(KTSG Online) - Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi với những quy định về các dịch vụ không phải viễn thông truyền thống, ví dụ như dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông (hay còn được gọi là dịch vụ OTT), dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây, đang được lo ngại rằng không phù hợp và sẽ dẫn đến gánh nặng hành chính và làm tăng chi phí hoạt động không cần thiết cho các nhà cung cấp dịch vụ.
- Phạt hơn 1,7 tỉ đồng các doanh nghiệp viễn thông vi phạm quản lý thuê bao
- Huawei và ZTE bị cấm bán thiết bị viễn thông tại Mỹ
Luật Viễn thông (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5 và 6-2023. Mục tiêu chính của việc sửa đổi Luật Viễn thông lần này nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên viễn thông, thúc đẩy và huy động các thành phần kinh tế tham gia xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ, và giải quyết các bất cập hạn chế trong thực thi luật thời gian vừa qua.
Mở rộng phạm vi quản lý cả các ngành không phải là dịch vụ viễn thông
Tại sự kiện về góp ý cho dự thảo luật hôm 23-3, bà Đào Thị Nga, Đại diện Liên minh Internet Châu Á (AIC) cho rằng, dự thảo luật đã mở rộng đáng kể về phạm vi quản lý bao gồm cả các ngành không phải là dịch vụ viễn thông. Việc này đặt thêm gánh nặng pháp lý cho doanh nghiệp và khiến lợi ích tiềm năng của nền kinh tế số gặp rủi ro bởi những tác động tiêu cực ngoài ý muốn.
Nêu ý kiến về các quy định của dự thảo này, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), quan ngại về việc phạm vi của dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi đã được mở rộng đáng kể để quản lý cả các dịch vụ không phải là dịch vụ viễn thông. Đồng thời, sẽ tạo nên những rào cản đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu. Trong khi đó, đây là những dịch vụ vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của một nền kinh tế số.
Ông Thành dẫn chứng các dịch vụ như dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông (hay còn được gọi là dịch vụ OTT), dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây đều khác với dịch vụ viễn thông và không được quy định trong luật viễn thông truyền thống.
“Việc đưa vào quy định về các dịch vụ này theo Luật Viễn thông sửa đổi là không phù hợp và sẽ dẫn đến gánh nặng hành chính và làm tăng chi phí hoạt động không cần thiết cho các nhà cung cấp dịch vụ này”, ông Thành nói.
Cùng với đó, ông Thành cho rằng việc quy định một số nhà cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới có một số lượng người sử dụng và lưu lượng dịch vụ nhất định sẽ phải thành lập văn phòng đại diện hoặc ký kết thỏa thuận thương mại với công ty viễn thông trong nước, trong khi giữa họ và doanh nghiệp nội địa không có giao dịch thương mại, là chưa hợp lý.
Bên cạnh đó, ông Thành cũng nhấn mạnh việc giới hạn sở hữu nước ngoài đối với dịch vụ OTT ở mức 65% sẽ tạo nên những rào cản để các nhà cung cấp dịch vụ OTT đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đi ngược lại nguyên tắc cơ bản về đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông.
Ông dẫn chứng, việc phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp dịch vụ OTT và các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ viễn thông truyền thống - thông qua quy định mức trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài - sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ OTT trong nước gặp khó khăn trong huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ cản trở đổi mới công nghệ tại Việt Nam.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), Hội truyền thông số Việt Nam, cho rằng nên xem xét lại phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông đối với các dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu để đảm bảo mục tiêu khuyến khích phát triển dịch vụ, cân bằng giữa lợi ích của dịch vụ và yêu cầu quản lý.
Bà Nga cũng cho rằng, các dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu không nên nằm trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này vì các dịch vụ này không phải là dịch vụ viễn thông. Việc áp dụng các nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đối với các loại hình dịch vụ này sẽ làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, làm hạn chế sự phát triển của các ứng dụng số, ảnh hưởng đến những lợi ích mà dịch vụ đó có thể mang lại đối với nền kinh tế. Thêm nữa nó còn tác động tiêu cực đến khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào việc phát triển các trung tâm dữ liệu hay cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam.
Tại hội thảo lấy ý kiến về góp ý về dự thảo luật này do VCCI tổ chức vào ngày 23-3, bà Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (Amcham Hanoi) cũng nêu lên quan ngại đối với những quy định về dịch vụ điện toán đám mây.
Cụ thể, pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp hiện không có quy định nào về việc dịch vụ điện toán đám mây là một hoạt động kinh doanh có điều kiện. Các cam kết quốc tế của Việt Nam cũng không có bất kỳ hạn chế nào đối với dịch vụ này. Tuy nhiên, dự thảo luật lại đang áp đặt một số điều kiện như dịch vụ này phải được cấp giấy phép viễn thông, phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hay phải lập văn phòng đại diện đối với những dịch vụ điện toán đám mây xuyên biên giới.
Đại diện Amcham cũng chia sẻ thêm, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp nước ngoài do nhu cầu xử lý thông tin và dữ liệu diễn ra ở bên ngoài Việt Nam. Điều này phổ biến đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các công ty tài chính, bảo hiểm nước ngoài hoặc các hoạt động thương mại xuyên biên giới.
Các doanh nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hoặc trung tâm dữ liệu nước ngoài không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ cho họ - do không đáp ứng được các yêu cầu trong dự thảo như lập văn phòng đại diện hoặc có hợp đồng thương mại với các doanh nghiệp viễn thông trong nước. Vì vậy, theo bà Hà, các quy định hạn chế đối với hai loại hình dịch vụ này cũng có thể khiến môi trường đầu tư tại Việt Nam kém hấp dẫn và cạnh tranh hơn.
Liên minh Internet Châu Á khuyến nghị, nên loại bỏ các dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật này.
Môi trường kinh doanh, đầu tư sẽ trở nên kém hấp dẫn và cạnh tranh
Vẫn theo người đại diện Amcham, các doanh nghiệp và người dân đang được hưởng nhiều lợi ích từ những hình thức liên lạc, trao đổi thông tin và hội họp qua các nền tảng internet miễn phí - đặc biệt trong thời gian đại dịch Covid-19 khi không thể gặp gỡ nhau trực tiếp. Hiện nay các loại dịch vụ OTT này đang là một phần không thể tách rời khỏi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Amcham cho rằng, nếu không được tận dụng những công cụ liên lạc hữu hiệu và miễn phí trên, chi phí hoạt động của doanh nghiệp sẽ tăng lên đáng kể và môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam cũng sẽ trở nên kém hấp dẫn và cạnh tranh hơn đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới không muốn hoặc không thể tuân thủ các quy định của luật thì sẽ làm thế nào để chặn/gỡ bỏ các nền tảng OTT đối với người dùng Việt Nam. OTT không sử dụng hạ tầng và tài nguyên tần số nên không có vấn đề gì về mặt kĩ thuật cần phải quản lý trong dự thảo Luật Viễn thông.
Dự thảo luật quy định nghĩa vụ đối với tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet (theo hình thức không thu cước qua biên giới) có số người sử dụng vượt mức ngưỡng theo quy định của Chính phủ, thì phải cung cấp dịch vụ thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hoặc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Theo Liên minh Internet Châu Á, việc yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ OTT phải có thỏa thuận thương mại tại là thiếu cơ sở pháp lý và sẽ gây ra các quan ngại về cạnh tranh. Quy định này sẽ tạo ra điều kiện không công bằng cho các nhà cung cấp dịch vụ OTT khi phải phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông.
Ông Trần Mạnh Hùng Giám đốc công ty Luật TNHH quốc tế BMVN cũng đồng tình quan điểm nêu trên và bổ sung thêm về kinh nghiệm thực tế ở các nước ASEAN.
“Tham khảo kinh nghiệm của các nước trong khu vực cho thấy không có quốc gia nào trong khu vực áp dụng các tiêu chuẩn và điều chỉnh dịch vụ OTT giống như đối với dịch vụ viễn thông truyền thống. Các nước ASEAN không coi OTT là dịch vụ viễn thông và không quản lý các dịch vụ này như dịch vụ viễn thông,” ông Hùng cho biết.
Cụ thể, ở Malaysia hiện nay chưa có quy định cụ thể nào đối với OTT thông tin liên lạc. Hoạt động kiểm duyệt nội dung của các OTT truyền hình được thực hiện qua Đạo luật Truyền thông và Đa phương tiện 1998 (CMA) và Đạo luật kiểm duyệt phim 2002; ở Philippines: hiện nay chưa có quy định cụ thể nào đối với OTT....
Ông Hùng kiến nghị cần xem xét lại định nghĩa về dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet để không áp dụng các quy định quản lý dịch vụ viễn thông với các dịch vụ OTT hoặc bỏ các dịch vụ này ra khỏi dự thảo Luật.
Dự thảo Luật vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần điều chỉnh, một số quy định chưa phù hợp với phạm vi và đối tượng điều chỉnh. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng làm phát sinh thêm những thủ tục hành chính mới cho việc cung cấp các dịch vụ, tạo nên những rào cản cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ tới người sử dụng.
“Việc phạm vi áp dụng của luật này được mở rộng đối với các cá nhân hay tổ chức nước ngoài sẽ khiến việc thực hiện nhiều qui định trong luật khó khả thi. Để phù hợp với các thông lệ phổ biến nhất trên toàn cầu và duy trì một môi trường pháp lý thuận lợi nhằm thu hút các nhà cung cấp dịch vụ số, nên giới hạn phạm vi áp dụng của Luật Viễn thông đối với các tổ chức được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam”, ông Hùng nói.
Cùng chung quan điểm với ông Hùng, Liên minh Internet Châu Á cho biết, theo kinh nghiệm thực tiễn tốt trên thế giới và để duy trì một môi trường pháp lý thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài cũng như các nhà cung cấp dịch vụ số, chỉ nên giới hạn phạm vi áp dụng của Luật Viễn thông đối với các tổ chức được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam.
Liên minh này cũng khuyến nghị cơ quan soạn thảo dự án luật cần xem xét lại các định nghĩa về dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu, và không đưa các dịch vụ này vào phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông.
Còn theo Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, việc quản lý các dịch vụ OTT, điện toán đám mây hay cơ sở dữ liệu như các dịch vụ viễn thông đang làm cho Việt Nam trở thành một trường hợp ngoại lệ khác với các thông lệ quốc tế và không phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Không một quốc gia phát triển nào trong khu vực quản lý các dịch vụ OTT, điện toán đám mây và cơ sở dữ liệu như các dịch vụ viễn thông.