(KTSG Online) – Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính tại hội trường Quốc hội diễn ra vào ngày 8-6, đại biểu đặt vấn đề liệu Chính phủ có thể giảm các khoản thuế đang thu vào xăng, dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp được không.
Theo đại biểu Quốc hội, có nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần tiếp tục có các biện pháp về giảm các khoản thuế đang thu vào xăng, dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc giảm thuế thuộc thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Về giảm thuế môi trường trong xăng, dầu, đối với xăng là 4.000 đồng/lít, Bộ Tài chính đã đề xuất thời gian vừa rồi, được Thường vụ Quốc hội chấp thuận là giảm 2.000 đồng/lít.
Với mức giảm như trên, ông cho biết, cả nước giảm 24.000 tỉ đồng tiền thu ngân sách. Hiện mức giảm thêm còn có thể trong 2.000 đồng nữa. Theo quy định của luật, Thường vụ Quốc hội chỉ được quyết định giảm thêm 1.000 đồng nữa, còn nếu muốn giảm tiếp 2.000 đồng thuế môi trường trong xăng dầu thì thẩm quyền là của Quốc hội.
Còn các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu hay thuế VAT... ông Phớc cho biết có giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nữa hay không thì cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Nhưng trước mắt Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động và sẽ báo cáo Chính phủ trình với Thường vụ Quốc hội, cơ quan này giải trình với Quốc hội để có thể giảm thuế trong xăng dầu.
Ông cũng cho rằng giá không chỉ phụ thuộc vào vấn đề thuế mà phụ thuộc vào vấn đề cung - cầu. Mua ở đâu, mua của Singapore, mua Hàn Quốc hay mua của Malaysia..., cần phải tìm nguồn cung. Bộ Tài chính sẽ bàn với Bộ Công Thương chủ trì để xem các công ty đầu mối mua ở đâu.
Thêm nữa, ông Phớc cho rằng cần đẩy mạnh sản xuất trong nước. Nhu cầu hiện nay là 21 triệu tấn xăng dầu một năm, trong khi sản xuất trong nước là 11 triệu tấn, còn lại nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn. Sản xuất trong nước thì hiện nay nhà máy Bình Sơn công suất đạt 100%. Nhưng nhà máy Nghi Sơn sản lượng rất thấp, có những giai đoạn dừng sản xuất, phải có biện pháp để đẩy sản xuất trong nước lên nữa.
“Bộ Tài chính xin tiếp thu ý kiến của đại biểu để chúng tôi đánh giá tác động để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, tham mưu cho Thường vụ Quốc hội và Quốc hội,” ông Phớc nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính rà soát lại các loại thuế và phí. Cái nào là trách nhiệm của Quốc hội, cái nào là Thường vụ Quốc hội và cái nào là của Chính phủ.
Ông nói: “Những vấn đề về thuế dù thuộc phạm vi thẩm quyền của bộ, hay của Chính phủ hay là của Quốc hội và Thường vụ Quốc hội thì cũng cần phải có đề xuất từ bộ quản lý nhà nước. Hiện nay, cử tri và người dân đang trông chờ phản ứng chính sách này thì cũng mong bộ trưởng quan tâm và thể hiện quan điểm nguyên tắc của mình trả lời hôm nay bằng những văn bản. Những đề xuất rất cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định. Trong giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu còn liên quan rất nhiều thứ nữa chứ không phải chỉ có vấn đề về thuế và phí, còn có chi phí định mức, lợi nhuận định mức...”
Ông Nguyễn Văn Thân, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cho biết ông chưa đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính về giá xăng dầu. Ông cho rằng việc can thiệp vào giá xăng dầu quá nhiều không vận hành phù hợp với giá thị trường. Hãy để giá tự nhiên theo giá tăng, giảm của thế giới. Nếu có can thiệp thì chỉ phần nào thôi.
“Ở đây có rất nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Nếu chúng ta giảm cái này nó lại ảnh hưởng đến xuất khẩu và các cái khác. Cho nên sự can thiệp cũng đúng mức. Chúng ta không cố gắng để làm sao giảm tối thiểu nhất và giá rẻ nhất so với các nước xung quanh”, ông Thân nói.
Trả lời ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng mặt hàng xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá, do Nhà nước bình ổn. Vì vậy đến một lúc nào đó thì Nhà nước phải can thiệp vào để giảm giá xăng dầu. Việc giảm giá xăng dầu sẽ có lợi ích là giảm được giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy sức cạnh tranh và giải quyết được lao động, từ đó sẽ có tích lũy cho nền kinh tế. Cho nên đây cũng là một giải pháp. Tuy nhiên là giảm đến mức nào thì phải đánh giá tác động.
Sẽ đẩy mạnh thu thuế thương mại điện tửNgoài nội dung trên, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, các đại biểu Quốc hội còn quan tâm về vấn đề thu thuế thương mại điện tử, trong đó có việc quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới.Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng vấn đề thu thuế kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới là một vấn đề rất khó, Bộ Tài chính đã chủ động đấu tranh trong lĩnh vực này.Hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 100 sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, trong đó có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác. Bộ Tài chính đã thiết lập cổng đăng ký và thanh toán xuyên biên giới. Các doanh nghiệp xuyên biên giới có thể đăng ký tại cổng này để nộp thuế. Thời gian vừa qua Facebook nộp 1.965 tỉ đồng, Google là 1.902 tỉ đồng, Microsoft là 651 tỉ đồng. Hết quí một vừa qua thì phí phát sinh của Microsoft là 500 tỉ đồng và TikTok là 45,6 tỉ đồng...“Việc quản lý sàn thương mại điện tử rất khó, bởi vì máy chủ của họ đặt ở nước ngoài. Thêm nữa là thực hiện phương châm thanh toán bằng tiền mặt... Chúng tôi thấy việc này rất gian nan nhưng sẽ cố gắng”, ông Phớc nói.
Câu chuyện giá cả xăng dầu, cứ mãi nói “rà soát/ cân nhắc” thì mãi không giải quyết được gì. Khi kỳ họp quốc hội đợt này kết thúc, nếu không có giải pháp nào mới để thực thi ngay, thì đó quả là sự thất vọng lớn dành cho công luận.