Quyền uy của màu sơn ánh kim
Chiêu Anh
(Địa ốc) - Có một sự thật không ai chối bỏ được đó là những sắc màu lấp lánh của màu ánh kim (vàng hoặc bạc, đồng hay đen tuyền) luôn tạo nên vẻ ngoài lộng lẫy và sang chảnh. Nhưng cách xài màu ánh kim cũng giống như kiểu đeo trang sức lên người. Tinh tế và khôn ngoan thì đẹp đẽ, quý phái. Lạm dụng hay sơ sài, đều dễ biến ngôi nhà thành một mớ kiến trúc rẻ tiền, theo kiểu trưởng giả học làm sang.
1. Mọi màu sắc đều bình đẳng nhưng ánh kim là “đế vương”
Với vẻ óng ánh bừng sáng mọi lúc, mọi nơi, màu ánh kim có khả năng đổi đời cho những kiến trúc có thể đã từng bình thường nhất. Chính vì vậy, ánh kim có quyền của nó. Khi đã lựa chọn sự huyền ảo của sắc màu này, thứ chúng ta sẽ phải từ bỏ là sự đa dạng màu sắc của những chi tiết, những nội thất khác. Vì một nhà chẳng thể có hai vua. Màu ánh kim này, cần có vương quyền tột đỉnh mới đảm bảo được đẳng cấp từ dáng vẻ xa xỉ nó mang lại.
Nếu đã chọn màu ánh kim làm điểm nhấn, nên tránh nhiều màu quy tụ xung quanh, tránh những mảng màu nổi rực rỡ như xanh lá, đỏ tươi, cam vàng… Không phải ngẫu nhiên, ánh kim màu bạc thường đi với trắng/xám; ánh đồng đi đôi với đen tuyền; ánh đen đi cùng với màu gỗ trầm, màu vàng đồng… để tạo nên những bức tranh nội thất hoàn hảo.
Sự thật là trên đỉnh cao vương quyền, đến màu sắc cũng cần có sự cô độc cần thiết để giữ lấy sự huy hoàng của nó. Ánh kim cũng vậy. Nó không cần đến một màu sắc nổi bật tương đương để ngai vị của mình có thể bị lấn át.
2. Càng ít - Càng nhiều
Nếu thật sự yêu thích sự lung linh của màu ánh kim, nhưng cuối cùng vẫn muốn giữ lấy bình diện không quá hào nhoáng cho ngôi nhà, chúng ta có thể chọn đưa ánh kim vào màu sắc của những chi tiết trang trí tường nhà hoặc của đồ nội thất. Thật ít thôi, nhưng đủ tinh tế để chi tiết ấy trở thành tâm điểm, đã là một sự tài tình huy hoàng đúng mực.
Thật hấp dẫn khi mường tượng rằng căn hộ nhỏ xinh của chúng ta sở hữu một bức tường lóng lánh ánh bạc. Nhưng sự thật là nếu nhỏ bé quá thì thật khó để huy hoàng. Trong kiến trúc căn hộ hoặc nhà phố diện tích vừa phải, màu ánh kim nên hài hòa vào trong các đường nét trang trí, họa tiết vẽ trên bức tường. Sẽ vẫn lộng lẫy nhưng không quá khiêm tốn để thành vụng về. Đó sẽ là cách tôn vinh thứ màu sắc đầy uy quyền ấy: tối giản để tỏa sáng.
3. Ánh sáng: cận thần hay kẻ thù?
Tình yêu lớn nhất của màu ánh kim là ánh sáng. Căn phòng được bài trí màu ánh kim sẽ lóng lánh huyền hoặc hay chói lòa kệch cỡm cũng phụ thuộc vào ánh sáng.
Nếu căn nhà vừa đủ ánh sáng tự nhiên, chúng ta không cần lạm dụng đèn chiếu sáng. Nếu đã chọn ánh kim màu bạc, màu đồng, chúng không cần thêm đèn chiếu sặc sỡ, sáng lạnh nữa. Nếu chọn màu đen kim thâm trầm, căn phòng sẽ cần nhiều ánh sáng trắng/vàng chói.
Nếu đã chọn ánh kim, thì bố trí ánh sáng trong căn nhà cũng là một nghệ thuật phối màu.
Suy cho cùng, khi đã trót yêu thứ màu sắc quyền quý như ánh kim, thì thân phận chúng ta như nhau đều phải biết, cần cả một trí óc tinh tường vượt bậc để xứng danh với phong cách hoàng tộc mà nó mang lại. Dĩ nhiên, sự chăm chút nào cũng được đền bù xứng đáng, khi căn nhà của chúng ta trở nên quý phái một cách đáng ngưỡng mộ.