(KTSG) - Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành thừa nhận tác giả có quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của mình hay quyền bảo toàn nguyên tác nhưng nhìn từ góc độ người xét xử các vụ việc tranh chấp có liên quan, tòa án cũng gặp không ít lúng túng.
Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) hiện hành thừa nhận tác giả có quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của mình hay quyền bảo toàn nguyên tác. Theo đó, quyền năng này buộc mọi người không được xuyên tạc, cũng như sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả.
Trong nhiều tranh chấp liên quan, hành vi “sửa đổi”, “cắt xén” hay “xuyên tạc” thường được tác giả dễ dàng chứng minh thì hậu quả “gây phương hại đến danh dự, uy tín” trở thành một nhiệm vụ nhọc nhằn. Từ góc độ xét xử, tòa án cũng gặp không ít lúng túng khi giải quyết các tranh chấp liên quan.
Lúng túng trong việc áp dụng quyền bảo toàn nguyên tác
Theo khoản 3 điều 19 Luật SHTT, hậu quả “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” được xem là một yếu tố bắt buộc cần phải chứng minh khi xác định hành vi xâm phạm quyền bảo toàn nguyên tác. Tuy nhiên, cả Luật SHTT cùng các văn bản hướng dẫn đều không đưa ra các tiêu chí để xác định khi nào thì việc sửa đổi tác phẩm được xem là “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Chính sự thiếu rõ ràng này, mà thực tiễn - cả giới văn nghệ sĩ, người hành nghề và tòa án - đã gặp không ít bối rối khi áp dụng.
Trong vụ án tranh chấp liên quan đến ca khúc “Mật đắng tình yêu” và “ Giấc mơ vô vọng”, tòa án xác định khi bị đơn sửa tựa bài hát và sửa một số từ trong lời bài hát là vi phạm khoản 4 điều 19 Luật SHTT - quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Đáng tiếc, tòa án không giải thích hay phân tích cụ thể về nhận định này, đặc biệt là hành vi sửa đổi của bị đơn đã hoặc có gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả hay không.
Điều tương tự cũng xảy ra trong vụ án tranh chấp liên quan đến hình vẽ bốn nhân vật chính trong tác phẩm Thần đồng đất Việt. Tác giả bộ hình vẽ đồng thời là nguyên đơn đã cho rằng bị đơn vẽ lại các hình ảnh nhân vật có những sai khác với ảnh gốc, đã xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm. Tuy nhiên, cả hai cấp tòa án đều không phân tích rằng hành vi làm sai khác này có “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” hay không. Tại thời điểm xét xử, tòa án đã áp dụng quy định tại khoản 3 điều 20 Nghị định 22/2018/NĐ-CP mà theo đó, dường như tác giả không cần chứng minh hậu quả “gây phương hại đến danh dự và uy tín”. Từ góc độ lập quy, một văn bản hướng dẫn luật lại thu hẹp phạm vi của điều luật, bằng việc bỏ đi hậu quả “gây phương hại” đã phần nào cho thấy sự lúng túng của cơ quan pháp luật.
Nếu đơn thuần dựa vào ngôn từ, rõ ràng điều luật buộc hành vi sửa chữa, cắt xén phải có hậu quả “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Tuy nhiên, dễ thấy với tiêu chuẩn định tính thì các tranh cãi trong thực tế cũng như từ phán quyết của tòa án là khó tránh khỏi.
Hiện nay, hậu quả “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” vẫn tồn tại trong quy định về bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Nghĩa là, nếu tiếp tục bám vào ngữ nghĩa, các vướng mắc vẫn đang và sẽ tiếp tục gây khó khăn lên việc áp dụng và thực thi pháp luật. Vì vậy, cần thiết phải quay về ngọn nguồn, nơi nhiều thảo luận sôi nổi đã diễn ra để hình thành nên quy định này.
Nhu cầu bảo toàn nguyên tác của tác giả
Tác giả luôn có nhu cầu chính đáng trong việc bảo vệ tác phẩm hay “đứa con tinh thần” của mình. Giống như việc cha mẹ mong muốn con mình có thể lớn khôn một cách lành lặn, nguyên vẹn thì tác giả cũng có một nhu cầu là đảm bảo sự toàn vẹn của tác phẩm. Xuất phát từ quan niệm này, đối tượng chính mà quyền bảo toàn nguyên tác hướng đến hiển nhiên là tác phẩm, chứ không phải là danh dự, uy tín của tác giả - vốn là những giá trị nhân thân mà ai cũng có và đã được bảo vệ bởi Bộ luật Dân sự. Ví dụ, nếu nhà văn nổi tiếng A hay một công dân B bị bôi nhọ, xúc phạm thì pháp luật đều bảo vệ danh dự, uy tín của họ như nhau.
Với cách tiếp cận trên, lẽ ra quyền bảo toàn nguyên tác không nhất thiết phải yêu cầu việc sửa đổi, cắt xén tác phẩm phải để lại hậu quả là gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả. Trên thực tế, pháp luật của Việt Nam đã từng tiếp cận như vậy(1) trong suốt một thời gian dài cho đến khi Luật SHTT ban hành.
Dựa theo bối cảnh ban hành luật, có thể thấy rằng, việc Luật SHTT nội dung của quyền bảo toàn nguyên tác là nhằm nội luật hóa Điều 6bis Công ước Berne - công ước bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật mà Việt Nam là thành viên vào năm 2004, sớm hơn thời điểm ban hành Luật SHTT tầm một năm. Vì vậy, các tác giả tin rằng việc tìm hiểu quy định và tinh thần của Công ước Berne có thể góp phần làm sáng tỏ quy định này.
Cơ sở của quyền bảo toàn nguyên tác
Theo Báo cáo tổng kết (General Report) của Ủy ban soạn thảo về việc sửa đổi Công ước Berne năm 1928 tại Rome(2), các đề xuất về quyền bảo toàn nguyên tác vốn đã không hề viện dẫn đến việc bảo vệ danh dự, uy tín của tác giả. Thay vào đó, các đề xuất hầu như đều quy chiếu đến lợi ích tinh thần của tác giả hay cá tính của tác phẩm - để làm cơ sở biện minh cho quyền lợi cũng như làm tiêu chuẩn xác định hành vi xâm phạm. Tuy nhiên, đây lại là những khái niệm xa lạ đối với các nước theo hệ thống thông luật (Common law). Bởi vậy, để các thành viên từ nhóm các quốc gia này chấp nhận quyền bảo toàn nguyên tác thì giải pháp đưa ra là dẫn chiếu đến uy tín (Reputation) - một đối tượng được bảo vệ trong pháp luật của các nước thông luật(3).
Như vậy, theo tinh thần của Công ước Berne, danh dự và uy tín không phải là các lợi ích chính được bảo vệ bởi quyền bảo toàn nguyên tác. Dĩ nhiên, với một quy định được nội luật hóa từ Công ước Berne, quyền bảo toàn nguyên tác trong pháp luật Việt Nam hẳn cũng phải thừa nhận các triết lý ẩn sau quy định này. Do đó, có thể suy đoán rằng, việc bảo toàn nguyên tác trong luật hiện hành cũng không nhằm mục đích trực tiếp bảo vệ danh tiếng của tác giả, cũng như đòi hỏi rằng phải có thiệt hại xảy ra đối với danh dự, uy tín của tác giả thì mới cấu thành hành vi xâm phạm quyền bảo toàn nguyên tác.
Nhưng điều kiện “gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả” sẽ cần được hiểu như thế nào? Mời theo dõi bài viết Quyền bảo toàn nguyên tác - cởi mở hay khép kín? trên KTSG số 50-2023, phát hành ngày 14-12-2023.
(*) Chuyên viên pháp lý tại Văn phòng Luật sư PHAN LAW VIETNAM
(**) Luật sư cộng tác tại Văn phòng Luật sư NGUYỄN & TRẦN
(1) Điều 738.2d Bộ luật Dân sự 1995, điều 10.3 Pháp lệnh Bảo hộ quyền tác giả 1994, Điều 3.1 Nghị định 142-HĐBT ngày 14-4-1986 quy định về quyền tác giả.
(2) General Report of the Drafting Committee, xem trong: WIPO, Berne Convention Centenary, 1986, tr.169-172
(3) Tanya Aplin & Shaffan Mohamed, The concept of “reputation” in the moral right of integrity, Journal of Intellectual Property Law and Practice, 2019, 14(4), p.268-277