Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sàn giao dịch thương mại điện tử kiêm vai thuế vụ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sàn giao dịch thương mại điện tử kiêm vai thuế vụ

LS. Trương Thanh Đức (*)

(KTSG) – Cho dù quy định sàn giao dịch thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay cá nhân và hộ kinh doanh đối với cả hai loại thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân là cần thiết và hợp lý, nhưng vẫn chưa bảo đảm về cơ sở pháp lý.

Sàn giao dịch thương mại điện tử kiêm vai thuế vụ
Thông tư 40 đã đặt ra giải pháp tốt để thu đúng, thu đủ thuế của cá nhân kinh doanh, nhưng lại đặt thêm nghĩa vụ mới cho sàn giao dịch thương mại điện tử trong khi điều này chưa được quy định trong các luật thuế.

Sàn thương mại nộp thuế thay

Điều khoản 8.1.đ, Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 1-6-2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính “Hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh” (có hiệu lực từ ngày 1-7-2021) quy định: “Chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử” có trách nhiệm kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân thay cho cá nhân tham gia bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Tức là, sàn giao dịch thương mại điện tử phải đóng vai của người thu thuế, khấu trừ của người bán hàng 1% thuế giá trị gia tăng và 0,5% thuế thu nhập cá nhân. Trong thời gian chưa thực hiện được việc khai và nộp thay thì sàn giao dịch thương mại điện tử phải cung cấp cho cơ quan thuế các thông tin về cá nhân và giao dịch kinh doanh của người bán hàng.

Các quy định về thuế suất, phương pháp tính thuế, đối tượng chịu thuế và đối tượng nộp thuế (kể cả nộp thuế thay) thuế giá trị gia tăng cũng như thuế thu nhập cá nhân đối với nhóm cá nhân kinh doanh không phải là nội dung mới, mà có trong Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập cá nhân từ nhiều năm trước. Đối với việc nộp thuế thay, hay còn gọi là việc khấu trừ nộp thay hoặc khấu trừ tại nguồn, đã được quy định tại một số văn bản như Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế.

Thông tư 40 đã đặt ra giải pháp tốt để thu đúng, thu đủ thuế của cá nhân kinh doanh, nhưng lại đặt thêm nghĩa vụ mới cho sàn giao dịch thương mại điện tử trong khi điều này chưa được quy định trong các luật thuế.

Tuy nhiên, lần đầu tiên pháp luật quy định trách nhiệm khấu trừ cả hai loại thuế trên đối với sàn giao dịch thương mại điện tử khi cung cấp dịch vụ sàn thương mại cho người bán hàng. Cho dù quy định này là cần thiết và hợp lý, nhưng vẫn chưa bảo đảm cơ sở pháp lý.

Cơ sở pháp lý

Đối với thuế thu nhập cá nhân, thì từ trước đến nay, tổ chức, cá nhân trả thu nhập có trách nhiệm kê khai, khấu trừ (đối với mỗi lẫn chi trả khoản thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên), nộp thuế và quyết toán thuế đối với các loại thu nhập chịu thuế trả cho đối tượng nộp thuế theo quy định tại điều khoản 24.1.a, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2008 (sửa đổi năm 2012, 2014 và 2020). Tuy nhiên, trong trường hợp này (theo Thông tư 40 nói trên), sàn giao dịch thương mại điện tử vẫn phải thu hộ thuế thu nhập cá nhân mặc dù không phải là đơn vị trả thu nhập cho người bán hàng, mà chỉ là nhà cung cấp dịch vụ sàn thương mại.

Đối với việc nộp thay thuế giá trị gia tăng cho cá nhân thì càng không rõ về cơ sở pháp lý, vì điều khoản 11.2.a, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi năm 2013, 2014 và 2016) chỉ quy định trách nhiệm nộp thay thuế giá trị gia tăng của bên Việt Nam mua hàng hóa của các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh nhưng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Thông tư 40 cũng không coi đây là hoạt động hợp tác kinh doanh giữa tổ chức với cá nhân để yêu cầu tổ chức phải kê khai và nộp thay theo điều khoản 7.5.c, Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế” (cũng không được quy định trong các luật thuế).

Như vậy, Thông tư 40 đã đặt ra giải pháp tốt để thu đúng, thu đủ thuế của cá nhân kinh doanh, nhưng lại đặt thêm nghĩa vụ mới cho sàn giao dịch thương mại điện tử trong khi điều này chưa được quy định trong các luật thuế.

Ngoài ra, về bản chất, việc thu thuế trong trường hợp này là của ngành thuế, nhưng giao cho người khác làm hộ thì ít nhất cũng phải trả một khoản chi phí nào đó.

Tính khả thi và sự bất cập

Quy định kê khai và nộp thuế thay hai loại thuế của cá nhân nêu trên là hoàn toàn khả thi, vì với công nghệ và cách thức hoạt động thì sàn giao dịch thương mại điện tử luôn nắm rõ doanh thu và dễ dàng khấu trừ được các khoản tiền của người bán hàng. Nếu thực hiện đúng quy định trên thì sẽ chấm dứt tình trạng thất thu thuế, tức là cá nhân bán hàng sẽ phải nộp và nộp nhiều thuế hơn khi bán hàng qua kênh thương mại điện tử.

Tuy nhiên, đồng thời việc này cũng sẽ nảy sinh tâm lý “ngại” bán hàng trên sàn thương mại điện tử, vì sẽ bị thu theo đúng doanh thu, dẫn đến bất lợi hơn so với việc bán hàng qua các kênh khác. Dù doanh thu của cá nhân chưa đến mức phải nộp hai loại thuế này (100 triệu đồng/năm trở xuống) thì cũng vẫn phải tạm nộp thuế. Và dù cá nhân kinh doanh có bị lỗ, nhưng vẫn cứ phải nộp 0,5% thuế thu nhập tính trên toàn bộ doanh thu. Như vậy, trong nhiều trường hợp cá nhân và hộ kinh doanh không còn lợi thế, thậm chí còn bất lợi hơn về thuế so với doanh nghiệp, nhất là thuế thu nhập.

Ngoài nội dung trên, Thông tư 40 còn quy định hộ kinh doanh có quy mô lớn (ngang doanh nghiệp nhỏ trở lên) phải nộp thuế theo “phương pháp kê khai” theo tháng như đối với doanh nghiệp (thay vì theo phương pháp khoán như trước đây.

Tuy nhiên, do các đạo luật đã xác định địa vị pháp lý hộ kinh doanh không chuẩn, nên sẽ còn  nhiều sự bất cập, bất công bằng, bất bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế giữa doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh.

(*) Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới