Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sân khấu khát tài năng trẻ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sân khấu khát tài năng trẻ

Nguyễn Huy

(SGTT) – Đời sống sân khấu kịch nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các ông bà “bầu sô” vẫn tìm mọi cách để nhà hát sáng đèn thường xuyên. Đồng thời để khán giả không bị nhàm chán trước những gương mặt diễn viên hoặc phong cách cũ thì nhiều sân khấu đã cất công đi tìm nhân tố mới theo cách riêng của mình.

Từ môi trường chính quy

Sân khấu khát tài năng trẻ
Lê Dương Bảo Lâm (phải) là một trong những nhân tố trẻ đang tạo được vị trí ở sân khấu Idecaf.

Nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng rất cần thời gian để tài năng của một nghệ sĩ chín muồi. Với kịch nói, thông thường một sinh viên cần ít nhất 10 năm rèn luyện mới có được vị trí riêng, dù là đã có sẵn cả thanh lẫn sắc. Trong quá khứ, sân khấu Sài Gòn sau thế hệ Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng của thập niên 1960, rồi Thương Tín vào năm 1976 thì phải qua thập niên 1980 mới xuất hiện những nhân tố mới như Thành Lộc, Thành Hội, Khánh Hoàng, Hồng Đào, Hồng Vân, Việt Anh, Thanh Thủy, Ái Như… Đây đều là những ngôi sao thuộc thế hệ vàng của thời kỳ sân khấu xã hội hóa.

Qua thập niên 1990, khi Thành Lộc phối hợp cùng ông bầu Huỳnh Anh Tuấn thành lập sân khấu Idecaf thì những cái tên của phòng vé có Thành Lộc, Thanh Thủy, Kim Xuân, Đoàn Khoa và Hữu Châu. Nhờ vậy, Idecaf trở thành sân khấu kịch ăn khách. Theo thời gian, sân khấu chào đón Hoàng Trinh, Mỹ Duyên và mất gần 10 năm sau, lứa nghệ sĩ trẻ trưởng thành từ Idecaf như Lê Khánh, Đại Nghĩa, Đình Toàn, Đức Thịnh mới khẳng định được vị trí không chỉ ở lĩnh vực kịch nghệ mà ở các chương trình gameshow (trò chơi truyền hình), phim truyền hình.

Dù có lực lượng diễn viên hùng hậu nhưng sân khấu Idecaf vẫn ý thức được việc cập nhật khuynh hướng mới bằng cách nhìn sang điện ảnh, thấy những gương mặt nào nổi bật thì mời về cộng tác, ví dụ như Quốc Thuận, Lương Thế Thành, Quốc Trường. Thậm chí, Idecaf đã chuyển hướng mới là “săn” diễn viên trong trường nghệ thuật.

Trong khi đó, sân khấu Thế Giới Trẻ có được thuận lợi là tọa lạc ngay bên trong Đại học sân khấu và điện ảnh TPHCM. Ngay từ đầu sân khấu này xác định phong cách trẻ nên lực lượng diễn viên nòng cốt đều là người trẻ, từ thành phần diễn viên như Thu Trang, Hoàng Phi, Quang Tuấn, Diệu Nhi, Puka, Hải Triều đến đạo diễn như Tấn Giàu, Lê Phước Tâm, Hứa Mẫn, Hồng Phúc, Quang Huy. Ông bà bầu của sân khấu Thế Giới Trẻ và Giám đốc nghệ thuật Ngọc Hùng thường xuyên ghé thăm các lớp học, cũng không bỏ sót các buổi diễn tốt nghiệp. Nếu phát hiện được nhân tố triển vọng thì họ sẽ tạo cho cơ hội thử sức.

Khai thác từ lò đào tạo

Sân khấu kịch Hồng Vân cũng là điển hình của việc tìm kiếm và bổ sung nhân tố trẻ. Sau thế hệ Hồng Vân, Minh Hoàng, Anh Vũ, Lê Quốc Nam thì sân khấu này xuất hiện hàng loạt các gương mặt trẻ như Xuân Nghị, Tuấn Dũng, Tạ Thanh Phúc, Đỗ Hoàng Long, Lê Lộc… Tất cả đến từ lò đào tạo của chính sân khấu Hồng Vân.

Sân khấu Trịnh Kim Chi, sân khấu Minh Nhí, sân khấu Quốc Thảo thậm chí gần đây sân khấu Idecaf cũng tìm kiếm nhân tố mới bằng cách mở lò đào tạo riêng. Lối hoạt động này dựa trên việc truyền nghề từ các đoàn cải lương trước năm 1975. Các bạn trẻ đam mê nghệ thuật khi vào đây học sẽ được chú trọng dạy các môn cần thiết như Tiếng nói sân khấu, Kỹ thuật diễn xuất, Hóa trang thay vì học nhiều môn khác nhau như ở trường nghệ thuật nhà nước. Những bạn trẻ nào thể hiện được tố chất sẽ được chọn vào các vai nhỏ. Nếu tiếp tục phát triển sẽ được giao nhiều vai diễn lớn hơn. Ai nắm bắt được cơ hội thì bước đi trên con đường nghệ thuật một cách vững vàng.

Chất lượng chưa cao

Xét riêng góc độ nhân tố trẻ thành công thì sân khấu Thế Giới Trẻ đang được đánh giá cao. Sân khấu này luôn có được một lượng khán giả ổn định và đông đảo trong khi kết quả kinh doanh cũng khả quan. Sân khấu Hồng Vân dù đã tạo ra được nhiều gương mặt mới nhưng tính về lượng vẫn chưa nhiều. Sân khấu Minh Nhí vì nhiều khó khăn khách quan lẫn chủ quan nên vẫn còn đang lay hoay tìm kiếm hướng đi. Sân khấu Trịnh Kim Chi và sân khấu Quốc Thảo thì chưa có nhân tố trẻ nổi bật trong làng kịch nói. Riêng Idecaf, các nhân tố trẻ vẫn còn quá bé nhỏ trước những cái bóng quá lớn như Thành Lộc, Hữu Châu, Lê Khánh, Đại Nghĩa.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, tình trạng liệu cơm gắp mắm như hiện tại là một trở lực rất lớn để các sân khấu hoạt động mạnh mẽ được như thời hoàng kim của đầu thập niên 1990. Trong đó, việc kịch bản kém chất lượng cũng khiến các sân khấu phải thỏa hiệp trước chuyên môn đôi khi còn yếu của diễn viên. Nhưng hiện tại, muốn sân khấu còn sáng đèn thì họ không còn cách nào khác…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới