Thứ sáu, 23/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Rút ngắn thời gian từ TPHCM đi Tây Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Rút ngắn thời gian từ TPHCM đi Tây Nguyên

Anh Quân

Rút ngắn thời gian từ TPHCM đi Tây Nguyên
Đường Hồ Chí Minh đoạn chạy qua tỉnh Bình Phước - Ảnh: TTXVN

(TBKTSG Online) - Hôm nay 11-7, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã khánh thành công trình nâng cấp, mở rộng toàn bộ đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14 cũ) qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước. Sau khi hoàn thành tuyến đường này, từ TPHCM đi Tây Nguyên, cụ thể là Buôn Ma Thuột chỉ còn 8-9 giờ, giảm 3 giờ so với trước đây.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước (trùng với quốc lộ 14 cũ) với tổng chiều dài 663 km từ Đắk Zôn (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).

Đoạn từ Đăk Zôn đến Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) có chiều dài 110 km, được đầu tư trong giai đoạn 1 từ năm 2000 đến năm 2007. Còn đoạn từ Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) dài 553 km, được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2.

Trong đó, 134 km các đoạn qua đô thị tại các tỉnh Tây Nguyên và đoạn nối Kon Tum với Pleiku được xây dựng cuối năm 2007, đầu năm 2008 và hoàn thành cuối năm 2013, đầu năm 2014.

Đoạn còn lại dài 419 km được chia làm 11 dự án đầu tư trong giai đoạn 2013 – 2015 với tổng mức đầu tư là 13.074 tỉ đồng được đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ và vốn của nhà đầu tư BOT.

Trong đó, 6 dự án vốn trái phiếu Chính phủ có tổng chiều dài 212 km, với tổng mức đầu tư 7.080 tỉ đồng (chiếm 54% tổng mức đầu tư của toàn dự án). Năm dự án còn lại được đầu tư theo hình thức BOT, với tổng chiều dài 207 km, tổng mức đầu tư 5.994 tỉ đồng (chiếm 46% tổng mức đầu tư của toàn dự án).

Sau khi nâng cấp đường Hồ Chí Minh, sẽ có 2 làn xe ô tô, 2 làn cho xe máy, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, các đoạn qua đô thị và khu đông dân cư vận tốc 60 km/giờ. Xe ô tô đi qua tuyến đường này sẽ phải nộp phí tại 5 trạm để thu vốn hoàn phí cho 5 dự án BOT của các nhà đầu tư.

Việc nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư của vùng Tây Nguyên vì đây là tuyến đường xương sống quan trọng nhất nối Tây Nguyên với hai trung tâm kinh tế lớn là TPHCM (miền Nam) và thành phố Đà Nẵng (miền Trung).

Theo tính toán của Bộ GTVT, sau khi hoàn thành toàn bộ đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển hành khách và hàng hóa từ TPHCM đi Tây Nguyên. Trong đó, từ TPHCM đi Buôn Ma Thuột về chỉ còn 8-9 giờ, giảm 3 giờ so với trước đây.

Đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 3.183 km, kéo dài từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là tuyến đường xuyên Việt thứ hai, cùng với quốc lộ 1A giữ vai trò trục đường xương sống Bắc – Nam.

Giai đoạn 1, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 1.350 km từ Hoà Lạc (Hà Nội) đến Ngọc Hồi (Kon Tum) từ năm 2007. Giai đoạn 2 đang được xây dựng với chiều dài 1.393 km để nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe ô tô vào năm 2020.

Mời đọc thêm:

>> Thông xe đoạn cuối cùng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên

>> Đồng Xoài - Tây Nguyên, cung đường vỡ vụn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới