Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Quyền sở hữu trí tuệ – khi nào thì được… cười!

Thiên Kim

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nếu như “nhái” (theo nghĩa tạo ra một bản sao mà không được phép) là một hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thì ngược lại “nhại” (theo nghĩa tạo ra một bản sao với mục đích chế giễu, gây cười) lại là một... ngoại lệ trong lĩnh vực này.

Sự “phân biệt đối xử” giữa “nhại” và “nhái” nằm trong chính những nguyên tắc căn bản của pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT): một mặt, luật về SHTT cần khuyến khích hoạt động sáng tạo bằng cách trao quyền sở hữu (trước đó vốn chỉ dành cho những tài sản hữu hình) cho chủ sở hữu sáng tạo, thì mặt khác, luật về SHTT cũng cần tạo điều kiện cho việc nâng cao tri thức, thúc đẩy tư duy thông qua quyền tự do học tập, trao đổi và biểu đạt.

Nhại (parody trong tiếng Anh) có một vị trí khá đặc biệt trong hệ thống luật bản quyền của nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, Bỉ... Ở Pháp, ngay từ thế kỷ 19, “nhại” đã được coi là một trong những ngoại lệ đầu tiên của luật bản quyền. Đây không chỉ đơn thuần là quyền được... đùa.

“Nhại” được định nghĩa là hành vi “bóp méo tác phẩm một cách hài hước, qua việc phóng đại phẩm chất hay thói xấu”, là một “hình thức phê phán”. Một thẩm phán của Pháp từng tuyên bố rằng “nhại” có chức năng xã hội quan trọng là “đánh thức tư duy”, vì đây là một trong những cách biểu đạt suy nghĩ và tư tưởng độc đáo, vì hài hước có thể thu hút sự chú ý của công chúng một cách mạnh mẽ hơn.

Đảm bảo quyền được “nhại” là đảm bảo quyền tự do của cá nhân. Luật về bản quyền, vì thế, không thể là công cụ để cản trở quyền tự do thể hiện sự... hài hước, với mục đích chế giễu, chỉ trích.

Vậy điều kiện áp dụng ngoại lệ “nhại” là gì?

Ví dụ, theo luật của Pháp, để có thể coi là trường hợp ngoại lệ của luật bản quyền, thì hành vi “nhại” tác phẩm phải đáp ứng hai điều kiện. Thứ nhất, tác phẩm “nhại” phải đủ khác biệt với tác phẩm gốc, để tránh sự nhầm lẫn trong công chúng. Tất nhiên là tác phẩm “nhại” sẽ vay mượn các yếu tố căn bản của tác phẩm gốc, nhưng các yếu tố gây cười được thêm vào phải làm thay đổi tác phẩm gốc. Đó có thể là việc thay đổi màu sắc, hình dáng của tác phẩm nghệ thuật thị giác, hay thay đổi lời của bài hát.

Thứ hai, hành vi “nhại” phải mang ý định, mục đích gây cười, tuy không loại trừ rằng đằng sau có thể tồn tại một mục đích khác, như truyền tải một thông điệp xã hội (ví dụ phản đối xã hội tiêu dùng, phê phán hành vi hút thuốc lá...). Tuy nhiên, hành vi “nhại” không được biến tướng thành việc vu khống, xúc phạm nhân phẩm người khác, hay mang tính phân biệt chủng tộc. Nếu như tác phẩm bị thay đổi với mục đích truyền tải một thông điệp thù hận, thì không có ngoại lệ “nhại” nào được công nhận.

Ngược lại, hành vi thay đổi tác phẩm sẽ bị coi là vi phạm quyền nhân thân của tác giả, vi phạm sự toàn vẹn cần được bảo vệ của tác phẩm.

Nếu như “nhại” được coi là ngoại lệ của luật về bản quyền, thì đối với luật về nhãn hiệu, “nhại” lại không mấy khi được ưu ái.

Cũng là ngoại lệ “nhại” nhưng ở Mỹ thì cách áp dụng ngoại lệ này lại khác một chút. Các thẩm phán Mỹ áp dụng học thuyết sử dụng hợp lý (fair use) để xác định như thế nào là một tác phẩm “nhại” thỏa mãn các điều kiện ngoại lệ.

Tác phẩm “nhại” sẽ được coi là ngoại lệ của quyền tác giả nếu như thỏa mãn bốn điều kiện bao gồm: mục đích và đặc điểm của việc sử dụng (mang tính thương mại hay phi thương mại, mức độ thay đổi tác phẩm); bản chất của tác phẩm gốc (tác phẩm nghệ thuật hay tác phẩm mang tính thông tin, đã xuất bản hay chưa xuất bản); mức độ sử dụng tác phẩm gốc (sử dụng các yếu tố căn bản mang tính sáng tạo hay không) và cuối cùng là mức độ tác động của hành vi “nhại” đến khả năng khai thác kinh tế của tác phẩm gốc. Có thể thấy rằng tuy cùng là ngoại lệ “nhại”, nhưng luật của Mỹ và Pháp cũng tồn tại nhiều yếu tố khác biệt.

Tuy nhiên, nếu như “nhại” được coi là ngoại lệ của luật về bản quyền, thì đối với luật về nhãn hiệu, “nhại” lại không mấy khi được ưu ái. Đầu tháng 6 này, Công ty VIP Products đã bị Tòa án Tối cao Mỹ kết luận là vi phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu Jack Daniel’s vì sản xuất đồ chơi cho chó mang tên “Bad Spaniels” mang hình dáng như chai rượu whiskey của hãng này. Cho dù Tòa án Tối cao Mỹ không loại bỏ khía cạnh “hài hước”, nhưng việc người tiêu dùng có thể nhầm lẫn giữa hai nhãn hiệu là yếu tố chính để các thẩm phán Mỹ đứng về phía Jack Daniel’s.

Cũng nên bổ sung rằng, nếu như nhại được công nhận như một “ngoại lệ” quyền tác giả ở nhiều nước, hay thậm chí được công nhận trong cả luật về SHTT của Liên minh châu Âu, thì khái niệm này lại không hề tồn tại trong luật của Việt Nam. Luật SHTT hiện hành của Việt Nam công nhận một số ngoại lệ đối với quyền tác giả như ngoại lệ sao chép với mục đích học tập nghiên cứu, sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa, giảng dạy, đưa tin thời sự hay ngoại lệ dành cho người khuyết tật..., nhưng không đề cập tới trường hợp “chế, nhại” tác phẩm với mục đích hài hước.

Hiện nay, chủ đề này vẫn không rõ ràng trong luật về bản quyền của Việt Nam. Không chỉ thế, hành vi “nhại” tác phẩm lại có thể bị coi là vi phạm quyền nhân thân của tác giả, quy định tại điều 19 (4) của Luật SHTT “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới