Thứ ba, 11/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Rộn ràng mùa “phim bánh mứt”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rộn ràng mùa “phim bánh mứt”

Bùi Dũng

Rộn ràng mùa “phim bánh mứt”
Hình ảnh các cô dâu đại chiến 2, bộ phim được đầu tư lớn nhất của mùa phim Tết 2014. Ảnh: Galaxy Studio.

(TBKTSG) - Chưa năm nào số lượng phim Việt đồng loạt ra rạp vào dịp Tết Nguyên đán nhiều như năm nay. Sau bao mùa “phim bánh mứt”, đến nay, liệu các nhà sản xuất đã tìm ra công thức thu lời?

Nhiều người làm phim hiện đang coi Tết đến xuân về là dịp để “làm ăn”. Đa số các phim chiếu rạp trong dịp này nên được gọi là sản phẩm kinh doanh hơn là tác phẩm nghệ thuật, bởi cũng như món bánh mứt, hết Tết là hết phim. Loạt phim năm nay cũng vậy, có tổng cộng sáu đầu phim đua tranh khán giả vừa mới đổ bộ ra rạp, đa phần là phim hài.

Gây chú ý nhất là Cô dâu đại chiến 2. Sản phẩm mới nhất của Victor Vũ khiến khán giả yên tâm hơn về chất lượng sau khi đạo diễn này liên tiếp có nhiều phim khá tốt như Thiên mệnh anh hùng, Scandal - Bí mật thảm đỏ... Kể từ Nụ hôn thần chết và Giải cứu thần chết của đạo Nguyễn Quang Dũng, đến nay điện ảnh Việt Nam mới có thêm bộ phim có phần tiếp theo. Với kinh phí sản xuất chưa tới 6 tỉ đồng, phần đầu bộ phim đã mang về cho nhà sản xuất BHD trên 37 tỉ đồng doanh thu bán vé. Dẫu vậy, Cô dâu đại chiến 2 vẫn đổi nhà sản xuất từ BHD sang Galaxy, thể hiện kỳ vọng đạt mức doanh thu cao hơn. Xem phim sẽ thấy nhà làm phim đã cố gắng tiết giảm chi phí, từ cảnh quay, hiệu ứng đến làm hậu kỳ... Tính cả chi phí tiếp thị, ước tính, vốn đầu tư cho phần tiếp sau không hơn phần đầu, cho dù đã tính cả tiền cát xê cho đạo diễn thuộc hàng cao nhất Việt Nam, vào khoảng 30.000 đô la Mỹ.

Không được quảng cáo rầm rộ như Cô dâu đại chiến 2 nhưng Cuộc chiến với chằn tinh lại là bộ phim mang màu sắc hoàn toàn mới trong mùa này. Dựa theo câu chuyện cổ tích chàng tiều phu Thạch Sanh phải đối mặt với Lý Thông và ác thú, qua góc nhìn của những người làm phim trẻ bộ phim không chỉ có tính thần thoại mà còn gửi đi thông điệp về tình người, sự thủy chung, lòng nhân ái và tinh thần thượng võ, khí khái của người anh hùng Việt Nam xưa.

Tuy nhiên, để phim thu hút khán giả trẻ vốn đã quen với những bộ phim thần thoại, kỳ ảo của Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... là một thách thức cho nhà sản xuất. Cho dù những trận chiến của Thạch Sanh cùng đội quân hùng mạnh dưới thời vua Hùng Vương thứ 9, các con vật như voi 9 ngà và khung cảnh văn hóa thời Âu Lạc... trở nên sinh động hơn qua sự hỗ trợ của của công nghệ 3D nhưng yếu tố này cũng không còn “lạ” để hút khách. Điều này một phần là do dự án phim kéo dài quá lâu, tới thời điểm ra rạp đã là ba năm. Sau sự ra đi đột ngột ở tuổi 37 vì đột quỵ của đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu, tác phẩm đã bị “treo” một thời gian. Việc bộ phim có mặt tại rạp chiếu trong dịp Tết này là nhờ nỗ lực của nhà sản xuất Golden Eyes Movie và cũng vì nhà phát hành CGV (tên mới của Megastar) cần tăng tỷ lệ phim Việt theo quy định phải có ít nhất 20%/ tổng số phim chiếu rạp.

Làm phong phú cho món “lẩu phim Tết” năm nay còn có Sài Gòn du ký, bộ phim được coi như Tây du ký phiên bản Việt rút gọn với đủ các nhân vật như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng... và cả Thanh Xà - Bạch Xà. Ca sĩ Phương Thanh, sau các vai lao công, thầy bói, gái điếm nay được đạo diễn Nhất Trung mời sắm vai Hằng Nga xinh đẹp như một cách để gây tò mò cho khán giả. Với bối cảnh thành phố Sài Gòn kiểu “tân cổ giao duyên”, các nhân vật phải đương đầu với nhiều thử thách, chống lại các thế lực đen tối, để qua đó tìm kiếm bản thân. Tuy ngân sách thực hiện phim này không cao, ước tính không quá 2 tỉ đồng, nhưng nhà sản xuất đã lên kế hoạch “tận thu” với cả phiên bản chiếu rạp và lên truyền hình.

Nếu các phim kể trên cố gắng tìm kiếm điểm khác lạ nào đó thì ba phim Việt còn lại vẫn không xa rời “công thức phim Tết” đã trở nên sáo mòn, đó là kết hợp chọc cười bằng tấu hài, điệu bộ kèm theo đôi ba thông điệp mang tính răn dạy nhẹ nhàng. Giống mùa Tết trước với phim Nhà có năm nàng tiên, năm nay, danh hài Hoài Linh tiếp tục được đạo diễn Ngọc Giàu mời thủ vai chính trong Năm sau con lại về kèm theo ghi chú “độc quyền”.

Được chuyển thể từ vở kịch Đón con về của sân khấu kịch TPHCM, bộ phim xoay quanh câu chuyện đôi vợ chồng già phải “dựng cảnh” giàu sang để đón con trai du học về nước. Những người hàng xóm ra sức giúp đỡ ông bà Lương, từ đó nảy sinh những tình huống dở khóc dở cười, nhất là khi xuất hiện cô con dâu “từ trên trời rơi xuống”. Nhiều diễn viên nổi tiếng tham gia, và đây tiếp tục sẽ là sản phẩm “mua vui cũng được một vài trống canh”. Cũng mang hình thức của những “phim bánh mứt” điển hình cùng có mặt Tết này là Hai lúa (đạo diễn Lê Quang Hưng) và Cưới chạy (đạo diễn Đỗ Mai Nhất Tuấn). Lặp lại công thức mời các ngôi sao hài và những gương mặt “hot” tham gia để lôi kéo khán giả.

Chưa có kết quả lời - lỗ, nhưng trong bối cảnh nhiều khán giả đến rạp xem phim nhờ có những ngày nghỉ dài, thấy phim nào “coi có vẻ vui” và “không đến nỗi nhảm” sẽ bỏ tiền mua vé, thì những bộ phim trong mùa Tết này vẫn còn hy vọng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới