(KTSG Online) - Việc nới "room" tín dụng được các chuyên giá đánh giá là tác động tích cực giúp tháo gỡ khó khăn về thanh khoản trong ngắn hạn. Tuy nhiên, khả năng cung ứng dòng tiền đến đâu, địa chỉ điểm đến có chính xác hay không vẫn còn là những câu hỏi mở, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đến từ việc tăng lãi suất vẫn chưa dừng lại.
Nới room - giải pháp trước mắt gỡ khó cho thanh khoản
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa nới room tín dụng thêm 1,5-2% vào cuối năm. Tỷ lệ phân bổ cụ thể không được công bố, nhưng cơ quan quản lý nói rằng sẽ ưu tiên cho các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn và lãi suất thấp hơn.
Theo thông tin từ các nhà phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect, mức nới room này ước tính quy mô tín dụng sẽ tăng thêm khoảng 150-200.000 tỉ đồng. Còn nếu tính tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 sẽ vào khoảng hơn 400.000 tỉ đồng, theo ước tính của Công ty chứng khoán SSI.
Theo đánh giá của một Phó tổng giám đốc Ngân hàng trụ sở ở TPHCM, thực tế cho thấy từ cuối quí 3, các ngân hàng đã phải hoạt động trong bối cảnh gần như đã cạn room tín dụng và phải “ngóng” hạn mức mới, trong khi sức cầu của nền kinh tế cho đến nay vẫn còn rất lớn, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm.
Thông thường, NHNN cấp 3 đợt hạn mức tín dụng, trong 6 tháng đầu năm, vào tháng 7 và tháng 12 cuối năm. Không ít trường hợp gần hết năm ngân hàng mới được công bố room tín dụng.
Trong năm nay, cơ quan quản lý thận trọng hơn nhiều trong việc kiểm soát dòng tiền nhà băng để kiểm soát tỷ giá. Đồng thời, thanh khoản thị trường ngân hàng trong thời gian qua cũng gặp khó vì chính sách hút tiền để chống lạm phát.
Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Đại học UEH, bình luận việc NHNN nới room vào thời điểm nay là phù hợp, khi đặt trong bối cảnh áp lực tỷ giá lúc này đã giảm bớt, trong khi tỷ giá là “chốt chặn” cuối cùng của lạm phát.
“Mặc dù tỷ lệ nới không cao nhưng cũng giúp ích cho doanh nghiệp nhiều, giúp giải quyết vấn đề thanh khoản cho cả hệ thống ngân hàng nói chung và doanh nghiệp nói riêng, trong khi room tín dụng mới vào đầu năm sau", ông Huân nói.
Đánh giá tương tự, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích, Công ty chứng khoán VNDirect, cho rằng bối cảnh hiện nay, lạm phát trong nước và trên thế giới phần nào đã được kiểm soát, các nền kinh tế lớn cũng đưa ra những thông điệp sẽ giảm đà tăng lãi suất điều hành trong thời gian tới.
“Việc NHNN đưa ra quyết định tăng hạn mức tín dụng là phù hợp và kịp thời, nhằm xoa dịu căng thẳng thanh khoản tại thị trường vốn, trong bối cảnh nhu cầu vốn của các doanh nghiệp đang rất cấp bách”, bà Hiền nói.
Theo đại diện VNDirect, việc nới room được xem là tín hiệu tích cực cho toàn bộ ngành nghề nói chung, cũng như thị trường bất động sản nói riêng, trong bối cảnh nền kinh tế đang ở tình trạng nghẽn dòng tiền và những nút thắt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, một kênh dẫn vốn quan trọng, vẫn chưa được giải quyết.
Áp lực chưa có biểu hiện dừng lại
Trước khi NHNN công bố tăng hạn mức tín dụng, trên thực tế một vài ngân hàng bất ngờ công bố giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ thị trường. Mức giảm lãi suất từ 0,5%/năm – 3,5%/năm đối với khoản vay bằng tiền đồng và dành cho một số khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện hữu. Thời gian triển khai chính sách từ tháng 11 cho đến hết năm 2022, hoặc có thể kéo dài đến Tết âm lịch.
Tuy nhiên, các động thái này không phản ánh xu hướng chung của thị trường, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống vẫn còn gặp nhiều áp lực. “Việc nới room tín dụng không đồng nghĩa với hạ lãi suất’, ông Huân nhấn mạnh.
Ngược lại, áp lực tăng lãi suất điều hành vẫn còn hiện hữu, trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong cuộc họp vào giữa tuần sau.
Theo đại diện VNDirect, thanh khoản trên hệ thống vẫn chưa được cải thiện nhiều trong bối cảnh sự chênh lệch giữa cho vay và huy động đang ở mức cao. Tăng trưởng cung tiền đạt 7,4% so với cùng kỳ, trong khi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 17%, tính đến số liệu cuối quí 3-2022. Bên cạnh đó, tỷ lệ LDR tại các ngân hàng thương mại vẫn ở mức khá cao, thậm chí tỷ lệ này ở một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng quy định.
“Áp lực cân đối vốn từ phía ngân hàng vẫn còn rất lớn, dù lãi suất huy động đã tăng đáng kể trong thời gian qua”, bà Hiền, VNDirect nhận định.
Theo khối phân tích của Công ty chứng khoán SSI, dư địa để các ngân hàng thương mại cấp tín dụng tại thời điểm hiện tại là có, nhưng còn phụ thuộc nhiều vào các tiêu chí giải ngân cho vay có được nới ra không. "Việc nới trần tín dụng phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, thay vì dành cho các khoản vay mới", báo cáo của SSI nhận định.
Còn vị Phó tổng giám đốc ngân hàng trên, cũng lưu ý đến câu chuyện thanh khoản của ngân hàng vẫn đang gặp nhiều áp lực cuối năm. Các nhà băng từ đầu tháng 9 đến nay đối phó với việc dòng tiền "xoay vòng" quanh hệ thống ngân hàng khi lãi suất tiết kiệm tăng cao, cộng thêm việc các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh có xu hướng rút khoản tiền gửi không kỳ hạn để chi tiêu vào cuối năm.
Trong bài phát biểu gần đây, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cũng nhận định rằng các tổ chức tín dụng đẩy nhanh cho vay từ đầu năm, trong khi huy động vốn tăng chậm đã khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản. Trong thời gian qua, NHNN đã hai lần liên tiếp nâng lãi suất điều hành để giúp tổ chức tín dụng thu hút thêm nguồn vốn, từ đó có thể đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp.
Chính sách mới này của NHNN được đánh giá là phù hợp nhưng khả năng cung ứng dòng tiền đến đâu, địa chỉ đến có chính xác hay không và mối lo dẫn đến lạm phát vẫn còn là những câu hỏi mở.
Còn trong dài hạn, theo bà Hiền, việc triển khai các chính sách nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn của trái phiếu doanh nghiệp là một yếu tố đáng chờ đợi, vì đây là một kênh dẫn vốn dài hạn quan trọng bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. “Điều này sẽ giúp giải quyết vấn đề căng thẳng thanh khoản của nền kinh tế và theo đó áp lực thanh khoản lên hệ thống ngân hàng cũng sẽ được giải tỏa”, bà Hiền, VNDirect, cho biết.
Room có bổ sung thêm, nhưng khách hàng không hấp thụ được vốn, hoặc ngân hàng không đủ điều kiện giải ngân, cũng không có tác dụng. Lãi suất phải bám theo chỉ số lạm phát, hầu hết các nước là vậy. Ta thì ngược lại, lãi suất đã vượt mặt lạm phát quá xa. Vì vậy, cần áp dụng giải pháp hỗ trợ lãi suất thông thoáng hơn để nhanh chóng giải phóng gấp gói 40 ngàn tỷ.