Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quyền tác giả – khi tranh cãi là vì chưa… hiểu luật

TS. Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Thấy gì đằng sau vụ lùm xùm xung quanh việc Công ty BH Media bị cho là “nhận vơ, trục lợi bản quyền” ca khúc Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao, cũng như bài hát Giấc mơ trưa của ca sĩ, nhạc sĩ Giáng Son?

Quyền tác giả còn là một khái niệm khá mới mẻ với không ít người Việt Nam. Điều đó không có gì là lạ: Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) mới chỉ được Việt Nam thông qua lần đầu tiên vào năm 2005, trong một nỗ lực để trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hơn nữa, khái niệm quyền tác giả như một quyền khai thác thương mại, và cấm người khác sử dụng tác phẩm mà không có sự cho phép của tác giả cũng là một khái niệm xa lạ trong văn hóa Á Đông, vốn đề cao việc chia sẻ và truyền bá kiến thức trong cộng đồng.

Chính vì quyền tác giả là một khái niệm mới mẻ và du nhập từ pháp luật phương Tây, vì thế không hiếm trường hợp hiểu nhầm, thậm chí tranh chấp xảy ra ở Việt Nam, chỉ vì… không hiểu luật. Đây chính là trường hợp của vụ lùm xùm xung quanh việc Công ty BH Media bị cho là “nhận vơ, trục lợi bản quyền” ca khúc Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao, cũng như bài hát Giấc mơ trưa của ca sĩ, nhạc sĩ Giáng Son.

Cụ thể, Công ty BH Media được Hồ Gươm Audio – một công ty sản xuất âm nhạc – ủy quyền quản lý, khai thác các tác phẩm của công ty này trên YouTube. Khi BH Media “xác nhận sở hữu bản quyền” trên YouTube với hai bản ghi âm của Hồ Gươm Audio là Tiến quân ca và Giấc mơ trưa (do ca sĩ Dương Thùy Anh thể hiện), thì vấp phải sự phản ứng của dư luận, cũng như của các bên liên quan, cụ thể là ca sĩ, nhạc sĩ Giáng Son. Công ty này bị cho rằng đã “trục lợi bản quyền” nhằm “nhận vơ” tác phẩm của người khác. Sự việc không hẳn đơn giản như vậy.

Qua hai sự việc nói trên, có thể thấy quyền tác giả chưa thực sự được hiểu đúng trong dư luận, cũng như chưa được tuân thủ như đúng quy định của pháp luật, thậm chí ngay trong giới chuyên môn (người biểu diễn, nhà sản xuất hay công ty khai thác).

Theo luật hiện hành, nếu như tác giả là người “trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm” (điều 13 (1) của Luật SHTT Việt Nam), cụ thể như trong hai trường hợp nói trên là cố nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Giáng Son, thì cần phân biệt tác giả với nhà sản xuất âm nhạc. Nhà sản xuất âm nhạc, để có thể thực hiện một bản biểu diễn tác phẩm một cách hợp pháp, thì cần có sự cho phép của tác giả (qua hợp đồng mua bản quyền khai thác bản nhạc – có thể là độc quyền hay không độc quyền) và thuê ca sĩ biểu diễn và tổ chức ghi âm, ghi hình.

Theo điều 16 (3) của Luật SHTT, thì “tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác (sau đây gọi là nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình)” thì được bảo hộ “quyền liên quan”. Nói ngắn gọn, tác giả thì có “quyền tác giả” (gồm quyền tài sản – có nghĩa là quyền khai thác lợi nhuận từ tác phẩm và quyền nhân thân – có nghĩa là quyền đứng tên, công bố và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm), còn nhà sản xuất thì có “quyền liên quan” đối với bản ghi âm, ghi hình đã thực hiện.

Quyền liên quan cho phép nhà sản xuất được độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền gồm “sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình”, hay “nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được”, cũng như được “hưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng”.

Trong trường hợp đề cập trên đây, theo giải thích của Công ty BH Media thì hiện giờ Công ty Hồ Gươm Audio là “nhà sản xuất” hai bản ghi âm gây tranh cãi, và Công ty BH Media chỉ “quản lý, khai thác” các sản phẩm âm nhạc này trên YouTube(1).

Trong trường hợp bản ghi bài hát Tiến quân ca trên YouTube, thì có thể hiểu rằng Công ty Hồ Gươm Audio là nhà sản xuất hợp pháp, và được hưởng “quyền liên quan” đối với bản ghi âm này. Bản thân bài hát Tiến quân ca đã được gia đình cố nhạc sĩ hiến tặng cho đất nước và nhân dân, điều đó có nghĩa là bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể sử dụng tác phẩm để ghi âm, ghi hình đồng thời khai thác bản ghi âm, ghi hình đó.

Trong trường hợp này, gia đình cố nhạc sĩ chỉ còn hưởng quyền nhân thân đối với tác phẩm, và chỉ có thể khởi kiện trong trường hợp tác phẩm không đứng tên nhạc sĩ, hay khi bị xuyên tác bóp méo làm “ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của tác giả” mà thôi. Về bản chất, việc BH Media “xác nhận sở hữu bản quyền” thực chất chỉ là “xác nhận sở hữu quyền liên quan” của tác phẩm trên YouTube.

Tuy nhiên, trong trường hợp tranh chấp giữa BH Media với nhạc sĩ Giáng Son, thì sự việc không đơn giản như vậy. Theo như tác giả bản nhạc Giấc mơ trưa thì cô chưa hề ký hợp đồng với bất cứ bên nào cho phép khai thác tác phẩm này, và bản ghi âm Giấc mơ trưa do cô đăng tải trên YouTube là do nhạc sĩ tự sản xuất(2).

Trong trường hợp này, cô vừa là tác giả tác phẩm, vừa là người biểu diễn và là nhà sản xuất, được hưởng mọi quyền tác giả và quyền liên quan đối với bản ghi âm này. Trong khi đó, cô lại nhận được thông báo của YouTube về nghi vấn bản ghi âm của cô vi phạm quyền sở hữu của BH Media đối với Giấc mơ trưa do Dương Thùy Anh biểu diễn.

Qua những thông tin trên truyền thông, có thể thấy là có lý do để tin rằng Hồ Gươm Audio đã tổ chức ghi âm, ghi hình buổi biểu diễn của ca sĩ Dương Thùy Anh mà không có sự cho phép của nhạc sĩ Giáng Son, tác giả bản nhạc, như thế đã vi phạm quyền tác giả của nhạc sĩ Giáng Son. Công ty BH Media khai thác tác phẩm này trên YouTube, vì thế, cũng không tránh khỏi vi phạm Luật SHTT. Động thái YouTube gửi “xác nhận bản quyền” cho nhạc sĩ Giáng Son thực chất là một “tai nạn nghề nghiệp” của BH Media, vì thực tế nó cho phép nhạc sĩ này phát hiện ra hành vi vi phạm quyền tác giả của BH Media cũng như của Hồ Gươm Audio.

Qua hai sự việc nói trên, có thể thấy quyền tác giả chưa thực sự được hiểu đúng trong dư luận, cũng như chưa được tuân thủ như đúng quy định của pháp luật, thậm chí ngay trong giới chuyên môn (người biểu diễn, nhà sản xuất hay công ty khai thác). Đây cũng là một lý do để thấy rằng Việt Nam nên sửa đổi Luật SHTT theo hướng nâng cao hiệu quả áp dụng luật, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả.

———–

(1) https://tuoitre.vn/bh-media-phan-phao-chuyen-vtv-noi-minh-nhan-vo-ban-quyen-quoc-ca-20211104224552709.htm?fbclid =IwAR0ihx3l2AClrRuOHfjTfyEthO29IScarTFXP3kgkirURqKbaYUBT46rUxs

(2) https://vov.vn/van-hoa/am-nhac/nhac-si-giang-son-bh-media-do-tai-youtube-quet-la-sai-901051.vov

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới