Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Rủi ro cho các phán quyết của trọng tài thương mại

LS. Nguyễn Văn Phúc - LS. Nguyễn Nhật Dương(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại là một phương thức phù hợp với thực tiễn thương mại quốc tế, khá nhanh chóng và hiệu quả. Nhưng không phải mọi trường hợp đều suôn sẻ, đặc biệt là khi có sự tham gia của tòa án ở những thời điểm quan trọng nhất.

Giải quyết tranh chấp bằng cách sử dụng trọng tài thương mại là một phương thức phù hợp với thực tiễn thương mại quốc tế. Ưu điểm của phương thức này là vụ việc sẽ được giải quyết nhanh chóng với sự chuyên nghiệp và năng lực của các trọng tài viên được chuyên môn hóa theo từng vụ việc cụ thể. Tuy vậy, điểm hạn chế lại đến từ sự tham gia của tòa án ở những thời điểm quan trọng nhất.

Theo đó, đối với phán quyết của trọng tài trong nước, tòa án có quyền xem xét để hủy phán quyết nếu một trong các bên có đơn yêu cầu (thường là bị đơn). Đối với phán quyết của trọng tài nước ngoài, người thi hành phải yêu cầu tòa án tại Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết đó tại Việt Nam, và tòa án có quyền không công nhận phán quyết nếu thuộc các trường hợp quy định của luật. Bài viết này sẽ đề cập một số lý do tiêu biểu mà tòa án tại Việt Nam đã sử dụng gần đây.

Khi bên phải thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài có bất động sản tại Việt Nam

Theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, vụ án có liên quan đến quyền đối với bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của tòa án Việt Nam (có thể hiểu là không được giải quyết tại các trung tâm trọng tài nước ngoài). Nhưng để xác định thế nào là vụ án có liên quan đến quyền đối với bất động sản tại Việt Nam thì hiện chưa có quy định nào giải thích rõ ràng. Nếu dựa hoàn toàn vào câu chữ của quy định này, có thể hiểu vụ án đó có đối tượng tranh chấp là quyền sở hữu/quyền sử dụng bất động sản hoặc các quyền khác liên quan trực tiếp đến bất động sản.

Tuy nhiên, trong Bản án 09/2023/HS-PT (1) ngày 17-1-2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, theo đó Tòa không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài đối với vụ tranh chấp giữa Global Payment Service (GPS), UTC Investment Co., Ltd, và Công ty cổ phần truyền thông VMG, Hội đồng xét xử cho rằng đây là vụ tranh chấp không được giải quyết theo thể thức trọng tài, chiếu theo pháp luật Việt Nam.

Cơ sở cho lập luận này dựa trên nhận định: nếu công nhận và cho thi hành phán quyết này tại Việt Nam thì trong quá trình thi hành phán quyết sẽ phải thi hành các tài sản là động sản và bất động sản của VMG tại Việt Nam, mà theo điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự thì chỉ có tòa án Việt Nam mới có thẩm quyền giải quyết việc liên quan đến quyền đối với bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo quan điểm của chúng tôi, lập luận này của Hội đồng xét xử chưa hoàn toàn thuyết phục. Bởi lẽ phát sinh tranh chấp trong vụ này là về quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán cổ phần giữa các bên tại Công ty cổ phần thanh toán điện tử VNPT, cụ thể là các cam đoan và bảo đảm của VMG, chứ các bên hoàn toàn không có bất kỳ tranh chấp nào về quyền đối với tài sản là bất động sản của VMG tại Việt Nam.

Tranh chấp đã được giải quyết bởi một phán quyết trọng tài, nếu trong giai đoạn thi hành án cần phải xử lý các bất động sản của bên bị thi hành án thì cũng không thể xem các bất động sản ấy là tài sản tranh chấp liên quan đến vụ án đã được giải quyết.

Cũng cần nói thêm, lập luận này có thể tạo nên một tiền lệ nguy hiểm trong việc công nhận và cho thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Bởi lẽ một khi bên bị thi hành án chỉ cần sở hữu bất kỳ một bất động sản nào tại Việt Nam thì cũng đủ khiến cho phán quyết của trọng tài nước ngoài gần như không có khả năng được công nhận và cho thi hành. Lúc đó, phương thức giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài nước ngoài gần như không còn giá trị đối với các bên.

Phán quyết của trọng tài trong nước trái với các nguyên tắc của pháp luật Việt Nam

Gần đây nhất, Quyết định 12/2023/QĐ-PQTT(2) ngày 4-7-2023 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã chấp nhận yêu cầu của Công ty cổ phần nước AO và ông Đỗ Tất T. về việc đề nghị hủy phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 79/21 ngày 16-12-2022 của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). Vụ tranh chấp giữa Công ty AO, ông T. và WP Pte (WP) đã được giải quyết bởi VIAC.

Tuy nhiên, Hội đồng xét đơn của tòa án cho rằng Hội đồng trọng tài đã ban hành phán quyết trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, cụ thể là nguyên tắc trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật (khoản 2 điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010).

Có hai lý do xuyên suốt mà Hội đồng xét đơn dùng để đưa ra lập luận trên: (i) Hội đồng trọng tài đã sử dụng tài liệu được WP giao nộp khi chưa được hợp pháp hóa lãnh sự, và (ii) Hội đồng trọng tài không chấp thuận yêu cầu giám định chữ ký của công ty AO và ông T. đối với tài liệu được WP cung cấp. Theo quan điểm của chúng tôi, cả hai lý do này đều chưa thuyết phục.

Thứ nhất, Luật Trọng tài thương mại 2010 không có bất kỳ quy định nào yêu cầu tài liệu từ nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng tại Việt Nam. Đồng thời, phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Luật Trọng tài thương mại 2010 hoàn toàn độc lập với nhau: trong khi Bộ luật Tố tụng dân sự điều chỉnh hoạt động tố tụng tại tòa án thì Luật Trọng tài thương mại điều chỉnh hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài.

Ngay cả các quy định về việc hủy phán quyết trọng tài cũng được bố trí trong Luật Trọng tài thương mại (thay vì Bộ luật Tố tụng dân sự) thì có thể hiểu rằng việc hủy phán quyết trọng tài cũng chỉ là một giai đoạn trong hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, và tòa án khi hủy phán quyết trọng tài phải căn cứ vào pháp luật điều chỉnh trực tiếp hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, mà cụ thể là Luật Trọng tài thương mại. Việc Hội đồng xét đơn căn cứ quy định tại điều 478 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để yêu cầu các tài liệu phải được hợp pháp hóa lãnh sự giống như tại tòa án liệu có thuyết phục?

Ngoài ra, nếu căn cứ khoản 2 điều 4 và khoản 4 điều 9 Nghị định 111/2011/NĐ-CP như viện dẫn của Hội đồng xét đơn thì việc yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự cũng không cần thiết, bởi chính Hội đồng trọng tài là cơ quan tiếp nhận tài liệu của Việt Nam đã không yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự, và điều này hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam, ở đây là Luật Trọng tài thương mại.

Thứ hai là về việc Hội đồng xét đơn cho rằng Hội đồng trọng tài đã không khách quan khi không chấp thuận yêu cầu giám định chữ ký của Công ty AO và ông T đối với tài liệu được WP cung cấp. Theo chúng tôi, lập luận này chưa cho thấy sự phù hợp trong bối cảnh vụ án. Bởi theo nội dung của Quyết định 12/2023/QĐ-PQTT đề cập ở trên, WP đã được chính chủ nhân của chữ ký trên tài liệu liên quan xác nhận chữ ký của mình, đồng thời, người này còn trực tiếp ký văn bản trước công chứng viên và tuyên thệ đó là chữ ký của mình.

WP cũng có ý kiến của luật sư chuyên nghiệp của Singapore và được họ khẳng định chữ ký trên tài liệu là thật và có hiệu lực pháp lý. Với những căn cứ như vậy, không có cơ sở phù hợp để Hội đồng xét đơn cho rằng chữ ký trên tài liệu là giả mạo, để từ đó cho rằng Hội đồng trọng tài hành động thiếu khách quan.

Tóm lại, các căn cứ và lý giải mà Hội đồng xét đơn đưa ra để chứng minh Hội đồng trọng tài không độc lập, khách quan, vô tư và không tuân theo quy định của pháp luật, từ đó ban hành phán quyết trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, theo chúng tôi là không có cơ sở và chưa thật sự hợp lý.

Tuy nhiên, tách bạch khỏi vụ án này, ở một góc độ khác, có thể thấy quy định tại khoản 2 điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 là rất rộng và không rõ ràng. Ngoài các yếu tố rất khó xác định là “độc lập, khách quan, vô tư” thì việc “tuân theo quy định của pháp luật” cũng là một phạm trù rất rộng. Bởi theo quy định này thì nếu trọng tài không tuân theo bất kỳ một quy định nào nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật, bất kể đó là luật, nghị định, thông tư, hay thậm chí chỉ là quyết định của ủy ban nhân dân cấp xã, thì cũng có thể bị xem là trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Đây thật sự là một rủi ro cho các phán quyết của trọng tài.

Hai vụ việc mà chúng tôi trích dẫn trên đây chỉ là số ít trong nhiều vụ việc mà phán quyết của trọng tài có thể bị hủy hoặc không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam với những lý do chưa thật sự thuyết phục các doanh nghiệp có liên quan và cả giới hành nghề luật. Đây là rào cản rất lớn cho sự phát triển của trọng tài thương mại tại Việt Nam cũng như việc lựa chọn áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại của các bên, đồng thời, có thể tạo ra những tiền lệ xấu khi áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp này.

1. Vụ tranh chấp thứ nhất

Nguyên đơn là GLOBAL PAYMENT SE và UTC INVESTMENT CO., LTD và bị đơn là Công ty cổ phần truyền thông VMG, liên quan đến hợp đồng mua bán cổ phần giữa các bên tại Công ty cổ phần thanh toán điện tử VNPT đã được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore theo phán quyết được ban hành ngày 21-10-2021.

Theo đó, bị đơn phải thi hành phán quyết với tổng số tiền thanh toán cho nguyên đơn hơn 517 tỉ đồng. Nguyên đơn sau đó đã nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết tại Tòa án Việt Nam, tuy nhiên, ngày 30-6-2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã có Quyết định không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam đối với phán quyết này với một trong số các lý do là vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài nước ngoài.

Tiếp đó, Nguyên đơn kháng cáo đối với Quyết định của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và vào ngày 17-1-2023, Tòa án nhân dân Cấp cao tại thành phố Hà Nội đã ban hành Bản án 09/2023/HS-PT không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên quyết định sơ thẩm.

2. Vụ tranh chấp thứ hai

Nguyên đơn là WP PTE và bị đơn là Công ty cổ phần Nước AO và Ông Đỗ Tất T, liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa các bên tại Công ty cổ phần mặt nước SĐ đã được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam theo Phán quyết được ban hành ngày 16-12-2022.

Theo đó, bị đơn phải thi hành phán quyết theo như yêu cầu từ nguyên đơn. Bị đơn sau đó đã nộp đơn yêu cầu hủy Phán quyết Trọng tài với một trong số các lý do là Phán quyết Trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, cụ thể, Hội đồng Trọng tài đã không khách quan khi giải quyết tranh chấp. Vào ngày 4-7-2023, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 12/2023/QĐ-PQTT hủy Phán quyết Trọng tài nêu trên, tương ứng với các lý do mà bị đơn đã trình bày.

 

(*) Công Ty Luật TNHH HM&P

(1) https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1176341t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 10-8-2023.

(2) https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1225914t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 10-8-2023.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới