(KTSG Online) – Từ Singapore cho đến Nhật Bản và Úc, các nhà quản lý quỹ đang tìm cách mở khóa hàng tỉ đô la tín dụng tư nhân (private credit) từ nhóm khách hàng cuối cùng chưa khác thác: nhà đầu tư cá nhân.
- Nhà đầu tư tổ chức tăng phân bổ vốn vào tài sản tư nhân
- Dịch vụ giữ tiền cho người giàu ở châu Á phát đạt

Tín dụng tư nhân là hình thức cho vay vốn được cung cấp bởi các tổ chức tài chính phi ngân hàng hoặc nhà đầu tư tư nhân, thay vì các ngân hàng truyền thống.
Các công ty đầu tư vốn tư nhân trước đây hầu như chỉ phục vụ các tổ chức và khách hàng siêu giàu có thể chịu được rủi ro cao và đầu tư dài hạn. Nhưng xu hướng khai thác nhu cầu của các nhà đầu tư nhỏ lẻ gần đây ở châu Á cho thấy cách các công ty này hợp tác với các cơ quan quản lý đang hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường tín dụng tư nhân.
Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đang lấy ý kiến góp ý của công chúng về đề xuất khuôn khổ quản lý cung cấp cấp cho nhà đầu tư nhỏ lẻ quyền tiếp cận thị trường tín dụng tư nhân với các biện pháp bảo vệ phù hợp.
Tại Hồng Kông, các quỹ ủng hộ mở rộng nhóm tài sản tín dụng tư nhân ra ngoài các nhà đầu tư chuyên nghiệp, những người có danh mục đầu tư ít nhất là 8 triệu đô la Hồng Kông, theo báo cáo của hãng kiểm toán PwC.
Trong khi đó tại Nhật Bản, công ty dịch vụ tài chính Keyaki Capital gần đây ra mắt nền tảng đầu tư tín dụng tư nhân trực tuyến đầu tiên của quốc gia, nhắm mục tiêu đến những cá nhân giàu có.
“Thị trường tín dụng tư nhân vẫn còn mơ hồ đối với nhiều nhà đầu tư do thiếu dữ liệu hiệu suất công khai và hiểu biết hạn chế về thị trường này”, Hugh Chung, giám đốc đầu tư của nền tảng quản lý tài sản Endowus (Singapore) nói.
Sự quan tâm đến nhà đầu tư cá nhân xuất hiện trong bối cảnh thị trường tín dụng tư nhân đang bùng nổ ở châu Á. Các nhà đầu tư vào các quỹ vốn tư nhân, được gọi là đối tác hạn chế, vẫn lạc quan vì châu Á chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị trường tín dụng tư nhân toàn cầu.
Theo công ty dữ liệu đầu tư Preqin, tài sản tín dụng tư nhân được quản lý tại châu Á - Thái Bình Dương đạt 94,6 tỉ đô la Mỹ tính đến tháng 92024, chiếm chưa đến 6% trong tổng số tài sản tín dụng tư nhân 1,67 nghìn tỉ đô la trên toàn cầu.
Trong khi đó, nhóm cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao dự báo mở rộng ở châu Á nhờ sự thịnh vượng ngày càng tăng của khu vực và nhu cầu bảo toàn tài sản thông qua chuyển giao giữa các thế hệ.
Tín dụng tư nhân vẫn là không gian mới mẻ ở Đông Nam Á, với các chính phủ ở đây đang nỗ lực phát triển thị trường này..
Tại Singapore, nhu cầu đầu tư tín dụng tư nhân của nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể tăng lên tới 100 tỉ đô la Singapore. Theo Hugh Chung của Endowus Con số này dựa trên giả định rằng 5% trong tổng số 1,93 nghìn tỉ đô la Singapore tài sản tài chính hộ gia đình ở đảo quốc Sư tử được phân bổ cho tín dụng tư nhân.
Tại Việt Nam, kể từ tháng Bảy, chính phủ cho phép thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P Lending) theo một cơ chế có kiểm soát. Công ty cho vay ngang hàng chỉ được cung cấp giải pháp thử nghiệm khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, đầu tư của các cá nhân vào thị trường tín dụng tư nhân có khả năng đạt khoảng 47 nghìn tỉ yen (326 tỉ đô la), giả định rằng 10% tổng tài sản tài chính của nhóm cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao cao được phân bổ vào thị trường này, theo CEO Taiki Kimura của Keyaki Capital.
Tại Úc, các nhà quản lý quỹ đang chạy đua triển khai ra các công cụ đầu tư tín dụng tư nhân mới để nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng của những người dân giàu có
Theo một ước tính, nguồn vốn tiềm năng của nhà đầu tư cá nhân ở Úc có thể lên đến 1 nghìn tỉ đô la. Những công ty mới tham gia thị trường tín dụng tư nhân gần đây ở nước này bao gồm công ty quản lý quỹ Coller Capital của Anh. Công ty này vừa ra mắt sáng kiến cho phép người Úc đầu tư trực tiếp vào các khoản vay doanh nghiệp.
Thị trường tín dụng tư nhân của châu Á phát triển nhanh đến mức làn sóng người tham gia mới vào lĩnh vực cho vay trực tiếp đang làm dấy lên mối lo ngại về việc làm suy yếu các tiêu chuẩn cho vay. Bản chất không minh bạch của lĩnh vực này cũng đang thu hút sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý.
Ủy ban đầu tư và chứng khoán Úc đang tăng cường giám bằng cách lấy ý kiến tham vấn từ các bên liên quan ngành do lo ngại về rủi ro rò rỉ thông tin và thua lỗ của nhà đầu tư.
“Nhà đầu tư nên có tầm nhìn dài hạn nếu họ quan tâm đến các giải pháp tín dụng tư nhân. Thách thức lớn ở đây là cần giáo dục nhà đầu tư nhỏ lẻ rằng, tín dụng tư nhân là một khoản đầu tư kém thanh khoản”, Chung của Endowus nói.
Theo Bloomberg