Thứ Bảy, 20/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Quyền lực nhà nước ở đâu?

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đáng buồn là chuyện khan hiếm xăng ở nhiều nơi tại TPHCM lại rơi vào đúng kịch bản đã được cảnh báo từ trước. Mấy ngày hôm nay, nhiều người tiêu dùng tại TPHCM gặp một hiện tượng mà báo Tuổi Trẻ gọi là “cây xăng ba ngón tay”. Báo này đăng ảnh một nhân viên bán xăng đưa ba ngón tay về phía khách hàng ngụ ý chỉ bán cho mỗi người 30.000 đồng tiền xăng! Bài báo nói thẳng: “cây xăng găm hàng”(*).

Theo bài báo, sở dĩ gọi là “găm hàng” bởi lẽ chính chủ cây xăng cũng thừa nhận trong bồn vẫn còn xăng, nhưng họ không mặn mà chuyện bán hàng do “bán ít là cách để cây xăng giảm lỗ (sic)”. Ở thời điểm nhạy cảm khi chu kỳ điều chỉnh xăng đã đến trong ngày hôm nay, có lẽ người chủ muốn nói “giảm lỗ trong tương lai” (hay nói cách khác là tránh giảm lời trong tương lai) vì chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, giá xăng lại được đẩy lên cao hơn mức kỷ lục tám năm. Cứ nghĩ, ví dụ giá xăng tăng 1.000 đồng một lít, thì lợi nhuận “để dành” này sẽ không hề nhỏ. Bởi vậy, phải bán càng ít càng tốt, do lợi nhuận sẽ càng cao khi giá đã tăng.

Lý do cho tình trạng hiện nay tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thì có nhiều, từ việc nhu cầu tăng cao trong và sau dịp Tết, đến chuyện giá xăng tăng trên thị trường thế giới và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải tạm thời giảm công suất, v.v…

Nhưng đáng buồn ở chỗ kịch bản đã thấy trước cũng vẫn diễn ra dù các cơ quan điều hành có trong tay các công cụ có thể giúp tránh được hiện tượng đó. Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện mà thực chất vẫn còn mang tính độc quyền nhà nước. Bộ Công Thương đại diện Nhà nước quản lý thị trường xăng dầu. Dù bộ này cũng đã lên tiếng trấn an dư luận về chuyện không để xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu, như nhiều phân tích đã chỉ ra, những người có trách nhiệm ở bộ cũng không thể vô can.

Các nhà báo kể chuyện, khi người dân gặng hỏi vì sao không bán xăng vì báo nói hàng hóa không khan hiếm, có nhân viên cây xăng trả lời rằng báo nói thì lên báo mà mua. Câu trả lời này lại gợi nhớ chuyện tương tự với giá thịt heo. Khi đó, lúc bị chất vấn vì sao giá thịt heo cao hơn dẫn lời truyền hình cho biết nguồn cung vẫn dồi dào, người ta đã nói vậy thì lên ti vi mà mua!

Như đã nêu bên trên, thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay vẫn còn mang tính chất độc quyền nhà nước. Về nguyên tắc, các cơ quan điều hành thị trường này cũng đã được trao mọi công cụ nhằm bình ổn thị trường. Vì thế, khi xảy ra hiện tượng găm hàng, thách thức người tiêu dùng và dư luận, người dân cũng không thể không tự hỏi, vậy thì quyền lực nhà nước ở đâu trong trường hợp này?

Người dân càng thắc mắc bởi lẽ cho đến nay, hiện tượng đó cứ lặp đi lặp lại, trong khi kịch bản, hiệu ứng thị trường và các giải pháp đã được biết trước. Rắc rối ở khâu nào sao không giải quyết ngay khâu đó? Vả lại, đây đâu chỉ là chuyện ngày một, ngày hai.

Nếu đó là lỗi của chu kỳ điều hành giá xăng dầu, vì sao không thay đổi chu kỳ này? Tiện thể, cũng xin được phép nhắc lại rằng cần đưa cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu tiệm cận hơn nữa và nhanh hơn nữa với giá thị trường thế giới. Điều này vừa sát hơn với cơ chế thị trường, vừa triệt tiêu việc đổ lỗi cho cơ chế nhằm biện minh cho sự thiếu hiệu quả trong điều hành của các cơ quan quản lý.

———————————

(*)https://tuoitre.vn/cay-xang-3-ngon-tay-20220220074813563.htm

3 BÌNH LUẬN

  1. Thật buồn! Đây là lúc linh hoạt nhất để điều hành vĩ mô. Chỉ thấy bộ Công Thương tuyên bố không thiếu xăng, dầu và giao Quản lý thị trường đi giám sát các cây xăng. Còn giá cả tăng cao, ngoài giá thế giới tăng, còn thêm gánh nặng về thuế, phí. Lâu nay một lít xăng dầu bán ra, phải gánh thuế NK, VAT, TTĐB mỗi sắc thuế tương đương 10%, cộng với phí môi trường từ 3000 – 4000đ, trích lập quỹ và các khoản lợi nhuận DN. Khi giá xăng dầu ổn định, các sắc thuế này được người tiêu dùng chấp nhận. Nhưng khi giá xăng dầu thế giới tăng cao gấp 2 – 3 lần, thì giá tính thuế sẽ tăng cao tương ứng đồng thời cũng đẩy các khoản thuế phí tăng phi mã. Tất cả đổ lên người tiêu dùng. Trong tình huống này, hưởng lợi lớn nhất là ngân sách! Để giúp cho nền kinh tế bớt áp lực, phục hồi sau đại dich, rất mong các cơ quan điều hành vĩ mô cần linh hoạt giảm thuế, phí như đã giảm 2% VAT cho các mặt hàng (trừ những mặt hàng có thuế TTĐB, trong đó có xăng dầu). Cần can thiệp ngay! Trong thời điểm giá các mặt hàng đều tăng theo giá xăng dầu, thu nhập người lao động giảm vì Covid, nếu không can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến đà phục hồi của nền kinh tế chậm lại. Chênh lệch giữa giá thế giới và trong nước tăng cao sẽ kích thích buôn lậu xăng dầu phát triển.

  2. Điều hòa và cân bằng cung cầu thì chỉ có thị trường là có sức mạnh chi phối lớn nhất thôi, chứ không phải quyền lực nhà nước. Quan trọng hơn nữa là hiệu quả kinh tế xã hội, an dân, an sinh mang lại như thế nào. Ta tuy đã từ bỏ cơ chế “tập trung bao cấp” từ lâu lắm rồi, nhưng tàn dư của nó vẫn còn rơi rớt lại ở một vài lĩnh vực trọng yếu, không hiểu tại sao chưa thể xóa bỏ triệt để ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới