(KTSG) - Đại dịch Covid-19 cùng với hậu quả nghiêm trọng để lại cho nền kinh tế đã dẫn đến nhiều giải pháp và đề xuất giải pháp phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Có điều, không ít trong số này mang tính hình thức mà thiếu tính thực tiễn, khả thi.
Chẳng hạn, gần đây có kiến nghị Chính phủ phải bình ổn giá xăng dầu để ổn định kinh tế vĩ mô, làm nền tảng triển khai các gói kích thích kinh tế sao cho vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa kiểm soát được lạm phát.
Cơ sở cho kiến nghị này là chuỗi quan hệ từ giá xăng dầu gia tăng dẫn đến lạm phát tăng mạnh, gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô, làm tăng lãi suất, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, đóng băng thị trường bất động sản và chứng khoán... Kiểu quan hệ dây chuyền này được cho là đã xảy ra vào thời kỳ khủng hoảng, rối ren ở Việt Nam năm 2008.
Thiếu sót trong lập luận trên là giá xăng dầu chỉ là một trong nhiều yếu tố có thể gây ra lạm phát. Ở đây xin nhấn mạnh chữ có thể. Bởi, thực tế cho thấy trong nhiều thời kỳ, ở nhiều nơi, nhiều nước trên thế giới (và thậm chí ngay ở Việt Nam), giá xăng dầu tăng vọt vì một nguyên nhân nào đó không nhất thiết dẫn đến lạm phát, nếu không muốn nói ngược lại là thiểu phát khi người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu để đối phó với áp lực giá cả gia tăng.
Trên thực tế, cần thừa nhận rằng có mối quan hệ nhân quả giữa giá dầu và lạm phát cho đến những năm 1980 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ này đã suy giảm đáng kể về mức độ khăng khít kể từ thời gian sau đó(1).
Một số lý do cho sự phai nhạt trong quan hệ giữa giá xăng dầu và lạm phát gồm, như đã nói, tác động nghịch chiều của giá xăng dầu lên mức chi tiêu của người tiêu dùng, sự điều hành hiệu quả hơn trong chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, và rổ hàng hóa và dịch vụ đo lường lạm phát ngày càng dành trọng số lớn hơn cho dịch vụ chứ không phải là cho các loại hàng hóa mà giá cả bị trói với giá dầu(2).
Riêng với Việt Nam, khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam thời kỳ từ năm 2008 chủ yếu bắt nguồn từ sai lầm trong chính sách kinh tế vĩ mô, gồm in tiền kích cầu kích cung vô tội vạ, đặc biệt là cho các “quả đấm thép” như Vinashin. Giá dầu tăng vọt trong thời kỳ này vì thế không nên bị quy là nguồn cơn của mọi bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong cùng kỳ với hậu quả kéo dài đến tận ngày nay như núi nợ xấu và sự yếu kém của nhiều ngân hàng thương mại.
Ngoài lỗ hổng trong lập luận, đề xuất bình ổn giá xăng dầu ở Việt Nam còn bất cập ở chuyện giải pháp thực thi và tính thực tiễn của chúng. Theo đó, giải pháp bình ổn xăng dầu được đề xuất gồm sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giảm một số loại thuế (tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường...), và sử dụng nguồn thu dầu thô, vốn được cho là “đang tăng lên, có thời điểm tăng đến hơn 20%” mà không làm tăng thêm gánh nặng cho ngân sách.
Về sử dụng nguồn thu tăng lên từ dầu thô, điều bất cập trước tiên với giải pháp này là tư duy kiểu “đồng này mua mắm, đồng này mua muối”. Cho dù thu từ dầu thô có tăng lên (mạnh), nhưng tiền này phải được hòa chung vào thu ngân sách và sử dụng cho các mục đích chi tiêu công (đã lên kế hoạch).
Về Quỹ bình ổn xăng dầu, vì nó không phải là được một bên/nước thứ ba nào đó cho không, mà chẳng qua chỉ là tiền túi của người tiêu dùng xăng dầu ứng ra trước, nên chừng nào còn duy trì trích lập và sử dụng quỹ này thì chừng đó người tiêu dùng còn bị tổn hại, và áp lực lạm phát từ giá xăng dầu tăng lên nền kinh tế và người tiêu dùng sẽ không hề mảy may giảm đi như đề xuất.
Kể cả khi áp dụng kiểu trích lập giảm đi, không phải là 300 đồng/lít xăng nữa, khi giá xăng dầu nhập khẩu tăng mạnh thì hành vi này cũng chỉ có tác dụng là giảm nhẹ áp lực lạm phát trong tương lai so với việc phải trích lập đủ 300 đồng/lít tại thời điểm hiện tại. Và về lâu về dài, với mục đích “bình ổn” thì quỹ này phải gia tăng trích lập mạnh hơn trong các kỳ sau để đạt quy mô “bình ổn” cần có trong tương lai, nên rốt cuộc trích lập và sử dụng quỹ này không hề có tác dụng tích cực đến ổn định giá cả.
Về việc giảm thuế, phí có liên quan đến xăng dầu, điều này đương nhiên là tốt, có lợi cho người tiêu dùng. Nhưng, ngược lại, nó đương nhiên là bất lợi cho thu ngân sách. Nói cách khác, bình ổn giá xăng dầu theo kiểu này chẳng qua chỉ là dùng nguồn lực nhà nước bù lỗ cho người tiêu dùng và nền kinh tế. Giả sử ngân sách nhà nước dồi dào, thặng dư thì... không sao, bởi đây là một kiểu bình ổn “con nhà giàu”. Tiếc là Việt Nam không phải vậy nên cắt giảm thu ngân sách đổi lấy bình ổn giá xăng dầu đồng nghĩa với hoặc là bất ổn ở một số lĩnh vực khác do thiếu kinh phí từ ngân sách, hoặc là bất ổn vĩ mô nói chung khi Ngân hàng Nhà nước phải tăng in tiền bù đắp cho bội chi ngân sách và/hoặc phải tăng vay nợ/“huy động” trong và ngoài nước.
Về sử dụng nguồn thu tăng lên từ dầu thô, điều bất cập trước tiên với giải pháp này là tư duy kiểu “đồng này mua mắm, đồng này mua muối”. Cho dù thu từ dầu thô có tăng lên (mạnh), nhưng tiền này phải được hòa chung vào thu ngân sách và sử dụng cho các mục đích chi tiêu công (đã lên kế hoạch). Nếu cứ giữ tư duy này thì trước hết cần trả lời câu hỏi, tại sao lại được/nên dùng tiền thu từ dầu thô cho việc bình ổn giá xăng dầu, mà không phải là những mục đích cấp bách khác như tăng kinh phí phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, hay hỗ trợ cho người lao động để họ yên tâm trở lại các thành phố và trung tâm công nghiệp cả nước?
Và điều quan trọng hơn là tính chính xác của ý kiến cho rằng thu nhập từ dầu thô của Việt Nam đang tăng (mạnh) lên. Nhìn từ phía cung, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) của ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên trong 10 tháng đầu năm 2021 thực tế giảm mạnh tới 13,3%, theo báo cáo gần đây của Tổng cục Thống kê. Năm 2020 cũng chứng kiến tình hình tương tự.
Còn xét về lượng và kim ngạch xuất khẩu, tính từ đầu năm đến ngày 15-10 năm nay, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy Việt Nam xuất khẩu 2,4 triệu tấn dầu thô, thu về 1,286 tỉ đô la Mỹ. Cùng kỳ năm 2020, các con số này lần lượt là 3,9 triệu tấn và 1,322 tỉ đô la Mỹ. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu dầu thô thậm chí còn cao hơn dù sản lượng xuất khẩu không bằng năm 2020 (3,2 triệu tấn và 1,640 tỉ đô la Mỹ).
Với sự tăng tiến kiểu thụt lùi mang tính xu hướng này thì đề xuất dùng nguồn thu “tăng lên” từ dầu thô để tài trợ cho việc bình ổn giá xăng dầu vừa là không chính xác, vừa là bất cập về lập luận như nói ở phần trên.
----------
(1) https://www.investopedia.com/ask/answers/06/oilpricesinflation.asp
(2) https://investingnews.com/daily/resource-investing/energy-investing/oil-and-gas-investing/oil-price-and-inflation/
Đối với nước ta, giá xăng dầu là đặc thù riêng, vì thị trường do nhà nước chi phối và quản lý giá, nên mới phát sinh nhiều vấn đề rối ren. Trong trường hợp thả nổi theo giá thị trường thì mọi thứ rắc rối có thể không còn phát sinh nhiều nữa. Kinh nghiệm đổi mới cho thấy, một khi thị trường tham gia chủ yếu vào hầu hết các mối quan hệ cung cầu quan trọng thì quản lý nhà nước sẽ bớt đi gánh nặng, do đó cơ quan quản lý sẽ tập trung vào những công việc chiến lược nhiều hơn thay vì phải loay hoay xử lý chiến thuật dài dài.
Ngoại tệ là hàng hóa đặc biệt, quan trọng hơn cả xăng dầu nhiều là cái chắc, nhưng chỉ cần chuyển đổi cơ chế thả nổi có quản lý theo “rổ thị trường tự do” là Ngân hàng Nhà nước trở nên… rảnh rang và khỏe hơn bao giờ hết. Thậm chí dự trữ ngoại tệ của ta bây giờ thuộc diện hàng đầu khu vực ! Nhớ lại trước đây suốt ngày phải xoay xở đối phó, phản ứng với thị trường, nhưng không bao giờ thị trường nhà nước chiến thắng được thị trường tự do. Tất cả là do cách nghĩ và làm khác đi thôi.
Quá nhiều loại thuế/ phí đang được chồng lên giá xăng. Như vậy giá xăng cơ bản thì thấp nhưng giá thị trường thì cao ngất ngưởng. Điều này tác động rất nhiều đến mặt bằng giá cả, dẫn đến chi phí đẩy tăng cao. Cần phải thay đổi cách điều hành giá xăng sớm.