Rào cản trong đổi mới công nghệ
Phi Tuấn
Khách tham quan thử vận hành một hệ thống máy móc trưng bày tại Hội chợ Thiết bị công nghệ TPHCM. Ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG) - Việc đầu tư cho khoa học công nghệ (KHCN) được đánh giá là một bước đi cần thiết, để nâng cao hàm lượng chất xám của sản phẩm, giá trị gia tăng và năng suất lao động. Thế nhưng đầu tư cho KHCN ở Việt Nam dường như vẫn ở tình trạng tự phát.
Đầu tư thấp, công nghệ lạc hậu
Nói với TBKTSG, Thứ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân kể trường hợp của Công ty sơn tổng hợp Hải Phòng. Nhờ ứng dụng KHCN, một lao động của công ty này có thể sản xuất ra một giá trị hàng hóa tương đương khoảng 100.000 đô la Mỹ/năm, tức khoảng gần 2 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với mức trung bình của các doanh nghiệp thông thường vốn chỉ ở mức 5.000-7.000 đô la Mỹ/năm.
Một doanh nghiệp khác, theo ông Quân, là Công ty cơ khí Quang Trung ở Ninh Bình. Vốn chỉ là một xí nghiệp cơ khí tư nhân, không nhận được đầu tư lớn của Nhà nước, doanh nghiệp này đã đi lên từ đôi chân của mình bằng các nghiên cứu về sản phẩm siêu trường siêu trọng có chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại của các nước phát triển. Chẳng hạn như hệ thống cần cẩu tải trọng lớn được sử dụng trong các công trình thủy điện lớn, kể cả thủy điện Sơn La, mà ông Quân đánh giá, nếu nhập khẩu thì giá đắt hơn nhiều lần, thời gian chậm nhiều lần và trình độ công nghệ chỉ tương đương.
Đây là hai trong số các doanh nghiệp KHCN, theo ông Quân, là những đốm sáng trong bức tranh công nghệ của Việt Nam. Những doanh nghiệp khác muốn đổi mới công nghệ lại đang gặp nhiều rào cản, trong khi khá nhiều doanh nghiệp lại đang bằng lòng với những gì mình đang có, chấp nhận làm gia công thay cho đầu tư nghiên cứu và phát triển.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, cố vấn của Bộ trưởng Bộ KHCN, nêu lên một thực trạng: hiện nay khi các trung tâm lớn đang bắt đầu chuyển về châu Á, thì điểm đầu tiên họ lựa chọn là Trung Quốc, vì nước này ngày càng chú trọng đến công tác đầu tư KHCN, mà chỉ với 300.000 doanh nghiệp KHCN, lực lượng này đóng góp đến 15% GDP.
Trong khi đó, các công ty đa quốc gia đến đầu tư ở Việt Nam thường không chuyển giao công nghệ tiên tiến; phần lớn chỉ coi đây như một công xưởng gia công, với nhân công rẻ và những điều kiện đầu tư ưu đãi.
Ông Hòa, cũng là giám đốc chất lượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn Schneider Electric, cho biết doanh thu của tập đoàn này năm 2009 là khoảng 21 tỉ đô la Mỹ và họ đã chi 4% doanh thu để đầu tư vào R&D. Trong khi đó, đầu tư cho KHCN của nhà nước Việt Nam chỉ khoảng 0,5% GDP, còn với khối tư nhân con số này chỉ khoảng 0,2% GDP. Vì vậy, tình trạng sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn điện năng, có hại cho môi trường ở phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là điều dễ hiểu.
Sở KHCN TPHCM qua hai năm thực hiện đề án đổi mới công nghệ công nghiệp sản xuất phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn TPHCM đã đánh giá trình độ công nghệ của hơn 429 doanh nghiệp, trong số đó chỉ có ba doanh nghiệp có trình độ tiên tiến, hơn 10 doanh nghiệp có trình độ khá, còn số có trình độ công nghệ kém, lạc hậu chiếm hơn một nửa.
Theo một nghiên cứu của Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Phó giám đốc sở, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu về trình độ công nghệ, dù mức tăng trưởng kinh tế vẫn khá so với khu vực.
Ông Quốc cho biết giai đoạn 1999-2007, lực lượng lao động công nghệ cao giảm từ 15% xuống còn 12%, mức vốn trong lĩnh vực công nghệ cao giảm từ 11% xuống còn 9%, dẫn đến một thực trạng là các doanh nghiệp hiện nay đang nặng về gia công và xuất khẩu thô, nên giá trị gia tăng thấp.
Ông Quốc lấy ví dụ, ngành dệt may năm 2009 xuất khẩu được khoảng 10 tỉ đô la Mỹ, thì trong đó phần nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, phụ kiện đã chiếm đến 95%. Về xuất khẩu thô, ông nói rằng có doanh nghiệp Việt kiều ở Úc mua quặng sơ chế titan của Việt Nam với giá 300 đô la Mỹ/tấn về và sản xuất được 300 ki lô gam quặng tinh chế với giá bán lúc này lên đến 300 đô la/ki lô gam, một tỷ lệ giá trị gia tăng mà Việt Nam để vuột mất chỉ vì thiếu công nghệ.
Những rào cản
Nghiên cứu của ông Quốc chỉ ra ba nút thắt cổ chai kìm hãm sự phát triển công nghệ, gồm (1) chỉ có 30% lao động qua đào tạo, năng suất lao động thấp; (2) hiệu suất sử dụng vốn thấp, đặc biệt lãng phí tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật và đô thị kém phát triển làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh; và (3) cải cách kinh tế chậm và chưa đồng bộ, kinh tế thị trường nhiều mặt còn sơ khai, tham nhũng lãng phí nghiêm trọng.
Trong khi đó, giới doanh nghiệp cho rằng vướng mắc chính là thiếu một cơ chế rõ ràng cùng với nguồn tín dụng đủ mạnh, để họ có thể ứng dụng các kết quả khoa học công nghệ trong nước lẫn ngoài nước, hay của chính doanh nghiệp mình nghiên cứu.
Ông Vũ Công Hòa, Chủ nhiệm Hợp tác xã Bao bì và Cơ khí Phương Nam, ở quận 9, TPHCM, cho biết doanh nghiệp ông chế tạo được một dây chuyền xử lý rác hiện đại và hăm hở đi chào hàng tới các địa phương khu vực phía Nam.
Nhưng trái với sự hăm hở ban đầu, ông Hòa đi đến đâu cũng nhận được cái lắc đầu từ chối, với lý do đã có nhà đầu tư đăng ký với số vốn hàng chục tỉ đồng hay hàng triệu đô la Mỹ từ trước. Điều đáng nói là các dự án đăng ký đó không hề được triển khai và các địa phương dường như cũng không lấy làm vội. Theo ông Hòa, đây là một nút thắt cơ chế cần phải được tháo gỡ.
Còn về nguồn tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, câu chuyện về một cựu thứ trưởng đi vay vốn cũng là một thực tế khiến cho các doanh nghiệp cảm thấy ngán ngẩm.
“Đi làm doanh nghiệp rồi mình mới vỡ lẽ nhiều điều mà lúc còn làm quản lý nhà nước không thể thấy được”. Tiến sĩ Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện là Phó tổng giám đốc Công ty Dược phẩm Savipharm |
Tiến sĩ Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện là Phó tổng giám đốc Công ty Dược phẩm Savipharm, gõ cửa vay vốn cho một đề tài nghiên cứu với số tiền 1,4 tỉ đồng trong thời gian hai năm từ Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ của Bộ KHCN.
Phải mất tới 18 tháng đơn của ông mới được duyệt, và hiện nay đã qua bốn tháng rồi mà tiền vẫn chưa đến tay. “Đi làm doanh nghiệp rồi mình mới vỡ lẽ nhiều điều mà lúc còn làm quản lý nhà nước không thể thấy được”, ông Truyền nói.
Tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ không được, doanh nghiệp đành phải án binh bất động, vì với lãi suất vay ngân hàng thương mại hiện nay họ không kham nổi khi mà sản xuất kinh doanh có lãi 10% đã là khó.
Theo ông Lê Hoài Quốc, một điều quan trọng nữa là các doanh nghiệp cần phải có nguồn thông tin và được tư vấn đúng về công nghệ phù hợp. Doanh nghiệp thường kiếm nguồn vay đầu tư lớn, trong khi vấn đề quan trọng hơn lại nằm ở khâu lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp mình.
Theo ông, doanh nghiệp cần tìm hiểu về thông tin công nghệ từ các cơ quan nhà nước hoặc từ các trường, viện để tìm kiếm công nghệ phù hợp với bối cảnh của thị trường trước mắt cũng như tầm nhìn 5-10 năm, dù chu kỳ cạnh tranh đổi mới công nghệ hiện nay ở các nước phát triển là khoảng từ 3-5 năm.
“Nếu lựa chọn công nghệ quá cao, quá đắt tiền thì đầu tư sẽ quá tốn kém mà hiệu quả chưa chắc đã cao,” ông Quốc lý giải với TBKTSG.
Ở góc độ tư vấn, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và Quản lý TPHCM, cho biết trong năm năm qua, hội ký được 200 hợp đồng giới thiệu khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp, một con số vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực sự từ giới doanh nghiệp.