(KTSG Online) - Liên quan đến giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu đơn vị liên quan rà soát trình tự thủ tục đầu tư dự án điện khí; đề xuất phương án cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục đầu tư…
- Cần giải pháp cấp thiết gỡ khó về giá điện khí, điện gió ngoài khơi
- EVN đề xuất nhập khẩu điện gió từ Lào, giá khoảng 1.700 đồng/kWh
TTXVN đưa tin, ngày 25-1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp, nghe báo cáo, tháo gỡ khó khăn các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi trong quy hoạch điện VIII.
Trong đó, nói về giải pháp vướng mắc của các dự án liên quan đến thực hiện mục tiêu của quy hoạch điện VIII, Phó Thủ tướng yêu cầu xem xét, rà soát toàn bộ trình tự thủ tục đầu tư dự án điện khí, trong đó có những cam kết dài hạn mang tính nguyên tắc của Chính phủ đối với nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, một số bộ như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các tập đoàn năng lượng đưa ra đề xuất các phương án cắt giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư của dự án điện khí. Bộ Công Thương phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng đề án thí điểm thăm dò, điều tra, khảo sát tiềm năng điện gió sử dụng nguồn ngân sách nhà nước; quy hoạch, phê duyệt chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư, điều kiện cấp phép… cho các dự án điện gió ngoài khơi. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đồng ý với chủ trương thành lập tổ công tác liên ngành.
Trước đó, tại cuộc họp, đại diện Bộ Công Thương cho biết, việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi còn gặp những khó khăn như chưa thống nhất trong quy định pháp luật về giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện thăm dò, đo đạc; khó khăn trong đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư; xung đột với các hoạt động khai thác sử dụng biển; khả năng tiếp cận vốn tín dụng còn thấp...
Theo quy hoạch điện VIII, từ nay đến cuối 2030, tổng công suất bổ sung từ các dự án điện khí hơn 30.400 MW và điện gió ngoài khơi khoảng 6.000 MW, chiếm khoảng 50% tổng công suất cần bổ sung. Việc phát triển điện khí và điện gió ngoài khơi sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050.