Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Rủi ro suy thoái kinh tế của Mỹ đang tăng lên mức đáng lo ngại

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -  Các nhà kinh tế dự báo xác suất Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới tăng lên mức 28% khi Cục Dự trự liên bang Mỹ (Fed) siết chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.

Lạm phát cao, doanh nghiệp Mỹ mạnh tay tăng lương

Lạm phát của Mỹ tăng mạnh nhất trong 40 năm

Các nhà kinh tế được The Wall Street Journal khảo sát trong tháng này nhận định xác suất nền kinh tế lớn nhất sẽ suy thoái trong vòng 12 tháng tới là 28%, tăng từ mức 18% hồi tháng 1-2022 và chỉ 13% vào một năm trước. Ảnh: Fox News

Rủi ro suy thoái tăng do các cú sốc nguồn cung

Các nhà kinh tế được The Wall Street Journal khảo sát trong tháng này nhận định xác suất nền kinh tế lớn nhất suy thoái trong vòng 12 tháng tới là 28% (mức trung bình dự báo của họ), tăng từ mức 18% hồi tháng 1-2022 và chỉ 13% vào một năm trước. Họ cũng hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay khi nhận định GDP của Mỹ sau khi điều chỉnh lạm phát trong quý 4-2022 sẽ tăng 2,6% so với quý 4-2021, giảm 1 điểm phần trăm so với mức dự báo của họ cách đây sáu tháng.

Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại Công ty tư vấn RSM US, nói: “Nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái đang gia tăng do một loạt cú sốc về nguồn cung gây ra tác động khắp nền kinh tế khi Fed nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát”.

Nguy cơ suy thoái tiềm ẩn cùng với lạm phát cao ở mức báo động, đạt 7,9% vào tháng 2, đã khiến Fed phải nỗ lực cân bằng bằng cách hạ nhiệt nền kinh tế để giảm lạm phát, nhưng không hành động quá mức, có thể khiến tiêu dùng suy giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng.

Xác suất suy thoái theo dự báo của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát mới nhất của The Wall Street Journal thấp hơn một chút so với mức xác suất suy thoái cao nhất trong chu kỳ tăng trưởng là 34,8% vào tháng 9 -2019. Lúc ấy, tăng trưởng của Mỹ  đã chậm lại do Fed tăng lãi suất vào năm 2018 và tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nhiều tháng trước đó, Fed đã bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ năm 2008. Vẫn không thể biết được, nếu không có đại dịch Covid-19 thì liệu suy thoái có xảy ra sau đó hay không.

Xác suất kinh tế Mỹ suy thoái theo dự báo của các nhà kinh tế đạt cùng mức vào tháng 8-2007, sau đó, suy thoái đã thực sự xảy ra tiếp theo. Nhưng khi đạt mức xác suất suy thoái tương tự vào tháng 8-2011, kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng.

Tháng trước, Fed nâng lãi suất cơ bản lên 0,25 điểm phần trăm và lên kế hoạch cho sáu đợt tăng lãi suất nữa trong những tháng còn lại của năm nay, tốc độ tăng mạnh mẽ nhất trong hơn 15 năm. Khoảng 84% nhà kinh tế được khảo sát cho biết họ kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào đầu tháng 5. Hơn 57% nhà kinh tế dự báo Fed sẽ thực hiện ít nhất thêm 2 đợt tăng lãi suất ở mức như vậy trong năm nay.

Họ nhận định Fed sẽ đưa mức lãi suất lên 2,125% vào cuối năm 2022 và sau đó là 2,875% vào tháng 12-2023.

Nhưng họ cho rằng lạm phát vẫn ở mức cao dai dẳng, trung bình ở mức 7,5% trong tháng 6-2022 và dần giảm xuống còn 5,5% vào cuối năm. Họ ước tính lạm phát sẽ giảm về còn 2,9% vào cuối năm 2023, gần sát với mức mục tiêu 2% của Fed.

Lạm phát cao vẫn là rủi ro kinh tế chính vì làm xói mòn sức chi tiêu và niềm tin của người tiêu dùng, khiến Fed thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.

Trong báo cáo gửi khách hàng hôm 7-4, các nhà phân tích của Ngân hàng Bank of America cảnh báo “lạm phát luôn diễn ra trước các cơn suy thoái” và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nữa để kiểm soát đà tăng giá cả có thể gây ra cú sốc suy thoái.

Các mối đe dọa với lạm phát: hàng hóa đắt đỏ, chiến sự Ukraine, vòng xoáy tiền lương - giá cả

Các nhà kinh tế vẫn bất đồng về nguồn rủi ro lạm phát lớn nhất. 1/3 số nhà kinh tế được khảo sát cho rằng giá cả hàng hóa nguyên liệu, lương thực và khí đốt là rủi ro lớn nhất. Trong khi đó, 15% nhà kinh tế chỉ ra rằng đó là chiến sự ở Ukraine.

Amy Crews Cutts, nhà kinh tế trưởng của Công ty AC Cutts & Associates LLC, nhận định lạm phát cao hơn, dai dẳng hơn phần lớn là do giá cả hàng hóa tăng mạnh hơn do tác động từ cuộc chiến tranh ở Ukraine. Bà cho rằng chính sách tiền tệ của Fed có rất ít tác động đến giá cả hàng hóa.

Bà nhận định xác suất kinh tế Mỹ suy thoái trong 12 tháng tới lên đến 70%. Bà nói: “Các hành động của Fed nhằm kiểm soát lạm phát sẽ dẫn đến suy thoái không sớm thì muộn”.

27% nhà kinh tế cho rằng tăng trưởng lương và thị trường lao động thắt chặt là mối đe dọa lớn nhất đối với lạm phát.

Philip Marey, nhà chiến lược cao cấp của Ngân hàng Rabobank, nói: “Cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ gây ra một cú hích nữa đối với lạm phát trong ngắn hạn, nhưng vòng xoáy tiền lương- giá cả (thuật ngữ kinh tế mô tả hiện tượng tăng giá do mức lương cao hơn), bắt đầu trở thành mối đe dọa lâu dài hơn đối với sự ổn định giá cả”.

Trong vòng xoáy đó, người lao động nhận được mức lương cao hơn để theo kịp với giá cả đang tăng, nhưng rồi sau đó, các mức lương cao hơn sẽ thúc đẩy các công ty tăng giá bán hàng hóa và dịch vụ cao hơn nữa.

Robert Fry, nhà kinh tế trưởng ở Công ty tư vấn và dự báo kinh tế Robert Fry Economics, cho rằng xác suất kinh tế Mỹ suy thoái trong 12 tháng tới chỉ ở mức 15%, nhưng nâng mức xác suất này lên hơn 50% trong vòng 24 tháng tới. Ông dự báo suy thoái sẽ kéo dài trong 3 quý bắt đầu từ quý cuối cùng của năm 2023.

Ông nói: “Vấn đề thực sự là tình trạng dư thừa nhu cầu do các chính sách tài khóa và tiền tệ mà Mỹ triển khai vào năm ngoái. Fed càng mất nhiều thời gian để kiểm soát lạm phát thì cơn suy thoái sẽ càng sâu”.

Dù ghi nhận rủi ro suy thoái tăng cao, đa số các nhà kinh tế, khoảng 63% trong cuộc khảo sát, vẫn tin tưởng Fed có hể kiểm soát lạm phát mà không kích hoạt một đợt suy thoái, điều mà họ gọi là “hạ cánh mềm”. Nhiều nhà kinh tế nhận định nền kinh tế Mỹ đang ở vị thế tốt để chống chọi tác động của chu kỳ thắt chặt tiền tề nhờ tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp sát kỷ lục, thu nhập của người lao động tăng ổn định.

Leo Feler, nhà kinh tế cấp cao tại Trường Quản lý Anderson thuộc Đại học California ở Los Angeles, cho biết: “Vẫn còn rất nhiều nhu cầu bị dồn nén và xung lực trong nền kinh tế Mỹ. Các mức lãi suất cao hơn sẽ làm giảm tăng trưởng từ mức 4-5% xuống còn khoảng 2-3% trong năm nay. Vì vậy, chúng ta sẽ thấy tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng kể, nhưng suy thoái dường như khó xảy ra vào thời điểm này”.

Theo Wall Street Journal

Theo kết quả của cuộc khảo sát với hơn 100 nhà kinh tế, do Reuters thực hiện từ ngày 4 đến 8-4, 25% trong số họ tin rằng Mỹ sẽ trrải qua suy thoái ngay trong năm nay. Họ cũng cho rằng xác suất suy thoái của Mỹ tăng lên mức 40% trong 24 tháng tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới