Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ra Huế, đi đầm Chuồn ăn sáng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ra Huế, đi đầm Chuồn ăn sáng

Bài và ảnh: Tường Vi

Ra Huế, đi đầm Chuồn ăn sáng
Thuyền đánh cá đang cập bến ở đầm Chuồn.

(TBKTSG Online) - Lần đầu tiên ra Huế, thời gian lưu lại không được nhiều nên trước khi đi tôi hỏi thăm bạn bè, để chọn điểm nên đến trước, còn sẽ trở lại sau. Mọi ý kiến hầu như chỉ xoay quanh hoành thành, lăng tẩm, đền chùa... nhưng cuối cùng, nơi để lại ấn tượng thú vị nhất với tôi lại là đầm Chuồn.

Do uống hơi nhiều trà vào buổi tối hôm trước, lại thêm tách cà phê đậm đặc lúc chiều nữa nên cả hai đứa chúng tôi trằn trọc mãi đến hơn một giờ sáng mới chợp mắt một chút và đến 4 giờ đã phải dậy để chuẩn bị xuất phát lúc 5 giờ như đã hẹn với người bạn sẽ dẫn đường. Tuy ngủ chưa được ba giờ đồng hồ, nhưng khi nghe chuông đồng hồ reo, cả hai đều bật dậy thật nhanh, có lẽ nhờ sự háo hức, tò mò qua lời kể của Lan - một người bạn Huế, về đời sống của ngư dân địa phương, cảnh đón mặt trời mọc trên đầm phá và nhất là món bánh khoái cá kình; nghe rất lạ, rất thích.

Đúng 5 giờ sáng, Lan đến đón chúng tôi tại khách sạn. Ba đứa con gái, hai chiếc xe máy trên những con đường vắng tanh, bóng tối cảnh vật còn nhá nhem trong sương mù. Sương sớm cộng thêm gió mát từ sông Hương khiến cho chúng tôi cảm thấy khoan khoái và như được tiếp thêm năng lượng cho buổi ngao du này. Đầm Chuồn thuộc địa bàn xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế; cách trung tâm thành phố Huế khoảng hơn 10 cây số về phía đông bắc. Đầm này là một phần thuộc phá Tam Giang.

Ở Huế, khu trung tâm thành phố vào 5 giờ sáng cũng còn thưa xe cộ đi lại, thi thoảng có vài chiếc xe tải chở hàng và đi một quãng mới thấy có một vài cửa tiệm bánh mì lúi húi mở cửa. Lan đưa chúng tôi băng qua những con đường lộ lớn rồi chui vào con đường làng mát lạnh sương đêm.

Xóm vạn đò ở đầm Chuồn, nơi tập trung những gia đình ngư dân ngụ cư trên thuyền.

Cảnh vật dọc đường rất lạ lẫm đối với chúng tôi - hai cô gái sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn - mỗi đoạn đường đi qua đều khiến chúng tôi tò mò nhìn ngắm. Dọc con đường làng chúng tôi đi qua cơ man nào là những nhà thờ của các dòng họ, băng qua những cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Có lúc chúng tôi lái xe song song với những đàn trâu đủng đỉnh bước ra đồng, không gian yên ắng. Cảnh nông thôn thật yên bình, cộng thêm tiết trời buổi sáng mát mẻ, chúng tôi vừa đi vừa cố hít lấy hít để khí trời.

Sau hơn nửa giờ đồng hồ, chúng tôi cũng đến được với đầm Chuồn. Ngư dân đánh bắt tôm cá về, rồi bán lại cho mối lái, song tiếng ngả giá không hề ầm ĩ. Từng chiếc ghe máy chở đầy cá kình đem về bờ khuấy động cả bầu không khí buổi sớm vốn tĩnh mặc. Ở đây, nhiều thuyền đánh cá cũng là nơi cư ngụ của gia đình, cả nhà chung sống trên thuyền, quanh năm lênh đênh trên mặt nước.

Cá vào bờ bán ngay cho mối lái đưa ra chợ sớm. Mỗi ký cá kình giá khoảng 100 ngàn đồng.

Người ta nói, đầm Chuồn có năm loại cá nổi tiếng là cá ong, cá dìa, cá mú, cá nâu và cá kình vì thịt cá dai, thơm, ngọt. Cá kình là một trong những đặc sản của người dân xứ Huế và cũng được đánh bắt nhiều tại khu vực đầm Chuồn. Theo người dân đánh bắt cá tại đây thì mùa cá kình bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến hết tháng 7 âm lịch hằng năm.

Ngư dân ở đây bắt đầu công việc đánh cá từ 6 giờ tối hôm trước và kết thúc công việc của mình vào 6 giờ sáng hôm sau. Làm việc suốt 12 tiếng nhưng mỗi ngày họ thu hoạch khoảng 4-5kg cá, lắm hôm được mùa thì lên đến 8 hay 10kg. Một số ngư dân phải thức đêm trong những cái nhà chồ (chòi) cất tạm bợ trên mặt nước sông để canh giữ đìa tôm, cá. Mỗi kí cá kình mua tại đầm có giá khoảng 100.000 đồng, một ký tôm loại lớn chừng 150.000 đồng.

Chúng tôi mua nửa ký tôm và nửa ký cá kình tươi rói vừa cập bến rồi đem lại một cái chòi gần đấy nhờ đổ bánh khoái (từ Đà Nẵng trở vào gọi là bánh xèo). Những người chủ các túp lều này đổ bánh như một nghề kiếm sống hàng ngày, khách hàng của họ là người dân trong làng và khách du lịch đến chơi đầm Chuồn.

Mua cá, tôm đưa cho người đổ bánh tại chỗ, tươi ngon và rất rẻ.

Họ rửa sạch cá (không bỏ ruột), cắt bỏ đầu tôm rồi bắt đầu đổ bánh. Cái chảo nhỏ được phết qua một lớp dầu, rồi đặt hai con cá hay hai con tôm lên chảo, nghe xèo xèo tiếng dầu trên mặt chảo. Sau đó, người làm bếp nhanh tay đổ nước bột gạo pha sẵn vào rồi đưa qua bếp lửa, đậy nắp. Chừng hai phút sau thì bánh chín, cho ra dĩa đưa cho khách đang cầm đũa... chờ. Khói bay nghi ngút từ các chòi lá tỏa mùi thơm của món bánh khoái hòa lẫn mùi thơm của cá, của tôm chiên trên ngọn lửa trấu khiến ai nấy đói bụng cồn cào.

Bánh khoái cá kình chẳng có gì ngoài bột bánh và hai con cá tươi bằng ba ngón tay, nhưng khi cầm cái bánh nóng hổi, dùng ngón tay gỡ thịt cá ra chấm vào chén nước mắm nguyên chất thả vài lát ớt, vừa ăn vừa xuýt xoa vì vừa nóng, vừa cay mới thấy thú vị làm sao! Khi làm cá kình, người ta không bỏ ruột mà để lại ăn luôn. Ruột cá có màu xanh, ăn vào thấy đắng, nhưng một hồi lại thấy vị ngọt trong miệng. Lan bảo rằng, ăn ruột cá kình sẽ ngủ ngon như ăn chè sen vậy; nghe vậy hai đứa con gái Sài Gòn chúng tôi hứng thú ăn không bỏ sót miếng ruột nào, thậm chí còn nhai luôn cả... xương.

Bánh khoái nhân tôm tươi.
Bánh khoái cá kình.

Khách du lịch không thích cá, cũng có thể thưởng thức bánh khoái tôm còn để nguyên vỏ, cũng cảm nhận được cái vị tươi ngọt của đặc sản đầm Chuồn.

Sau khi đã chán chê với hải sản, chúng tôi thử ăn mấy cái bánh khoái chỉ có bột, một ít giá và hành, ấy vậy mà ngon đáo để. Ba đứa con gái, ăn không hết số lượng tôm cá đã mua nên nhờ người ta gói ghém cẩn thận mang về nhà chế biến thêm nhiều món ăn khác như nấu canh chua với măng, cà chua, thơm...

Ba cô gái no căng bụng sau khi thanh toán hết 30 cái bánh. Đến hồi tính tiền, tổng cộng chỉ có 15.000 đồng gồm công đổ bánh, tiền bột, tiền nước mắm. Cả ba đứa ngạc nhiên, tưởng nghe lầm, hỏi lại thì đúng là họ chỉ lấy 500 đồng một cái bánh.

Không biết xưa nay có ai vừa ăn sáng vừa ngắm mặt trời mọc như chúng tôi hôm ấy không?! Vừa ngồi xem đổ bánh, vừa trò chuyện râm ran, tay bốc bánh, gỡ cá ăn liên hồi, vừa nhìn ngắm bầu trời phía đông đỏ ửng, chuyển dần sang màu cam sẫm rồi nhạt dần thành màu vàng theo vị trí mặt trời lên cao dần.

Sau khi đã chén no nê, chúng tôi trở về, vừa bước ra khỏi đầm Chuồn là gặp ngay cái chợ quê nhóm họp bán đủ thứ, trong đó, cá kình được bày bán rất nhiều. 7 giờ sáng, chúng tôi quay trở về trên con đường làng lúc nãy, không khí xung quanh đã náo động hơn một chút, các chợ quê ven đường đã tấp nập kẻ mua người bán, nông dân cùng lũ trâu bò ra đồng. Một ngày mới đã bắt đầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới