Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Rào cản khiến Việt Nam khó đón nhận dòng vốn FDI chất lượng cao

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bất ổn địa chính trị toàn cầu, xu hướng khuyến khích dòng vốn FDI quay trở về nước của các nền kinh tế lớn, rào cản về thời hạn visa doanh nghiệp, giá thuê đất và cách áp dụng chính sách không đồng nhất của các chính quyền địa phương đang khiến Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư từ nước ngoài.

Năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký 27,72 tỉ đô la Mỹ đầu tư vào Việt Nam. Số dự án mới tăng lên, vốn đầu tư điều chỉnh cũng tăng so với cùng kỳ năm 2021 với mức tăng 12,2% về số vốn và 12,4% số lượt điều chỉnh trong cả năm 2022 so với cùng kỳ, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư. Đáng lưu ý, nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn như Samsung mở rộng quy mô sản xuất tại Thái Nguyên hay LEGO đầu tư nhà máy hơn 1 tỉ đô la tại Bình Dương.

Một khu công nghiệp tại Hải Dương. Ảnh: APH

Tất cả đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thành mục tiêu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gắn với phát triển bền vững được nêu tại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam những năm gần đây.

“Điểm sáng” đầu tư vẫn còn thiếu lực hấp dẫn

“Việt Nam: Ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, “Việt Nam: Điểm đến mới trong quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng” là hai trong số những cụm từ được ông Ngô Văn Giang, Phó giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, nhắc tới tại một hội thảo về kết nối ngành công nghiệp khu vực phía Bắc diễn ra tuần qua.

Theo ông Giang, những lợi thế ưu trội, gồm: quan hệ kinh tế song phương với trên 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã tham gia và ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTAs); phê chuẩn EVIPA - tạo cơ sở và nền tảng vững chắc về mặt pháp lý cho Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu… cùng vị trí địa lý là cầu nối giữa hai vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa của các quốc gia Đông Nam Á và châu Á đã giúp Việt Nam trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn FDI và có lần đầu tiên lọt vào nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI năm 2020.

Ngoài ra, Việt Nam nắm giữ vị thế dẫn đầu trong cuộc đua giành vốn FDI với các đối thủ tiềm năng như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Mexico và là một trong các trung tâm đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc thu hút FDI vào Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn do bất ổn địa – chính trị quốc tế và “rào cản” đầu tư trong nước.

Ông Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch IPA Vietnam - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến và tư vấn đầu tư, cho biết phần lớn trong số 12,45 tỉ đô la vốn đăng ký mới từ đầu năm 2022 tới 20-12-2022, tới từ hoạt động tăng vốn, góp vốn, mở rộng sản xuất với quy mô lớn của các doanh nghiệp FDI hiện hữu.

“Thực tế không hề có ‘đại bàng tới làm tổ’ hay các dự án lớn ồ ạt vào Việt Nam. Sự tăng trưởng của FDI tại Việt Nam, thời gian qua, tới từ sự tái phục hồi và mở rộng của các doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam từ lâu”, ông Nam nói.

Với năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam, gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,69 tỉ đô la trong giai đoạn từ đầu năm đến ngày 20-1-2023, giảm 19,8% so với cùng giai đoạn năm trước, theo công bố của Tổng cục Thống kê. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 1,35 tỉ đô la trong tháng 1-2023, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp FDI phát đi thông báo về việc cắt giảm quy mô lao động.

“Điều này cho thấy ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu tới việc hấp thụ nguồn vốn đầu tư của Việt Nam”, ông Nam nhận xét.

Lý giải nguyên nhân, ông Nam cho biết bối cảnh quốc tế xuất hiện nhiều diễn biến bất lợi như xung đột quân sự Nga – Ukraine đã làm suy giảm niềm tin kinh doanh và đầu tư, ảnh hưởng đáng kể tới đà phục hồi FDI toàn cầu. Đồng thời, làm gia tăng sự gián đoạn trong sản xuất và thương mại, trầm trọng thêm tình trạng lạm phát, vốn đang tăng cao trên toàn cầu do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, nhiều nền kinh tế lớn có xu hướng khuyến khích, thúc đẩy đưa sản xuất và dòng vốn FDI quay trở về nước. Điển hình là Mỹ với các chính sách như giảm thuế thu nhập từ 25% xuống 21%, cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, đưa ra các tiêu chuẩn linh hoạt hơn nhằm nâng cao tính cạnh tranh của một số ngành công nghiệp Mỹ (năng lượng, ô-tô, nhôm, thép...).

Liên minh châu Âu (EU) cũng thúc đẩy kinh tế “tự chủ chiến lược” thông qua kiểm soát nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài. Thậm chí, một số quốc gia như Đức, Italia có quy định, kiểm soát chặt chẽ hơn với FDI trong các ngành chiến lược.

Ở châu Á, Nhật Bản dành ngân sách 2,2 tỉ đô la, gồm 2 tỉ đô la để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đưa mạng lưới sản xuất từ Trung Quốc về nước, 200 triệu đô la để hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản di chuyển mạng lưới sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang nước thứ ba với một số ngành ưu tiên như thiết bị y tế, phụ tùng ô tô, điện tử.

Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng dần “tăng nhiệt” khi Indonesia đã ban hành các chính sách ưu đãi mới nhằm tiếp đón các nhà đầu tư nước ngoài, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống khoảng 22-25% vào năm 2020 và giảm tiếp xuống 20% vào năm 2022. Ngoài ra, quốc gia này dành một khu vực rộng 4.000ha để xây dựng nhiều KCN mới.

Thái Lan cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực thiết bị y tế, ưu tiên các dự án công nghệ cao với ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.

“Với bối cảnh quốc tế đã nêu, ông Nam cho rằng việc giữ chân các doanh nghiệp lớn như Samsung ở lại Việt Nam lâu dài phụ thuộc rất lớn vào các chính sách ưu đãi đầu tư, qua đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất – kinh doanh”, ông Nam kết luận.

Với bối cảnh trong nước, ông Nam cho biết nhà đầu tư nước ngoài gặp một số “rào cản”. Chẳng hạn, thời hạn visa doanh nghiệp với một số quốc gia chỉ khoảng 15-20 ngày, không đủ để nhà đầu tư khảo sát môi trường đầu tư – kinh doanh tại các địa phương.

“Nhiều nhà đầu tư bay từ nước ngoài sang khảo sát khu vực phía Bắc, lại phải quay về để xin visa, rồi tiếp tục khảo sát khu vực phía Nam. Điều này khiến họ mất rất nhiều thời gian”, ông Nam nói.

Ngoài ra, giá thuế đất KCN tăng trưởng nhanh những năm gần đây cũng ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Một thống kê của CBRE cho thấy giá thuê đất công nghiệp trung bình của các thị trường cấp 1 ở miền Bắc ở mức 120 đô la/m2/kỳ hạn vào cuối năm 2022, tăng 11% so với năm 2021.Đáng chú ý, một số KCN tại Bắc Ninh và Hưng Yên tăng đáng kể giá thuê khi công suất thuê được cải thiện dẫn đến mức tăng trưởng giá thuê thị trường cao nhất trong vòng 5 năm qua, khi mức tăng chủ yếu rơi vào khoảng 6-7%/năm.

Tại miền Nam, giá thuê đất bình quân tại thị trường cấp 1 tăng 8-13% theo năm và đạt 166 đô la/m2/kỳ hạn thuê còn lại vào cuối năm 2022, cao hơn khoảng 38% so với mức trung bình của khu vực miền Bắc.

“Một khách hàng của chúng tôi khảo sát thị trường Việt Nam rất kỹ, rồi chọn Indonesia vì quỹ đất KCN lớn và giá thuê đất tăng trưởng chậm”, ông Nam kể lại và cho biết các đơn vị xúc tiến đầu tư phải mất rất nhiều thời gian, công sức thuyết phục các nhà đầu tư, nhưng không phải lúc nào cũng thành công.

Còn Luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới, cho biết nhóm khách hàng tới từ Singapore, Đài Loan, Trung Quốc – nhóm khách hàng nói tiếng Hoa - hiện gặp không ít khó khăn do cách giải thích, áp dụng chính sách pháp luật thiếu đồng nhất giữa các địa phương.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp nước có thể dễ dàng thành lập một doanh nghiệp triể khai một dự án đầu tư trị giá 250 triệu đô la ở Hải Phòng, nhưng không thể triển khai một dự án trị giá 200.000 đô la ở Hà Nội do hồ sơ đăng ký đầu tư ‘chưa đầy đủ’.

Ngoài ra, việc giải thích, áp dụng quy định về kiểm tra – giám sát hải quan, thuế và đăng ký thành lập doanh nghiệp chế xuất cũng có sự khác biệt giữa các địa phương.

Chẳng hạn, về việc cung cấp điện cho doanh nghiệp chế xuất, Bên B (doanh nghiệp chế xuất – PV) được hưởng chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng 0% thì Bên A (đơn vị cung cấp dịch vụ) sẽ hoàn toàn ủng hộ và thực hiện theo quy định của pháp luật, nhưng với điều kiện phải có văn bản của cơ quan thuế xác nhận Bên B được hưởng ưu đãi thuế giá trị gia tăng 0% và gửi cho Bên A làm có cơ sở pháp lý xuất hóa đơn 0% quyết toán thuế với cơ quan quản lý thuế nhà nước Việt Nam

Điều này, theo Luật sư Thành, khiến không ít doanh nghiệp đặt ra câu hỏi về tính an toàn pháp lý khi đầu tư tại Việt Nam.

Thống nhất tư duy – hành động trong thu hút FDI

Để Việt Nam thực sự thành điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp lớn trong làn sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu, ông Nguyễn Đình Nam cho rằng các chính sách đầu tư cần tập trung vào việc tối đa hóa lợi ích của đầu tư nước ngoài để có thể vừa thu hút được FDI giúp phục hồi kinh tế, thúc đẩy sản xuất và nâng cao năng lực trong nước, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia, thay vì tối đa hóa lượng vốn thu hút đầu tư nước ngoài,

Ngoài ra, việc áp dụng các cơ chế sàng lọc có thể hạn chế sự hiện diện của FDI trong một quốc gia. Vì vậy chỉ nên ngăn cản dòng vốn FDI trong một số lĩnh vực nhất định, thường là các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, vị này cảnh báo việc lạm dụng ưu đãi đất đai và thuế để cạnh tranh thu hút FDI có thể khiến các nước đang phát triển rơi vào “cuộc đua xuống đáy” trong cuộc cạnh tranh.

Còn Luật sư Bùi Văn Thành đưa ra bốn nguyên tắc ứng xử với nhà đầu tư nước ngoài, gồm: quy định pháp luật rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, chỉ có một cách hiểu, áp dụng thống nhất; thủ tục đơn giản; triển khai dự án đầu tư nhanh, tận dụng ưu thế, ưu đãi đầu tư của Việt Nam; khi phát sinh tranh chấp cần có phương thức giải quyết minh bạch, nhanh chóng.

Theo ông Thành, Đài Loan - một trong 10 nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam - đã thành lập 14 hiệp hội thương gia Đài Loan ở Việt Nam và thường xuyên tổ chức họp, để thảo luận về cách ứng xử của cơ quan quản lý Nhà nước, nhà phát triển KCN, nhà thầu với nhà đầu tư.

“Chỉ một dẫn chứng về lối ứng xử chưa tốt sẽ lan truyền khắp nơi, không chỉ tới cộng đồng doanh nhân nói tiếng Hoa ở Việt Nam, mà là khắp thế giới. Ngược lại, khi các cơ quan của Việt Nam ứng xử tốt thì ‘tiếng thơm’ cũng lan truyền khắp thế giới”, ông Thành lưu ý.

Về phía nhà phát triển KCN, bà Trần Thị Huyền, Quản lý Kinh doanh cấp cao của KCN Deep C, khuyến nghị ban quản lý các KCN và đơn vị tư vấn – môi giới đầu tư cần xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ để đưa ra thông điệp chung về môi trường, điều kiện đầu tư tại Việt Nam và các khu công nghiệp, tránh tình trạng “mỗi bên nói một kiểu”. Ngoài ra, cần nắm bắt kỹ lưỡng nhu cầu của nhà đầu tư về giá thuê, vị trí địa lý, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, lao động.

“Tất cả để khi trở về, nhà đầu tư có ít nhất một bản phân tích, đánh giá tổng quan về môi trường đầu tư ở Việt Nam nói chung, một số địa phương nói riêng. Đây cũng là cơ sở để họ đưa ra đánh giá tốt hoặc không tốt về địa phương, khu công nghiệp”, bà Huyền nói.

Với riêng đơn vị tư vấn – môi giới đầu tư, bà Huyền khuyến nghị cần có những nỗ lực trong việc nắm bắt yêu cầu của nhà đầu tư và chính quyền để đưa ra những tư vấn, kết nối phù hợp để giảm thiểu thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư.

“Thông tin về việc mặt bằng khu công nghiệp đã ‘sạch’ chưa, có đầy đủ tiện ích ‘chưa’ cần được đơn vị tư vấn làm rõ, tránh để nhà đầu tư đã nhận được giấy chứng nhận nhưng vẫn phải chờ đợi mặt bằng”, bà Huyền nói.

2 BÌNH LUẬN

  1. Ở suy nghĩ nông dân tui thấy: FDI về nước mẹ cũng phải chịu mặc dù đã được nói tới từ lâu về sự chấm dứt chia sẻ “trong đàn” do CN tự động hóa, AI; về chính sách không đồng nhất giữa các địa phương thì có thể học ngay Trung Quốc và chuyện này chuyên gia đã nói từ gần 10 năm trước rồi; các vấn đề từ Visa, giá đất… nó thuộc về thể chế, CCHC và mội trường kinh doanh chúng ta hoàn toàn chủ động nếu có con người biết làm và chịu làm thực chất. Còn chuyện khó thu hút FDI chất lượng cao chúng ta phải thừa nhận không riêng ta mà có thể đa số các nước ASEAN lẫn Ấn Độ cùng các quốc gia Nam Á khác. Mặc dù chúng ta có vị trí thuận lợi nằm gần thị trường khổng lồ Đông Bắc Á, hành lang Đông Tây nhưng quy mô nền kinh tế, quy mô dân số, chất lượng phát triển còn thấp, vì vậy: thứ nhất, cần phải liên kết ASEAN với Ấn Độ, khối QUAD và AUKUS để phân công lao động hợp lý. Bởi vì chỉ có sự liên kết như vậy thì dòng chảy vào và năng lực hấp thụ mới ăn nhập được với nhau và chỉ có như vậy mới có thể có khả năng cạnh tranh với công xưởng hiện tại

  2. Ngay đại gia VN cũng chọn Mỹ… để đầu tư thì Tây làm sao đến VN? Có đến thì “mì ăn liền” tận dụng “nông nhàn”….

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới