Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sài Gòn, nhớ “Cô Ba” “Anh Bảy”… một thời

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sài Gòn, nhớ “Cô Ba” “Anh Bảy”... một thời

Lê Triết

(TBKTSG) - Trong ký ức nhiều người Sài Gòn, thế hệ lớn lên trước năm 1975, có lẽ vẫn không quên nhiều nhãn hiệu hàng hóa một thời rất quen thuộc trong sinh hoạt, tiêu dùng của người dân miền Nam nói chung và người Sài Gòn nói riêng.

Sài Gòn, nhớ “Cô Ba” “Anh Bảy”... một thời
Chân dung cô Ba Thiệu, người đẹp được in nổi trên các sản phẩm nổi tiếng của Hãng Xà bông Việt Nam do ông Trương Văn Bền lập ra.

 

Đó là cục xà bông tắm “Cô Ba” với mùi thơm nhẹ nhàng, dễ chịu, được người tiêu dùng bấy giờ ưa chuộng, từng là niềm tự hào về một sản phẩm nổi tiếng do chính người Việt Nam làm ra.

Đó là chai dầu khuynh diệp “Bác sĩ Tín” có mùi bạc hà thơm thơm, cay nồng, gắn bó với trẻ con và các bà mẹ. Chai dầu mang thương hiệu Việt ngày đó là sản phẩm phổ biến trong các gia đình, nó làm an lòng những bà mẹ có con nhỏ những khi trái gió trở trời.

Đó là hộp kem đánh răng Hynos với hình ảnh “Anh Bảy Chà” mặt đen thui, cười rộng hết cỡ để khoe hàm răng trắng bóng, thật ấn tượng; đặc biệt những hình ảnh, những câu quảng cáo dí dỏm, vui nhộn gây sự thu hút cả người lớn lẫn đám con nít.

Và còn nhiều, nhiều nữa... Đó là những nhãn hiệu như giày Sài Gòn, mỹ phẩm Thorakao, tập học sinh Cogido, vải Vinatexco, Vimytex, cho đến chai bia “con cọp” mang nhãn hiệu Biere Larue của nhà máy bia Chợ Lớn... Có những hãng xưởng do người Pháp lập ra, có những hãng xưởng do người Việt gầy dựng, và đôi bàn tay của thợ thầy, của công nhân Việt Nam đã góp phần tạo nên hàng hóa phong phú cho miền Nam nói chung, Sài Gòn nói riêng trong những thập niên đầu của thế kỷ trước.

Thực ra, so với vô số nhãn hiệu hàng hóa ngày nay, trong đó có hàng trăm thương hiệu nổi tiếng tạo nên sức mạnh cho nền sản xuất hàng hóa Việt Nam, có thể nói hàng hóa ngày trước khó lòng bì được, cả về số lượng lẫn trình độ công nghệ tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên, nền sản xuất hàng hóa thời đó, với những thương hiệu mà đến nay vẫn còn đọng lại trong ký ức nhiều người, đã là một phần trong lịch sử phát triển Sài Gòn, thể hiện thêm một góc nhìn nữa về một Sài Gòn năng động trong mở mang kỹ nghệ, công thương.

***

Ngược dòng lịch sử, thời gian đầu khi mới hình thành nên Sài Gòn thì vùng đất này đã đón nhận lưu dân từ khắp nơi đổ về sinh sống lập nghiệp, và sự phôi thai cho một nền kỹ nghệ sau này đã bắt đầu bằng việc ra đời các ngành tiểu thủ công nghiệp. Theo các tài liệu nghiên cứu về đất Sài Gòn xưa, những ngành tiểu thủ công nghiệp đã sớm hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực lúc bấy giờ là phục vụ cho nền sản xuất hàng hóa lúa gạo.

Nền sản xuất hàng hóa thời đó, với những thương hiệu mà đến nay vẫn còn đọng lại trong ký ức nhiều người, đã là một phần trong lịch sử phát triển Sài Gòn.

Nghề thủ công đáng kể đến đầu tiên là nghề xay xát lúa gạo, tập trung ở vùng Chợ Lớn. Nghề này cho đến cuối thế kỷ 19 vẫn chủ yếu là thủ công, xay giã gạo bằng tay với rất nhiều giàn cối xay của các nhóm cư dân làm nghề hàng xáo. Theo biên khảo của nhà văn Sơn Nam, đến đầu thế kỷ 20, sự phát triển khá mạnh của những thương nhân người Hoa trong lĩnh vực mua bán lúa gạo đã kéo theo sự ra đời của rất nhiều nhà máy xay lúa được đầu tư máy móc, cơ khí nhiều hơn, bớt dần tính chất thủ công.

Trong số những nhà máy ở Sài Gòn - Chợ Lớn, hoạt động náo nhiệt nhất là những nhà máy xay lúa ở Bình Đông, Bình Tây (khu vực quận 8, quận 6) cung ứng cho nhu cầu xuất khẩu. Trong hai năm 1925-1926, số nhà máy xay tại Chợ Lớn tăng gần gấp đôi; năm 1927, có 70 nhà máy hoạt động, tổng cộng 13.000 sức ngựa, có thể xay xát ra mỗi năm chừng 2,9 triệu tấn gạo, trong khi yêu cầu xuất khẩu không hơn 1,3 triệu tấn.

Một nghề thủ công khác khá phát triển trên vùng đất Sài Gòn xưa là nghề rèn, cũng ra đời từ nhu cầu lớn của ngành nông nghiệp, sản xuất nông cụ phục vụ cho nông nghiệp như cày, cuốc, liềm, phảng... và một số dụng cụ sinh hoạt khác của cư dân. Theo sách Sài Gòn Xưa & Nay, có những địa danh còn tồn tại đến ngày nay ghi nhận dấu tích nghề rèn xưa như Xóm Lò Rèn (khu vực gần nhà thờ Cha Tam, Chợ Lớn).

Hay như nghề dệt cũng là nghề được nhắc đến khi đề cập đến ngành nghề thủ công thời kỳ đầu của Sài Gòn. Nghề dệt thủ công truyền thống còn để lại dấu vết ở các địa danh Xóm Lãnh, Xóm Lụa (quận 1), Xóm Chỉ (quận 8), Chợ Đũi (trên đường Cách Mạng Tháng Tám, góc đường Võ Văn Tần và Nguyễn Đình Chiểu)...

Bên cạnh sự phát triển của các ngành tiểu thủ công nghiệp thì công cuộc khai thác thuộc địa của chính quyền thực dân Pháp tại Sài Gòn thế kỷ 19 kéo dài sang thế kỷ 20 cũng tạo nên những tiền đề ban đầu cho sự hình thành một nền kỹ nghệ trên đất Sài Gòn. Theo tài liệu Thành phố Hồ Chí Minh 30 năm xây dựng và Phát triển (Phan Xuân Biên - Trần Nhu, NXB Giáo dục, 2005), nhiều công trình, hãng xưởng đã ra đời trong thời gian này, như cảng Nhà Rồng, đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho, nhà máy điện Chợ Quán, xưởng sửa chữa tàu thủy Ba Son, nhà máy rượu Bình Tây, nhà máy bia - nước ngọt BGI, nhà máy thuốc lá M.I.C, xưởng cơ khí Caric, hãng cao su Michelin, nhà máy sản xuất phân bón Vĩnh Hội, hãng dầu Socony Nhà Bè...

Trong thời kỳ phôi thai nền kỹ nghệ Sài Gòn - những năm đầu thế kỷ 20, không chỉ có những hãng xưởng của người Pháp lập ra trong quá trình khai thác thuộc địa của họ, mà lịch sử đất Sài Gòn cũng ghi nhận một số nhà trí thức, tư sản người Việt Nam lúc bấy giờ với ý chí làm ăn, đồng thời để mở mang nền kỹ nghệ, chấn hưng kinh tế, đã lập nên những hãng xưởng do chính người Việt làm chủ. Có thể kể đến hãng nước mắm Liên Thành, hãng xà bông Trương Văn Bền, xưởng đúc Trí Độ...

Trong những năm 1957-1959, tư bản nước ngoài đầu tư vào miền Nam Việt Nam khá rầm rộ. Một loạt ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến nông lâm thủy hải sản, đặc biệt là lúa gạo và dược phẩm, được xây dựng, như nhà máy sản xuất bóng đèn Coteco, nhà máy sản xuất pin-ắc quy Videco, các xí nghiệp sản xuất dược phẩm Roussel, Spécia, Hoechst...

Cũng vào giai đoạn này, một khu kỹ nghệ tập trung bắt đầu được hình thành ở ngoại vi Sài Gòn là Biên Hòa. Đó là khu kỹ nghệ Biên Hòa, tiền thân của khu công nghiệp Biên Hòa I sau này. Khu kỹ nghệ Biên Hòa ra đời năm 1963, được chọn xây dựng trên diện tích 376/520 héc ta tại xã Tam Hiệp, xã Long Bình của Biên Hòa. Địa điểm được chọn xây dựng khu kỹ nghệ có nhiều thuận lợi khi xây dựng cơ sở hạ tầng nằm trên các trục lộ giao thông đường sắt (đường xe lửa Bắc - Nam chạy qua Biên Hòa), đường thủy (sông Đồng Nai) và đường bộ huyết mạch như giữa Sài Gòn với miền Trung, với vùng cao nguyên Đà Lạt, vùng biển Vũng Tàu.

Cũng theo tài liệu Thành phố Hồ Chí Minh 30 năm xây dựng và Phát triển, đến năm 1974, Sài Gòn - Gia Định sở hữu 38.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 766 công ty và 8.548 cơ sở sản xuất công nghiệp tư nhân. Ngành công nghiệp sở hữu hàng trăm nhà máy chuyên gia công, chế biến với hàng ngàn công nhân kỹ thuật và lao động phổ thông...

***

Những năm đầu sau 1975, cả nước đối mặt với vô vàn khó khăn trong hoàn cảnh vừa thoát khỏi chiến tranh, bước đầu bắt tay vào khôi phục, gầy dựng lại kinh tế. Với Sài Gòn, hầu như toàn bộ các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hãng xưởng được giữ gìn nguyên vẹn, tuy nhiên gặp rất nhiều trở ngại trong việc duy trì, phát huy hoạt động sản xuất một cách hiệu quả. Do bị bên ngoài bao vây cấm vận kinh tế, do thiếu hụt nguyên liệu, cộng thêm quản lý yếu kém mà theo cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh - lúc ấy là Bí thư Thành ủy TPHCM - nói là “thừa nhiệt tình, thiếu kiến thức” đã khiến nền công nghiệp ở Sài Gòn suy yếu; các xí nghiệp, nhà máy quốc doanh bị cơ chế trói buộc đã không thể phát triển.

Nhưng, trong giai đoạn này, lãnh đạo TPHCM đã tìm tòi và triển khai loạt biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong nhiều nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất; tổ chức lại sản xuất, liên kết chặt chẽ với một số tỉnh trong việc khai thác nguyên liệu, trao đổi sản phẩm, xây dựng phương án sản xuất ngoài kế hoạch pháp lệnh. Thời ấy gọi là “bung sản xuất” và kết quả là sản xuất có năng suất, nhiều mặt hàng mới xuất hiện, lương công nhân và các quyền lợi vật chất khác được đảm bảo.

Các bước đột phá, sáng tạo này đã giúp công nghiệp TPHCM dần khôi phục và phát triển, đặc biệt là chính sách đổi mới từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI tháng 12-1986. Trong từng xí nghiệp, nhà máy có những hướng đi riêng nhưng tựu trung đều có những đột phá trong phương thức quản lý, tổ chức lại hoạt động sản xuất và nhanh chóng vượt qua những khó khăn để từng bước phát triển mạnh mẽ. Chính sách đổi mới đã giải phóng được nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy công nghiệp TPHCM có bước chuyển mình. Bên cạnh đó, đất nước cũng bắt đầu mở cửa để thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên rất nhanh. Trong xu hướng thu hút đầu tư nước ngoài này, tại TPHCM, mô hình khu chế xuất đã được thí điểm với thành lập khu chế xuất Tân Thuận vào năm 1991 và là khu chế xuất đầu tiên trên cả nước. Không dừng lại ở khu chế xuất Tân Thuận, tiếp sau đó là khu chế xuất Linh Trung, rồi năm 1996 và 1997 có thêm 10 khu công nghiệp của thành phố được thành lập.

Từ năm 1990 với việc ban hành Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân, và sau này là Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp dân doanh chính thức xuất hiện. Cùng với các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì khu vực kinh tế dân doanh ngày càng lớn mạnh, có vai trò không nhỏ trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế.

Sài Gòn, miền đất kinh thương, gắn liền với lịch sử 300 năm hình thành của vùng đất này là lịch sử mở mang, phát triển công nghiệp, kỹ nghệ với bao thăng trầm, biến đổi. Có những thương hiệu đã mất, chỉ còn đọng lại trong ký ức, có những thương hiệu được thay đổi sau ngày đất nước thống nhất, có những thương hiệu ra đời từ thời kỳ đổi mới, trải qua nhiều gian khó trong chặng đường phát triển để dần khẳng định mình... Vùng đất này được xem là nơi tập hợp các nhà doanh nghiệp, tạo ra những thương hiệu lớn cho nền công nghiệp Sài Gòn nói riêng và đất nước nói chung. 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới