(KTSG) - Trong môi trường lãi suất tăng, không chỉ các doanh nghiệp phải đối diện với chi phí tài chính gia tăng, hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ chậm lại và đối mặt với thách thức thu hẹp hoạt động kinh doanh rồi nguy cơ phá sản, mà ngay cả các ngân hàng vốn chỉ là những chủ thể trung gian giữa người gửi tiền và người vay tiền, cũng có thể gặp phải những rủi ro khó lường nhất.
- NHNN thanh tra 11 ngân hàng thương mại về đầu tư trái phiếu
- Xoay xở ra sao khi ngân hàng e ngại với thị trường trái phiếu?
Rủi ro của ngân hàng
Sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) tại Mỹ mới đây, sau đó là Ngân hàng Signature và Silvergate, đã làm rúng động thị trường tài chính Mỹ và có nguy cơ lây lan đến hệ thống tài chính của nhiều nước khác. Chi phí bảo hiểm rủi ro vỡ nợ của nhiều ngân hàng tại các nền kinh tế khác tăng vọt cùng với diễn biến giá cổ phiếu sụt giảm sâu.
Sau khi ngân hàng hàng đầu Thụy Sỹ là Credit Suisse phải tự bán mình cho UBS với định giá rẻ mạt, mới đây ngân hàng hàng đầu của Đức là Deutsche Bank cũng bị nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, trong khi cổ phiếu của các ngân hàng khác như Commerzbank AG ở Đức, Banco de Sabadell ở Tây Ban Nha và Societe Generale SA ở Pháp cũng lao dốc. Diễn biến này cho thấy thương vụ giải cứu Credit Suisse dường như vẫn chưa làm các nhà đầu tư yên tâm hơn.
Quay trở lại với sự sụp đổ của SVB. Cho đến giờ hầu hết phân tích đều chỉ ra nguyên nhân chính yếu là do rủi ro kỳ hạn khi ngân hàng sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn, kết hợp với rủi ro lãi suất khi sử dụng dòng tiền gửi có lãi suất nhạy với thị trường để rót vào các tài sản có lãi suất cố định với tỷ lệ quá lớn trong thời kỳ lãi suất siêu thấp hơn hai năm qua.
Trong khi đó, ngân hàng này cũng không có những giải pháp để bảo hiểm, phòng ngừa các rủi ro này một cách hiệu quả. Ngoài ra, rủi ro quá tập trung vào một phân khúc khách hàng cũng là điều cần lưu ý ở ba ngân hàng Mỹ vừa sụp đổ.
Là ngân hàng chuyên phục vụ cho phân khúc khách hàng là các startup công nghệ, quy mô của SVB đã tăng vượt bậc cùng với sự tăng trưởng thần kỳ của các startup công nghệ trong hơn hai năm các nền kinh tế chống chọi với đại dịch Covid-19 và tiền rẻ tràn ngập khắp nơi.
Với tỷ lệ cho vay chỉ chiếm xấp xỉ 35% tổng tài sản, phần còn lại đầu tư vào trái phiếu chính phủ và các chứng khoán nợ bảo đảm bằng các khoản vay mua nhà thế chấp, các chỉ số an toàn của SVB có vẻ rất đẹp đối với bất kỳ nhà đầu tư nào.
Tổng giá trị danh mục chứng khoán đầu tư của 27 ngân hàng niêm yết chỉ chiếm chưa đến 13% tổng tài sản, với tỷ lệ lớn nhất ở TPBank cũng chưa đến 23% hay MBBank là 22%. 23 ngân hàng có tỷ lệ này từ 15% trở xuống, trong số này có 9 ngân hàng từ 10% trở xuống.
Tuy nhiên, khi mặt bằng lãi suất đi lên cùng với động thái nâng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong hơn một năm qua, lượng trái phiếu mà SVB đầu tư trước đây giảm giá nặng nề và thua lỗ, kích hoạt cho làn sóng rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng này dẫn đến sụp đổ, trong bối cảnh các công ty công nghệ cũng đang gặp không ít khó khăn và buộc phải rút tiền khỏi ngân hàng để trang trải.
Như vậy, trong môi trường lãi suất tăng, không chỉ các doanh nghiệp phải đối diện với chi phí tài chính gia tăng, hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ chậm lại và đối mặt với thách thức thu hẹp hoạt động kinh doanh rồi rủi ro phá sản, mà ngay cả các ngân hàng vốn chỉ là những chủ thể trung gian giữa người gửi tiền và người vay tiền, cũng có thể gặp phải những rủi ro khó lường nhất.
Đó không chỉ là câu chuyện áp lực nợ xấu có thể tăng trở lại khi khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm trong môi trường lãi suất cao, mà còn là rủi ro kỳ hạn và lãi suất như trường hợp của SVB là minh chứng rõ nhất, nếu như thiếu các giải pháp quản trị rủi ro kỳ hạn, lãi suất cũng như chiến lược đầu tư hợp lý.
Ngân hàng Việt có đáng lo?
Số liệu báo cáo tài chính năm 2022 của 27 ngân hàng đang niêm yết cho thấy, tổng giá trị danh mục chứng khoán đầu tư của 27 ngân hàng này chỉ chiếm chưa đến 13% tổng tài sản, với tỷ lệ lớn nhất ở TPBank cũng chưa đến 23% hay MBBank là 22%. 23 ngân hàng có tỷ lệ này từ 15% trở xuống, trong số này có 9 ngân hàng là từ 10% trở xuống.
Danh mục trái phiếu nắm giữ của các ngân hàng hiện nay chủ yếu gồm trái phiếu chính phủ (TPCP), trái phiếu các tổ chức tín dụng khác và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Với sự tăng trưởng nóng của TPDN trong thời gian qua, tỷ trọng TPDN trong tổng danh mục chứng khoán đầu tư của nhiều ngân hàng đã ngày càng gia tăng. Như tại TPBank và MBBank, tỷ trọng TPDN hiện chiếm 29% tổng danh mục chứng khoán đầu tư vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, cả TPDN và trái phiếu các tổ chức tín dụng khác hầu hết đều theo lãi suất thả nổi, tức sau một khoản thời gian cố định ban đầu, lãi suất của những trái phiếu này sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo xu hướng lãi suất thị trường, có thể dựa trên lãi suất cơ sở của các ngân hàng theo từng thời kỳ hoặc lãi suất niêm yết bình quân của các ngân hàng thương mại gốc quốc doanh cộng thêm một biên độ nhất định. Vì vậy, rủi ro lãi suất ở các danh mục trái phiếu này là không đáng kể.
Ngược lại, TPCP thường có lãi suất cố định và các ngân hàng có thể chứng kiến danh mục trái phiếu này của mình bị giảm giá trong môi trường lãi suất đi lên trở lại. Tuy nhiên, như đã nói, các ngân hàng Việt Nam nguồn thu nhập chính vẫn là từ hoạt động tín dụng với lãi suất được điều chỉnh linh hoạt theo xu hướng thị trường, hoạt động đầu tư trái phiếu chỉ là giải pháp tối ưu hóa nguồn vốn, đặc biệt việc nắm giữ TPCP cũng là cách giúp các ngân hàng cải thiện tỷ lệ dự trữ thanh khoản. Cho nên, hầu hết các ngân hàng hiện nay không quá tập trung và phụ thuộc vào hoạt động này.
Đơn cử như ở nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh. Từ trước đến nay, đây luôn là những nhà đầu tư tích cực nhất trên thị trường TPCP và có lượng TPCP nắm giữ lớn nhất toàn hệ thống.
Thế nhưng, có thể thấy lượng TPCP mà các ngân hàng này đang nắm giữ, bao gồm cả sẵn sàng để bán và giữ đến ngày đáo hạn, cũng chỉ chiếm một tỷ trọng khiêm tốn trong tổng tài sản. Như tại Vietcombank, tỷ lệ này chỉ ở mức 4%, tại VietinBank là 4,4% và BIDV là 5,3%.
Cần lưu ý là nhóm này thường có được một lượng vốn lớn từ Kho bạc Nhà nước với số dư duy trì bền vững, cũng như lượng tiền gửi thanh toán lớn ổn định từ các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Do đó, cũng hạn chế được rủi ro kỳ hạn khi đầu tư vào các trái phiếu kỳ hạn dài.
Còn theo đánh giá của Kinh tế trưởng VinaCapital - ông Michael Kokalari, TPCP chỉ chiếm khoảng 6% tổng tài sản của các ngân hàng Việt Nam đang niêm yết và trái phiếu giữ đến ngày đáo hạn (HTM) chiếm chưa đến 2% tổng tài sản. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 5-10% điển hình của các ngân hàng Mỹ và thấp hơn nhiều so với mức gần 45% tổng tài sản của SVB nằm ở trái phiếu giữ đến ngày đáo hạn trên bảng cân đối kế toán.
Ngoài ra, rủi ro lãi suất với các TPCP dĩ nhiên là có, nhưng có thể thấy rủi ro này đang giảm dần trong thời gian gần đây khi lãi suất đi xuống trở lại. Cụ thể, trong thời điểm quí 4-2022, lãi suất phát hành TPCP kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên 4,8%, tức hơn gấp đôi so với mức quanh 2,1% thời điểm đầu năm 2022, khiến không ít ngân hàng chứng kiến danh mục TPCP đầu tư giai đoạn lãi suất thấp trước đây bị giảm giá.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, lãi suất phát hành TPCP cũng đã giảm nhanh trở lại theo xu hướng lãi suất các thị trường, hiện chỉ còn từ 3,6-4,1% ở kỳ hạn 10 năm, cao nhất ở kỳ hạn 30 năm cũng chỉ ở mức 4,2%. Việc Ngân hàng Nhà nước hồi giữa tháng 3-2023 có động thái giảm lãi suất điều hành càng củng cố cho xu hướng lãi suất có thể tiếp tục đi xuống trong giai đoạn tới.
Cuối cùng, các ngân hàng Việt Nam cũng có phân khúc khách hàng đa dạng hơn rất nhiều, ở cả dòng vốn huy động đầu vào lẫn cho vay đầu ra, hạn chế được rủi ro tập trung hóa. Dòng vốn trung và dài hạn của các ngân hàng Việt Nam cũng đã cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, nhờ vào việc phát hành thành công các giấy tờ có giá, trái phiếu kỳ hạn dài để phục vụ cho các chiến lược phát triển kinh doanh dài hạn, không quá phụ thuộc vào nguồn tiền gửi dài hạn từ khách hàng dân cư.