Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Quyền được sửa chữa và những xung đột với quyền sở hữu trí tuệ

Lê Vũ Vân Anh (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Khi chiếc điện thoại bị rơi, màn hình bị vỡ, phần lớn người tiêu dùng bây giờ sẽ chọn mua chiếc mới thay vì đem thay màn hình. Bởi vì ở nhiều nước, việc sửa chữa thiết bị điện tử đắt gần bằng việc mua một thiết bị mới. Sự lựa chọn này không chỉ đến từ lợi ích kinh tế mà còn vì nhiều nhà cung cấp kiểm soát việc sửa chữa thông qua các rào cản kỹ thuật và thương mại, khiến người tiêu dùng hoàn toàn phụ thuộc vào họ.

Ngành công nghiệp điện tử phát triển mạnh dựa trên sự đổi mới không ngừng. Điện thoại, máy tính bảng hoặc máy tính xách tay mới nhất với các kích thước nhỏ nhất, ứng dụng thông minh nhất và những cái “nhất” khác sẽ thôi thúc chúng ta nâng cấp thiết bị của mình. Nhưng điều gì sẽ xảy ra với phiên bản trước đó của những món “đồ chơi” công nghệ mới? Đa phần chúng sẽ được đưa thẳng ra tại các bãi chôn lấp và chất thải điện tử bao gồm lithium, thủy ngân và chì gây nguy hiểm cho nguồn cung cấp nước và đe dọa sức khỏe con người.

Vứt bỏ thiết bị đời cũ sẽ góp phần làm gia tăng lượng rác thải điện tử trên toàn cầu. Chúng ta đã tạo ra lượng rác thải điện tử kỷ lục 53,6 triệu tấn trên toàn cầu vào năm 2019, tăng 21% chỉ sau năm năm(1). Nói một cách dễ hiểu, lượng rác thải điện tử đó nhiều hơn tất cả các máy bay thương mại từng được sản xuất(2).

Quyền được sửa chữa

Khái niệm “nền kinh tế tuần hoàn” (circular economy) không chỉ là một từ bắt “trend” mà nó còn đóng vai trò quan trọng trong các chương trình nghị sự toàn cầu. Trong bối cảnh đó, quyền được sửa chữa (right to repair - R2R) ngày càng được hoan nghênh như một giải pháp hạn chế rác thải điện tử.

R2R đã trở thành một phong trào lan rộng trên toàn cầu, yêu cầu các nhà lập pháp cũng như các công ty sản xuất trao cho các cá nhân quyền được sửa chữa các thiết bị điện tử, thiết bị gia dụng và tài sản mà họ sở hữu mà không gặp phải những rào cản không cần thiết.

Quyền này được thực hiện thông qua việc một người được truy cập vào các công cụ, thông tin và bộ phận thay thế với giá cả phải chăng. R2R mang lại rất nhiều lợi ích: thúc đẩy tính bền vững và tính tự lực, cũng như giảm rác thải điện tử. Sửa chữa cũng mang lại những lợi ích cho xã hội bằng cách củng cố kiến ​​thức công nghệ, khuyến khích cạnh tranh thị trường, tăng sự lựa chọn của người tiêu dùng và tạo điều kiện thuận lợi cho các quy trình đổi mới.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất kiểm soát ngành sửa chữa bằng cách hạn chế việc sửa chữa và tiếp cận phụ tùng, gây khó khăn đối với thợ sửa chữa độc lập và nhà cung cấp dịch vụ sửa chữa. Vì khách hàng không có lựa chọn nào khác, họ phải nhờ đến nhà sản xuất ban đầu (là những người duy nhất có phụ tùng thay thế).

Bởi vì độc quyền sửa chữa không giới hạn trong một ngành cụ thể, chiến dịch này đã phát triển thành một phong trào xã hội do sự tức giận của khách hàng ngày càng tăng.

Xung đột giữa R2R và quyền sở hữu trí tuệ

Trong khi đó, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là những độc quyền có thời hạn được tạo ra để bảo vệ sáng tạo tinh thần của nhà sáng chế và các tác giả. Hệ thống luật SHTT được thành lập với niềm tin rằng nếu cho phép chủ sở hữu quyền được loại trừ người khác khỏi việc khai tác tài sản trí tuệ được bảo hộ, chủ quyền có thể gặt hái thành quả từ những sáng tạo và từ đó khuyến khích đổi mới liên tục.

Va chạm giữa R2R và quyền SHTT phát sinh khi việc sửa chữa hoặc tân trang thiết bị bắt buộc người sửa chữa phải truy cập thông tin độc quyền, công cụ chuyên dụng hoặc phần mềm có bản quyền. Trong khi đó, các nhà sản xuất thường sử dụng khóa kỹ thuật số, mã hóa hoặc các biện pháp hạn chế để kiểm soát sản phẩm.

Chẳng hạn, Apple thường đặt logo “Apple” siêu nhỏ trên các phần của màn hình bên trong iPhone, nơi mà người tiêu dùng không nhìn thấy được để tuyên bố rằng một thợ sửa chữa độc lập đang “làm giả” khi sử dụng các bộ phận thay thế để tân trang hoặc sửa chữa iPhone.

Vào ngày 2-6-2020, Tòa án Tối cao Na Uy đã giữ nguyên quyết định của Tòa phúc thẩm khi kết luận rằng Henrik Huseby, người điều hành một cửa hàng sửa chữa đồ điện tử nhỏ ở Ski, đã vi phạm luật Nhãn hiệu Na Uy khi nhập khẩu 63 màn hình tương thích iPhone có giấu logo trái táo dưới một lớp mực đen.

Việc che giấu các logo bằng mực là cách mà công ty tân trang thường sử dụng để tránh vi phạm luật nhãn hiệu và để tạo ra một phụ tùng thay thế không có tên. Quyết định này đã bị chỉ trích nặng nề vì tòa án đã không xem xét đến tính bền vững trong quyết định của mình.

Việc Apple có độc quyền về phụ tùng iPhone là một thực tế mà các thợ sửa chữa độc lập và chủ sở hữu iPhone đều biết. Apple có thể quyết định giá sửa chữa, dịch vụ sửa chữa của mình cũng như của các cửa hàng được Apple ủy quyền. Họ có thể giữ giá sửa chữa cao để khuyến khích mọi người mua các mẫu mới thay vì sửa chữa chúng.

Sự xung đột giữa R2R và quyền SHTT không chỉ giới hạn trong lĩnh vực điện thoại thông minh mà còn xảy ra ở ngành công nghiệp ô tô. Tranh chấp giữa Audi và một nhà sản xuất phụ tùng ở Ba Lan trong vụ việc -334/22 là một ví dụ như vậy.

Nguyên đơn là Công ty Audi AG có độc quyền đối với nhãn hiệu thương mại của Liên minh châu Âu (EUTM) số 000018762.

Bị đơn là Công ty GQ kinh doanh phụ tùng ô tô, chủ yếu bán sản phẩm cho các nhà phân phối chứ không bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Từ năm 1986-2017, bị đơn cung cấp và quảng cáo trên trang web của mình các tấm lưới tản nhiệt được tùy chỉnh và thiết kế cho các mẫu xe Audi cũ khi những tấm lưới tản nhiệt “chính hãng” Audi bị hư hỏng.

Vấn đề là, khi gắn lại những tấm lưới tản nhiệt “không chính hãng”, nhãn hiệu nêu trên cũng được gắn lại cùng. Hay nói một cách khác, phụ tùng không phải của Audi nhưng logo gắn lên phụ tùng thể hiện đây là sản phẩm của Audi. Audi yêu cầu bị đơn phải chấm dứt hành vi vi phạm.

Bị đơn cho rằng việc này không vi phạm quyền SHTT của Audi. Không những vậy, bị đơn cũng chỉ ra trên thực tế, các nhà sản xuất ô tô không phản đối việc bán lưới tản nhiệt như vậy (có thể chừa một khoảng trống giống với biểu tượng ban đầu của họ hoặc cho phép biểu tượng đó gắn kết lại trên phụ tùng). Bị đơn đưa hình ảnh của lưới tản nhiệt của 17 mẫu xe hơi được sản xuất bởi các thương hiệu như Opel, Volkswagen, Mitsubishi, Mazda, Volvo, Peugeot, Kia, Honda và Hyundai, để củng cố lập luận rằng các nhà sản xuất chưa bao giờ phản đối thực tiễn nêu trên.

Vấn đề này khiến tòa án quốc gia Ba Lan hỏi tòa án công lý Liên minh châu Âu (CJEU) rằng hành vi nêu trên có vi phạm luật nhãn hiệu của Liên minh châu Âu hay không và đâu là những tiêu chí để xác định việc sử dụng nhãn hiệu của Liên minh châu Âu phù hợp với các thông lệ trung thực trong công nghiệp và thương mại?

Phán quyết của CJEU có thể được đưa ra trong năm nay và đây là vụ việc mà thị trường sửa chữa và phụ tùng mong chờ. Nếu CJEU tuyên bố đây là hành vi vi phạm nhãn hiệu, sẽ có một số lượng lớn phụ tùng xe hơi không thể được sử dụng, trong khi đó châu Âu đang tuyên chiến với biến đổi khí hậu và hướng đến lối sống tái chế - tái sử dụng.

Các sáng kiến

Tháng 9-2022, Liên minh châu Âu đề xuất một đạo luật mới buộc các nhà sản xuất máy tính bảng và điện thoại thông minh phải cung cấp pin và phụ tùng thay thế có tuổi thọ cao hơn trong ít nhất 5 năm sau khi kiểu máy này bị loại bỏ khỏi thị trường. Đạo luật này được hy vọng sẽ thông qua vào năm 2025 trong một nỗ lực chung của toàn khu vực về thúc đẩy nền kinh tế xanh.

Trước đó, vào tháng 4-2022, Apple đã triển khai chương trình tự sửa chữa tại Mỹ, cho phép người dùng các mẫu iPhone mới nhất tự sửa chữa thiết bị của họ bằng các bộ phận và công cụ chính hãng của Apple. Ngày nay, chương trình này đã được cung cấp tại 8 quốc gia châu Âu, như một động thái để làm dịu những chỉ trích về việc lịch sử ngăn chặn quyền sửa chữa của Apple.

Mặc dù có ý kiến cho rằng SHTT mang tính trung lập(3), một sự thật không thể chối cãi, đó là chúng không thể đứng ngoài các nỗ lực chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Câu trả lời cho câu hỏi, liệu luật SHTT có nên kiểm soát thị trường phụ tùng và ngăn chặn những nỗ lực mang tính bền vững hay không, sẽ định hình lại ý nghĩa của chế độ SHTT. Nếu các quy định pháp luật hiện hành không thể đáp ứng được những nhu cầu và thay đổi đương đại, nó sẽ tạo thành một trở ngại đáng kể đối với việc thực hiện đầy đủ chính sách bền vững.

(*) Giảng dạy môn Luật SHTT, khoa Luật, Đại học Oxford, Vương quốc Anh

(1) https://www.itu.int/en/ITU-D/Environment/Pages/Spotlight/Global-Ewaste-Monitor-2020.aspx

(2) https://energysavingtrust.org.uk/stemming-rising-tide-e-waste/

(3) Đây là quan điểm của GS đại học Geneva Jacques de Werra trong buổi trao đổi “Intellectual Property & Sustainable Development: How Sustainable is IP?” ngày 12/5/2023 tại đại học Oxford, https://www.law.ox.ac.uk/content/event/intellectual-property-sustainable-development-how-sustainable-ip

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới