Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quyết liệt cuộc đua trở thành “Nasdaq châu Á”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quyết liệt cuộc đua trở thành “Nasdaq châu Á”

Lạc Diệp

(TBKTSG) – Chiếc xe Nasdaq vẫn đang dẫn đầu đường đua gọi vốn công nghệ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào chiếc gương chiếu hậu, nó sẽ thấy các đối thủ Hồng Kông và Thượng Hải đang dần tăng tốc phía sau.

Quyết liệt cuộc đua trở thành “Nasdaq châu Á”
Thượng Hải và Hồng Kông – những ứng viên hàng đầu trong cuộc đua trở thành sàn Nasdaq châu Á.

Vị thế độc tôn của sàn công nghệ Nasdaq

Theo ông Sean Darby, chiến lược gia trưởng về cổ phần toàn cầu của Jefferies, “đối với các trung tâm tài chính, khả năng thu hút các thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc niêm yết thứ cấp, mang lại rất nhiều tác động kinh tế và tài chính… Các thương vụ IPO, theo một nghĩa nào đó là những phát súng lớn, gây tiếng vang, đối với toàn bộ ngành dịch vụ tài chính đang phát triển mạnh.

Xét trên khía cạnh này, sàn công nghệ Nasdaq, Mỹ dường như vẫn đang rất khó bị bắt kịp, bởi sàn giao dịch này đã thống trị hoạt động gọi vốn công nghệ kể từ khi được thành lập cách đây gần năm thập niên. Chỉ số Nasdaq 100 của những công ty công nghệ lớn nhất đã tăng vọt 760% kể từ năm 1998, khi sàn giao dịch này triển khai một loạt chiến dịch nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán trong vòng 100 năm tới với sự tham gia của những tên tuổi lớn trong làng công nghệ như Apple, Intel.

Đằng sau đà tăng trưởng ấn tượng đó là sự trỗi dậy ngoạn mục của các công ty trong lĩnh vực truyền thông xã hội, giải trí trực tuyến, thương mại điện tử và bán dẫn trên toàn cầu. Giờ đây, nhiều công ty thành viên của chỉ số Nasdaq 100 đã phát triển thành những công ty giá trị nhất hành tinh như Apple, Microsoft hay Amazon.

Nasdaq được cho là đang nắm giữ nhiều lợi thế lớn so với các đối thủ châu Á như Jasdaq của Nhật Bản, Kosdaq của Hàn Quốc, Hang Seng Tech của Hồng Kông (Trung Quốc), Star Market của Thượng Hải và Chinext của Thâm Quyến. Những lợi thế này bao gồm sự hấp dẫn của Mỹ đối với các nhà đầu tư toàn cầu, các quy tắc niêm yết linh hoạt, mạng lưới thung lũng Silicon và các trường đại học nổi tiếng. Thêm vào đó, không giống như Trung Quốc đại lục, Mỹ còn có một thị trường mở, nơi các công ty nước ngoài có thể dễ dàng tiến hành niêm yết, cũng như một đồng tiền có thể chuyển đổi.

Chỉ riêng uy tín từ việc niêm yết trên sàn Nasdaq đã là một yếu tố không thể nào so sánh. Những điều này là lời giải thích rõ ràng, vì sao có tới 67 công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc chọn niêm yết tại đây.

Cuộc chạy đua gọi vốn công nghệ tại châu Á

Các quốc gia châu Á khác từ lâu đã cố gắng kích hoạt động cơ công nghệ của mình nhưng không đủ để vượt qua Nasdaq.

Tokyo đã ra mắt sàn Jasdaq từ năm 1991, trong khi Seoul thành lập Kosdaq vào năm 1996. Mặc dù được mô phỏng theo mô hình của Nasdaq, hai sàn này vẫn chỉ là địa điểm niêm yết cho các công ty nhỏ và vừa trong nước.

Trong khi đó, sàn giao dịch chứng khoán Singapore hồi đầu tháng này vừa cho biết, sẽ tăng cường quan hệ đối tác với Nasdaq nhằm thu hút các công ty tiến hành niêm yết thứ cấp tại quốc đảo này.

Những cái tên có thể mang nhiều thách thức cho Nasdaq hơn cả đều đến từ Trung Quốc: sàn Star Market của Thượng Hải và sàn Hồng Kông. Kể từ đầu năm đến nay, sàn giao dịch mới được một năm tuổi Star Market của Thượng Hải đã gọi vốn được 17,9 tỉ đô la từ các thương vụ IPO. Dẫu vậy, con số ấn tượng này vẫn còn kém khá xa so với mức 25,8 tỉ đô la của Nasdaq. Sàn Hồng Kông (Trung Quốc) cũng thu được 19 tỉ đô la từ các thương vụ IPO, theo dữ liệu của Refinitiv, tuy nhiên, con số này còn bao gồm cả các công ty phi công nghệ.

Ông Michael Wu, chuyên gia phân tích về các thị trường chứng khoán tại Morningstar, cho rằng: “Các công ty công nghệ tại châu Á đang có quy mô lớn hơn nhiều và khi đạt đến quy mô nhất định, họ cần thêm nguồn tài chính từ bên ngoài. Và rõ ràng, các sàn giao dịch coi việc các công ty muốn niêm yết là một cơ hội lớn”.

Hồng Kông chiếm ưu thế trong cuộc đua song mã

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung gia tăng và giới chức Mỹ có thể thông qua dự luật cấm các công ty Trung Quốc ở New York, ngày càng nhiều doanh nghiệp cảm thấy áp lực và buộc phải rời khỏi xứ cờ hoa.

Do đó, việc Ant Group thông báo sẽ tiến hành niêm yết tại cả Hồng Kông và Thượng Hải – hứa hẹn một thương vụ IPO lớn nhất trong lịch sử – có thể sẽ được coi là một bước ngoặt đáng chú ý.

Sàn Star Market, vốn được ví như sàn Nasdaq phiên bản Trung Quốc vẫn đang thu hút ngày càng nhiều các công ty công nghệ niêm yết ngay tại quê nhà, và được kỳ vọng sẽ trở thành động lực mới cho thị trường chứng khoán Trung Quốc. Thế nhưng trong lĩnh vực này, Hồng Kông dường như vẫn có nhiều lợi thế hơn. Lý do là bởi thị trường vốn Trung Quốc gần như vẫn đang đóng cửa với phần còn lại của thế giới và các công ty nước ngoài chưa được phép niêm yết tại đây.

Sàn Hồng Kông mới đây đã cho ra mắt chỉ số công nghệ đầu tiên của 30 công ty hàng đầu, với những cái tên đáng chú ý như Alibaba, Tencent, Meituan Dianping, Xiaomi và Sunny Optical. Tất cả đều là những gã khổng lồ của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ tài chính, thương mại điện tử, mạng xã hội và điện thoại thông minh.

Bên cạnh đó, Hồng Kông cũng được dự báo sẽ đón thêm nhiều thương vụ niêm yết thứ cấp của các công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ.

Chuyên gia Darby của Jefferies chỉ ra rằng, mặc dù hầu hết các công ty nước ngoài niêm yết tại sàn Hồng Kông đều có trụ sở tại Trung Quốc đại lục, nhưng Hồng Kông vẫn có tiềm năng thu hút các hãng công nghệ, không chỉ từ Trung Quốc mà là ở nhiều nơi khác trên thế giới. Ví dụ như nhà sản xuất thiết bị chơi game Razer của Singapore đã niêm yết cổ phiếu tại Hồng Kông hồi năm 2017, huy động được 4,12 tỉ đô la Hồng Kông (khoảng 528 triệu đô la Mỹ) và là một trong những thương vụ niêm yết lớn nhất trong năm đó.

Thúc đẩy cải cách – yếu tố quan trọng dẫn tới thành công

Bà Alexandra Bidlake, chuyên gia tại Công ty Luật Linklaters ở Hồng Kông, cho biết: “Hồng Kông đã đạt được những bước tiến lớn khiến sàn giao dịch của họ trở nên hấp dẫn hơn đối với các công ty công nghệ, minh chứng là hoạt động niêm yết của các công ty như Alibaba, JD.com hay NetEase. Có vẻ như Hồng Kông sẽ không ngừng phát triển và thích ứng để đảm bảo tính cạnh tranh với các sàn giao dịch khác tại Trung Quốc và khu vực, cũng như sàn Nasdaq và các sàn quốc tế”.

Theo chuyên gia Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô và chiến lược của China Renaissance, một vấn đề vẫn chưa được giải quyết, liên quan tới thương vụ niêm yết của Ant Group, và xa hơn là những thương vụ niêm yết trong tương lai của các doanh nghiệp kinh tế mới tại Trung Quốc, là liệu các cổ đông của doanh nghiệp có được phép sở hữu cổ phiếu mang nhiều quyền biểu quyết hơn các cổ phiếu khác hay không? Cấu trúc có tên gọi quyền được biểu quyết (WVR) này hiện không được chấp nhận tại Hồng Kông hay Trung Quốc, nhưng lại được cho phép ở Mỹ và Singapore. Đáng chú ý, theo dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông (HKEX), cấu trúc quyền được biểu quyết đang được áp dụng bởi ít nhất 38 công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc có niêm yết tại Mỹ, trong đó bao gồm cả Tencent Music.

Hồi tháng 5 vừa qua, HKEX đã kết thúc cuộc tham vấn công khai về đề xuất cho phép áp dụng cấu trúc WVR, vốn được mở rộng từ cuộc cải cách quy định niêm yết hồi tháng 4-2018, cho phép nhà sáng lập hoặc các giám đốc điều hành chủ chốt giữ các cổ phiếu có quyền biểu quyết cao hơn sau khi niêm yết.

Chuyên gia Bruce Pang chia sẻ: “Hồng Kông có lợi thế cạnh tranh ở chỗ đã thu hút được nhiều công ty áp dụng cấu trúc WVR hơn so với sàn Star Market. Nếu các cải cách của Hồng Kông mở rộng cấu trúc WVR cho các cổ đông của doanh nghiệp, thị trường này sẽ càng trở nên cạnh tranh hơn”.

Ngoài ra, việc thanh khoản từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiếp tục tăng ổn định hay không cũng là một yếu tố quan trọng khác trong việc xác định tương lai của niêm yết cổ phiếu công nghệ tại Hồng Kông. Chuyên gia Ivy Wong, người phụ trách thị trường vốn của Công ty Luật Baker McKenzie khu vực châu Á – Thái Bình Dương đánh giá, sự công khai, tính thanh khoản, định giá và hiệu suất sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các công ty công nghệ và giới đầu tư”.

Nguồn: SCMP, CNN, CNBC

https://www.scmp.com/business/markets/article/3097432/every-major-asian-market-has-nasdaq-wannabe-could-hong-kongs-or

https://edition.cnn.com/2020/07/20/investing/hang-seng-nasdaq-index-intl-hnk/index.html

https://www.cnbc.com/2020/07/29/hong-kong-hang-seng-tech-index-how-it-will-benefit-investors-chinese-companies.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới