Thứ năm, 17/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quyền sở hữu trí tuệ – Trụ đỡ cho đòn bẩy kinh tế tư nhân

Nguyễn Trần Hải Đăng (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG) - Nếu xem khu vực kinh tế tư nhân là đòn bẩy của một Việt Nam thịnh vượng thì quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) xứng đáng được xem là một trong những trụ đỡ quan trọng của đòn bẩy ấy.

Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” hôm 17-3-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập đến giải pháp trọng tâm thứ hai về bảo vệ quyền tài sản, quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh và bảo đảm thực thi hợp đồng của doanh nghiệp tư nhân và cho rằng, cần xây dựng và thực thi cơ chế pháp lý chặt chẽ về bảo vệ quyền sở hữu tài sản, trong đó có quyền SHTT.

Vai trò của quyền SHTT đối với kinh tế tư nhân

Với gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh, kinh tế tư nhân hiện đóng góp 51% GDP, 30% ngân sách nhà nước, hơn 40 triệu việc làm, hơn 82% tổng số lao động và gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội(1). Trong bối cảnh đó, việc bảo hộ quyền SHTT đối với các tài sản trí tuệ (TSTT) đã và đang trở thành yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp, không chỉ là công cụ pháp lý bảo vệ thành quả sáng tạo, thúc đẩy đổi mới công nghệ mà còn giúp doanh nghiệp duy trì lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư và vươn ra thị trường quốc tế.

Có thể khái quát ba vai trò chính của quyền SHTT đối với kinh tế Việt Nam nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng như sau: (i). Quyền SHTT giúp bảo vệ TSTT ngày càng lớn hơn của doanh nghiệp trong nền kinh tế số, nơi việc chuyển đổi số đang được thúc đẩy mạnh mẽ. (ii). Quyền SHTT tạo động lực mạnh mẽ cho nghiên cứu và phát triển (R&D), thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Và (iii). Quyền SHTT giúp tăng cường thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế. Những quốc gia có hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh mẽ thường thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao hơn.

Cần làm gì để khai thác hiệu quả công cụ SHTT?

Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về SHTT của Việt Nam khá hoàn thiện, tiệm cận được với các chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của quyền SHTT, dẫn đến tình trạng mất quyền sở hữu TSTT, bị sao chép hoặc gặp khó khăn khi mở rộng thị trường. Sau đây là những gợi ý để doanh nghiệp tư nhân tận dụng tối đa lợi ích từ quyền SHTT nhằm bảo vệ và khai thác hiệu quả TSTT của mình.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và năng lực quản trị TSTT. Doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch quản trị TSTT bài bản, từ đăng ký bảo hộ, khai thác thương mại đến kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Đồng thời tổ chức các khóa đào tạo nội bộ hoặc hợp tác với chuyên gia SHTT cho lãnh đạo và nhân viên, giúp họ nâng cao hiểu biết, tránh rủi ro mất quyền sở hữu do thiếu kiến thức pháp lý. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chủ động cập nhật các quy định mới về SHTT, đặc biệt là những cam kết trong các FTA mà Việt Nam tham gia.

Thứ hai, tận dụng tối đa cơ chế bảo hộ quyền SHTT trong bảo vệ các TSTT. Trong ba nhóm quyền của quyền SHTT (gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) và quyền đối với giống cây trồng), quyền SHCN có liên quan mật thiết nhất đối với doanh nghiệp, với bảy đối tượng bảo hộ là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý(2). Việc đăng ký bảo hộ SHTT ngày nay không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì lợi thế trên thị trường nội địa mà còn tạo nền tảng để vươn ra quốc tế. Các doanh nghiệp công nghệ, startup sáng tạo nên ưu tiên đăng ký sớm bằng sáng chế và nhãn hiệu, không chỉ trong nước mà cả ở thị trường nước ngoài thông qua hệ thống Madrid hay PCT. Ngoài ra, việc bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn cũng cần được đặc biệt quan tâm.

Thứ ba, đầu tư vào đổi mới sáng tạo và R&D cần được xem là chìa khóa giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế cạnh tranh. Một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh mẽ sẽ khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ mới mà không lo ngại về vấn đề sao chép hay đánh cắp ý tưởng. Những doanh nghiệp như VinFast, Viettel hay FPT đã thành công trong việc sử dụng SHTT để bảo vệ công nghệ lõi và mở rộng quy mô hoạt động.

Để thúc đẩy hoạt động đổi mới, doanh nghiệp cần xây dựng trung tâm R&D nội bộ, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu, đồng thời đề xuất chính sách ưu đãi thuế cho các sáng chế có tính ứng dụng cao. Bên cạnh đó, khuyến khích văn hóa sáng tạo trong nội bộ doanh nghiệp thông qua các cơ chế thưởng và bảo hộ quyền lợi của nhà sáng chế cũng là một hướng đi cần thiết.

Thứ tư, tận dụng quyền SHTT để mở rộng hợp tác và thu hút đầu tư quốc tế. Một hệ thống SHTT vững chắc sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng ký kết các thỏa thuận hợp tác, nhượng quyền thương mại hoặc chuyển giao công nghệ với đối tác nước ngoài. Việc sở hữu danh mục TSTT phong phú không chỉ tạo dựng uy tín cho doanh nghiệp mà còn giúp gia tăng giá trị thương hiệu. Để tận dụng tối đa lợi thế này, doanh nghiệp cần chủ động tham gia các hiệp hội doanh nghiệp, diễn đàn SHTT nhằm kết nối với nhà đầu tư và chuyên gia quốc tế. Bên cạnh đó, thương mại hóa TSTT thông qua mô hình nhượng quyền thương mại, li-xăng bằng độc quyền sáng chế, góp vốn hoặc thế chấp bằng TSTT… cũng là cách giúp doanh nghiệp gia tăng nguồn thu một cách bền vững.

Cuối cùng, để phát huy hiệu quả của công cụ SHTT, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc giám sát và kiến nghị chính sách nhằm hoàn thiện hệ thống bảo hộ và thực thi quyền SHTT. Việc vi phạm quyền SHTT vẫn là một thách thức lớn tại Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động giám sát, phát hiện và thực hiện các biện pháp pháp lý khi quyền lợi bị xâm phạm. Đồng thời, đề xuất cải thiện hệ thống pháp luật nhằm tăng cường chế tài xử lý vi phạm, tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và lành mạnh hơn. Một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh mẽ không chỉ giúp doanh nghiệp trong nước yên tâm phát triển mà còn thu hút các tập đoàn quốc tế đầu tư vào Việt Nam, từ đó thúc đẩy nền kinh tế tư nhân phát triển bền vững.

(*) Trưởng phòng Pháp chế, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK.

(1) Báo điện tử Chính phủ, “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, https://tinyurl.com/5n8zh7bu, truy cập ngày 25-3-2025.

(2) Khoản 2 điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2009, 2019 và 2022.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới