Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Rút bài học sớm từ khủng hoảng nợ châu Âu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rút bài học sớm từ khủng hoảng nợ châu Âu

TS. Phạm Đỗ Chí

(TBKTSG) – Sau cơn bão nợ của Hy Lạp, gói tài chính tiếp cứu khẩn cấp của khối đồng euro và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lên đến 147 tỉ đô la Mỹ, đã tưởng tình hình có thể tạm yên. Nhưng phản ứng tệ hại của các thị trường tài chính thế giới, nhất là khi các thị trường chứng khoán Âu Mỹ và Nhật Bản mất từ 10-15% giá trị trong tuần lễ ngay sau đó, đã cho thấy tác động của cơn bão này lớn hơn mọi dự báo của giới quan sát viên quốc tế. Phản ứng mới nhất cho rằng, cuộc hồi phục kinh tế thế giới sau khủng hoảng 2008-2009 có thể sẽ mang hình chữ W thay vì chữ V như mọi người hy vọng dạo đầu năm 2010.

Nợ công lớn và chồng chéo ở Nam Âu

Các món nợ của các nước Nam Âu thật khổng lồ và chồng chéo với nhau. Trước hết là Hy Lạp đã được biết đến rộng rãi với món nợ 236 tỉ đô la Mỹ, trong đó nợ Pháp 75 tỉ, Đức 45 tỉ và Anh 15 tỉ. Tuy nhiên khối nợ này còn chưa thấm vào đâu so với hai nước láng giềng cũng đang trên bờ khủng hoảng là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Tây Ban Nha nợ tổng cộng 1.100 tỉ đô la Mỹ, tức hơn bốn lần món nợ của Hy Lạp, bao gồm 238 tỉ với Đức, 220 tỉ với Pháp và 114 tỉ với Anh. Nước này đang có tỷ lệ thất nghiệp là 20% và có nền kinh tế gần như yếu nhất châu lục.

Bồ Đào Nha nợ tổng cộng 286 tỉ đô la Mỹ, trong đó một phần ba là nợ Tây Ban Nha (86 tỉ), rồi đến nợ Đức 47 tỉ, Pháp 45 tỉ và Anh 24 tỉ; nhưng Tây Ban Nha cũng nợ chéo 28 tỉ. Hy Lạp cũng nợ Bồ Đào Nha gần 10 tỉ.

Ngoài ra cũng đáng để ý là Ý có món nợ lớn tới 1.400 tỉ đô la Mỹ và Ireland nợ 867 tỉ đô la Mỹ, và cả hai đều mang nợ lớn với ba nước đã kể là Đức, Pháp và Anh, dù hai nước chưa bị xếp vào tình trạng “báo động nợ”.

Từ nỗ lực cứu Hy Lạp đã dấy lên một làn sóng sợ hãi cho rằng một cuộc khủng hoảng nợ công tương tự có thể xảy ra tại một số nước khác như Tây Ban Nha (như IMF vừa cảnh cáo) và Bồ Đào Nha, cũng như những hậu quả nghiêm trọng của nó đối với phục hồi kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính thế giới.

Chuyện gì sẽ xảy ra cho khối đồng euro?

Thâm hụt ngân sách của Hy Lạp hiện tương đương với 13% GDP. Muốn giảm xuống mức đòi hỏi khoảng 3% GDP họ phải tăng thuế và cắt chi tiêu công tương đương với 10% GDP trong vài năm tới – một gánh điều chỉnh không thể kham nổi với tỷ lệ thất nghiệp đã cao hiện nay là 10%.

Ngoài ra với thiếu hụt cán cân thương mại đang là 15% GDP, Hy Lạp không thể sớm giảm nhập khẩu hay tăng xuất khẩu khi họ không có được chính sách tiền tệ lẫn tỷ giá độc lập với tính cách thành viên khối euro và dùng chung đồng tiền euro. Thời gian để điều chỉnh chính sách sẽ rất dài hay gần như không thể được.

Một số chuyên gia quốc tế, như Martin Feldstein, đề nghị Hy Lạp có thể tạm rút ra khỏi khối đồng euro trong ít năm và dùng trở lại đồng tiền riêng của mình là drachma với tỷ giá mới là 1 euro = 1,3 drachma (tức là chấp nhận phá giá đồng tiền riêng của mình 30% so với tiền euro) để có được chính sách điều chỉnh và cạnh tranh hàng hóa hữu hiệu hơn nhằm sớm thu hẹp cả hai mối thất thu: ngân sách và nhập siêu. Sau độ vài năm, lúc tình hình cải thiện trở lại, Hy Lạp có thể trở lại khối đồng euro.

Tuy nhiên, các nước thành viên có thể chống lại giải pháp trên vì các nước như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có thể bắt chước như vậy. Nước cờ lưỡng nan cho các thành viên giàu có của khối đồng euro là ở chỗ đó: cứu trợ toàn diện cho Hy Lạp thì không kham nổi và cho phép tạm rút ra thì sợ mối đoàn kết toàn khối sẽ lung lay. Sự kiện này sẽ ảnh hưởng sâu đậm đến nền kinh tế toàn cầu.

Trước tiên có thể thấy sự phục hồi kinh tế ở khu vực châu Âu sẽ chậm hơn và khá khiêm tốn khi mà Đức và Pháp sẽ phải chia sẻ gánh nặng lớn từ gói cứu trợ những thành viên khó khăn trong cộng đồng, do vậy, nguồn lực cho những chính sách tài khóa trong nước họ sẽ ít hơn. Sự hồi phục kinh tế của Mỹ do đó cũng không chắc chắn, đặc biệt khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trở lại gần mức 2 con số (9,9% trong tháng 4 từ mức 9,7% trong tháng 3). Tăng trưởng kinh tế Mỹ và toàn cầu do đó có thể chững lại trong sáu tháng tới.

Đặc biệt lúc này khó loại trừ trường hợp cơn khủng hoảng nợ các nước Nam Âu có thể lan rộng thành một cuộc khủng hoảng tài chính thế giới mới do sự vỡ nợ của thị trường tài chính châu Âu với các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Default Swap – CDS). Các hợp đồng này là các giấy tờ bảo hiểm có giá thường được mua bởi các nhà đầu tư tài chính cho trường hợp vỡ nợ của các trái phiếu, cũng sẽ xuống giá nặng nếu thị trường cho là các nước phát hành trái phiếu không đủ sức chi trả nợ công.

Đó chính là nguyên nhân lo lắng khiến các thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới lại sụp đổ mới trong tuần vừa qua.

Bài học nào cho Việt Nam?

Khi tốc độ phục hồi kinh tế thế giới chậm lại, có thể theo hình chữ W thay vì chữ V như một số quan sát viên quốc tế quan ngại, triển vọng trung hạn đối với xuất khẩu của Việt Nam sẽ kém thuận lợi. Đặc biệt là khi mãi lực kém đi trên toàn châu Âu và đồng tiền Việt Nam lên giá nhiều so với euro (do đồng Việt Nam được gắn với đô la Mỹ), xuất khẩu sang châu lục này sẽ giảm sút lớn nếu thiếu chính sách phản ứng kịp thời.

Cơ cấu sản xuất hiện hành luôn đưa đến nhập siêu cao và từ đó tạo áp lực thường trực trên cán cân thanh toán quốc tế và tỷ giá đồng Việt Nam. Đã đến lúc Việt Nam phải nghĩ đến việc tái cấu trúc nền kinh tế để giải quyết vấn đề nhập siêu và có tốc độ tăng trưởng bền vững hơn. Các nền kinh tế khác ở Đông Á, sau khi có cùng vấn đề nhập siêu và thất thu cán cân vãng lai cao ở một vài thập niên đầu của chu kỳ tăng trưởng nhanh, sau đó thường đạt được mức xuất siêu đáng kể để có tăng trưởng bền vững do không bị áp lực của cán cân thanh toán và còn có thể tăng nhanh quỹ dự trữ ngoại hối như một gối đệm (cushion) tài chính vững chắc.

Ngoài ra, khủng hoảng nợ tại châu Âu cũng đang làm thức tỉnh toàn thế giới về nhu cầu duy trì tính ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường thắt chặt hoạt động tài khóa để giảm bớt nợ công không thật cần thiết cho nhu cầu tăng trưởng bền vững.

Việt Nam cũng không là trường hợp ngoại lệ trong việc cần áp dụng thêm kỷ luật tài khóa, nhất là trong bối cảnh của thất thu kép (twin deficit) càng ngày càng lớn cho các cán cân tài khóa và ngoại thương.

Khi nói về nợ công, trước hết cần thông báo các số thống kê đầy đủ và chính xác về các món nợ này gồm nợ của chính phủ và của cả các doanh nghiệp công do chính phủ bảo lãnh. Mới đây con số tổng nợ công được thông báo đã tăng rất nhanh lên mức 44,6% GDP cho năm 2010.

Và con số này cần làm chúng ta thận trọng hơn khi xem xét một số dự án đầu tư công “hấp dẫn” rất lớn vừa được công bố để tham khảo ý kiến Quốc hội như dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam với vốn đầu tư ban đầu ước lượng là 56 tỉ đô la Mỹ (tương đương hơn 50% GDP), hay ngay cả một dự án trên 90 tỉ đô la Mỹ khác được báo chí nói đến để mở rộng và tân trang Hà Nội. Tất nhiên nguồn tài trợ là nợ công, dù là với điều kiện ưu đãi của ODA hay nợ thương mại. Do đó, vài vấn đề cần được xem xét ưu tiên là:

– Vấn đề vay thêm nợ công để chi tiêu công ở mức lớn như vậy đã được xét đến kỹ lưỡng hay chưa trong bối cảnh tỷ lệ đầu tư quá cao so với GDP (trên 42%), hay nói cách khác là với hệ số ICOR rất cao của Việt Nam từ nhiều năm (hàm ý hiệu quả đầu tư vốn rất thấp) của Việt Nam từ nhiều năm qua?

Đã tính kỹ các phương án tài trợ và ảnh hưởng lên tổng nợ công cho các dự án mới chưa, so với hiệu quả kinh tế của dự án ra sao, và tác động lên các cân bằng kinh tế vĩ mô ra sao cho năm năm tới?

– Đặc biệt với vấn đề nợ công, đây là lúc cần rà soát lại vấn đề định nghĩa nợ công và thống kê chính xác rõ ràng, giải quyết sự khác biệt giữa công bố tỷ lệ nợ/GDP là 41% về phía Việt Nam và cùng tỷ lệ tính bởi Ngân hàng Thế giới là 47% cho năm 2009. Ngoài ra ảnh hưởng của các dự án lớn đang xét lên tỷ lệ nợ trên cần xét đến cho 10, 20 hay 30 năm tới cũng như khả năng chi trả của quốc gia, trong đó cần xem vấn đề thực tế là tổn phí có thể tăng 25-50% vượt dự tính ban đầu trong thời gian dài thực hiện dự án.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới