(KTSG) - 1. Ngày trước, những năm học cấp 2, tôi dùng sách của ba và của chị đã từng học trước đó. Những trang giấy sách đã vàng ố nhưng kiến thức mới trong sách đã đồng hành cùng tôi. Chúng tôi cứ thế ngày ngày đến trường vui học và mang về “bảng danh dự”, “bảng tưởng lệ” làm vui lòng ba má.
Khi tôi lên học cấp 3, sách giáo khoa vẫn còn được “bao cấp”, đầu năm mượn từ thư viện trường, về bao bìa, dán nhãn, giữ gìn cẩn thận để cuối năm còn trả lại cho các bạn lớp sau dùng tiếp.
Giờ đây, vào những ngày trung tuần tháng Tư vừa rồi có mấy tờ báo đưa tin một bộ sách giáo khoa lớp 10 có giá bán từ 436.000-480.000 đồng; sách lớp 7 thì từ 208.000-235.000 đồng; sách lớp 3 từ 183.000-190.000 đồng…, bộ nào cũng nhiều tới mươi, mười lăm cuốn.
Một học trò cũ của tôi sau khi đọc tin đã chia sẻ: “Em nhớ ngày xưa học tiểu học, đầu năm mượn sách về là háo hức đọc, chỉ một cuốn Tập đọc và một cuốn Toán. Bây giờ nhiều sách quá nhưng bọn nhóc có thèm xem đến đâu!”. Vậy nhưng giá một bộ sách tuy coi là “được” với người này nhưng có thể là rất khó đối với người kia. Việc làm sống dậy hoạt động cho học sinh nghèo, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được mượn sách học, liệu có phải là mong mỏi quá xa vời?
2. Sau khi chọn sách giáo khoa dùng cho năm học 2022-2023, các trường đang lên phương án xây dựng tổ hợp các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập. Đọc kế hoạch này ở một số trường trung học phổ thông tại địa phương tôi, có trường đưa ra 5 phương án lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn (nhóm Khoa học tự nhiên gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhóm Khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật; nhóm Công nghệ và Nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật), 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học trong số các chuyên đề (Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Lại có trường có tới gần 20 phương án, những 5 cụm chuyên đề. Xem chừng, mục tiêu chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực với hơn 100 tổ hợp và các môn học bắt buộc, ngay cả với những ai lạc quan nhất cũng không khỏi băn khoăn.
Vấn đề là sách ngày xưa, lý thuyết được viết một cách gọn ghẽ, trên cơ sở đó học sinh vận dụng trả lời những câu hỏi định tính, làm các bài tập định lượng. Sự tích hợp lý thuyết khéo léo vào bài tập giúp cho học sinh vững kiến thức cơ bản lẫn phát triển năng khiếu.
Còn hiện nay, như một em học trò cũ của tôi cho biết, khi em học đại học ở Mỹ, nội dung môn vật lý giống hệt chương trình vật lý lớp 10 lúc học phổ thông tại Việt Nam. Nhờ vậy mà em có cơ hội “phụ đạo” cho các bạn Mỹ cùng lớp! Cũng chuyện môn vật lý, một giáo viên bộ môn này sau khi đã chọn giáo khoa vẫn nhắn tin cho tôi: “Sách viết thiên về toán học còn bản chất vật lý không thể hiện rõ ràng. Với sách này thì học sinh chỉ biết làm mà mất dần tư duy về môn lý”. Tôi giật mình, lẽ ra, việc cấp thiết phải là tập huấn giúp giáo viên am hiểu chương trình môn học, còn sách giáo khoa chỉ là một trong nhiều tài liệu được giáo viên dùng soạn bài mà thôi. Cứ kiểu chăm tiếp thị sách giáo khoa như hiện nay, liệu giáo viên có mất tự chủ trong thiết kế bài giảng, và quá tải nội dung dạy và học vẫn cứ là chuyện “đường xưa lối cũ”?
3. Môn giáo dục thể chất hiện có 2 tiết/tuần, môn giáo dục quốc phòng và an ninh có 1 tiết/tuần. Một năm học có 35 tuần nhưng thực học trên thực tế thường không đến 32 tuần. Cách học vẫn là học sinh nghe, nhìn động tác mẫu nhiều hơn là thực hành.
Riêng chương trình cơ bản hiện hành của môn giáo dục quốc phòng và an ninh, có nội dung đã học ở môn lịch sử, có nội dung có thể tích hợp với môn giáo dục công dân, tuy nhiên, vẫn được yêu cầu biên soạn vào sách giáo khoa môn này. Dường như người thiết kế chương trình cái gì cũng muốn đưa vào khiến học sinh bị ngộp trong lý thuyết nhưng lại mỏng kỹ năng. Đến khi có sự cố xảy ra, các em tự cứu mình còn chưa nổi nói gì đến cứu người.
Giáo dục phổ thông vẫn đang nỗ lực thay đổi. Chương trình môn học đang theo xu thế chung là có môn học bắt buộc, có môn học tự chọn. Nhưng suy cho cùng, dù người học có rẽ lối nào sau khi tốt nghiệp phổ thông thì các kỹ năng ứng phó hiệu quả trong cuộc sống luôn hết sức cần thiết. Do vậy, kiến thức trong lĩnh vực này chỉ nên dừng ở mức biết, hiểu, để thầy trò còn có thời gian thực hiện việc học đi đôi với hành thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Chỉ qua trải nghiệm, phẩm chất và năng lực mới phát triển bền vững ở học sinh.
Cách tân giáo dục, trong không ít trường hợp, là làm lại những gì đã làm chưa tốt.
Giáo dục đào tạo ngày nay, nhưng tại sao lại luôn có điệp khúc hoài niệm về “Ngày xưa/ ngày trước…”. Phải chăng những gì hôm nay đang có dường như “tệ/ kém…” hơn trước đây rất nhiều ? Có lẽ không hoàn toàn như vậy. Nhưng chắc chắn phải có lý do xác đáng. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Hơn ai hết, ngành giáo dục phải tự vấn lương tâm và hành động một cách mạnh mẽ hơn nữa.