá có ích, nếu làm đều đặn.

Đó là: ăn rau xanh, tập thể thao, đọc sách báo, kết nối với những người thân yêu (không qua Facebook!), ngủ nghỉ, chơi đàn, ngồi thiền, hay dùng những hình thức chiêm nghiệm khác.

Xây dựng tương lai rõ là bắt đầu từ hôm nay. Không đường tắt. Mỗi ngày, một tí, và cứ thế. Như người Pháp hay nói: “Petit à petit, l’oiseau fait son nid” (tạm dịch là từng bước, từng bước, chim làm nên tổ). Thường không đo lường được chuyện mỗi ngày, một tí. Nhưng cộng dồn lại, kết quả có thể rất to lớn.

Một bài học quan trọng khác liên quan đến sự đều đặn, nhất quán: Bù đắp cho lỗ lã khó hơn tích lũy để có lãi. Hãy tưởng tượng, trong tay mình nắm giữ 1 triệu đồng, rồi số tiền này giảm đến 50%. Để “phục hồi”, cần phải nhân đôi 500.000 đồng. Có nghĩa, cần phải làm sao cho số tiền này tăng 100%. Quá nhiều chớ!

Ngoài tài chính, còn có những lĩnh vực khác với chuyện xảy ra tương tự. Nếu cố gắng thực hiện một nỗ lực phi thường nhưng lại không thành công - ví dụ, chơi bóng đá và bị thương; hay yêu mà cuối cùng đổ vỡ, ăn kiêng rồi kết thúc với chứng rối loạn ăn uống - thì khi quay lại để khởi động lại sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.

Hay trên đường đi, mệt quá, mình bỏ về nhà. Rồi lại muốn tiếp tục đi. Như thế, cuộc hành trình sẽ rất dài vì phải bắt đầu lại. Nhưng, nếu cứ bước từng bước nhỏ và nhất quán trong một thời gian dài, có lẽ mình đã tới đích.

Quy tắc cộng dồn với lãi kép cho rằng điều quan trọng nhất là không bỏ qua những thói quen, dẫu nhỏ nhặt. Điều này không chỉ đơn thuần là sự nhắc nhớ về những lợi ích hoặc tổn thất mình gặp phải vào một ngày cụ thể nào đó, mà còn về những lợi ích gộp hay tổn thất gộp trong lâu dài.

Đừng nghĩ mình phải luôn luôn tuyệt vời vì điều đó thường không thể. Nếu thất bại, chuyện phải làm để quay lại nơi xuất phát sẽ mất nhiều công sức hơn là tuần tự nhi tiến để tiến đến thành công. Quy tắc cộng dồn với lãi kép nào khác quy tắc tối thiểu 10.000 giờ cần mẫn nhiều năm để vươn tới đỉnh cao của một ngành nghề.

Khó đó, nhưng mà…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới