Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sân khấu kịch 5B tái khởi động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sân khấu kịch 5B tái khởi động

Quỳnh Nga

(SGTT) – Sau gần ba năm “tối đèn”, mới đây nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ (thường được gọi là sân khấu 5B) đã ra mắt Ban Giám đốc mới và bắt đầu những bước đi đầu tiên để kiện toàn hoạt động.

Thông báo ngưng hoạt động một thời gian để sửa chữa nhưng sân khấu 5B đã đóng cửa tới ba năm. Ban Giám đốc mới ra mắt trong tình hình cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa được cải thiện so với trước, các diễn viên trụ cột mạnh ai nấy đi. Chuyện 5B sẽ sáng đèn vào cuối quí 1 theo Ban Giám đốc mới khiến những người làm nghề và khán giả quan tâm nửa mừng nửa lo.

Sân khấu kịch 5B tái khởi động
Vở Dấu xưa, nỗ lực vượt khó của sân khấu 5B khi điểm diễn cố định phải tạm đóng cửa.

Chưa hề ngừng nghỉ

NSUT Mỹ Uyên được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc, còn vị trí Phó Giám đốc thuộc về một gương mặt quen thuộc trong cả vai trò đạo diễn và diễn viên: Chánh Trực. Đặt băn khoăn này với Chánh Trực, anh cho biết việc đóng cửa ba năm khiến nhiều khán giả ngỡ sân khấu 5B không còn tồn tại. Nhưng thực tế nhà hát vẫn hoạt động sôi nổi. Ban Giám đốc vẫn điều hành công việc của nhà hát, dàn dựng vở diễn, tham gia Liên hoan sân khấu…

“Không có sân khấu để tổ chức các suất diễn định kỳ, chúng tôi dựng vở để biểu diễn lưu động. Mới nhất là Dấu xưa, vở diễn đã có hơn 30 suất diễn trong vòng chín tháng của năm 2017 và được khán giả đánh giá khá tốt. Sự đón nhận của khán giả dành cho Dấu xưa là một trong những động lực để chúng tôi có thêm quyết tâm, bằng mọi cách phải làm nhà hát sáng đèn trở lại. Đóng cửa quá lâu một thương hiệu sân khấu từng là niềm tự hào của người Sài Gòn khiến chúng tôi cảm thấy khắc khoải và thấy rất có lỗi”, đạo diễn Chánh Trực thẳng thắn chia sẻ.

Hiện sân khấu 5B đã lên kế hoạch cụ thể để kịp sáng đèn vào cuối quí 1 hoặc đầu quí 2 năm nay. Ngoài việc cải tạo lại khán phòng, thay thế một số trang thiết bị kỹ thuật thì con đường đi lên sân khấu ở lầu ba cũng được sắp xếp, trang trí lại. Màn hình LED giới thiệu vở diễn sẽ được bài trí dọc theo lối đi nhằm thu hút sự quan tâm của khán giả, tạo cảm giác đường đi lên sân khấu ngắn hơn.  

“Kinh phí sửa chữa dự kiến vào khoảng 500 triệu đồng. Hiện chúng tôi đã thuyết phục được một số cá nhân, đơn vị hỗ trợ nhưng vẫn dự phòng tình huống xấu nhất. Nếu không may có trục trặc, Ban Giám đốc sẽ vay tiền để thực hiện kế hoạch của mình. Việc dựng vở diễn sẽ được thực hiện song song với việc sửa chữa nhà hát”, Phó giám đốc Chánh Trực khẳng định.

Thử nghiệm diễn theo cách mới

Các vở diễn sắp tới của nhà hát sẽ khai thác tối đa thế mạnh về sự tương tác, giao lưu trực tiếp giữa khán giả và nghệ sĩ. Để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất và tìm được khán giả riêng trong sự cạnh tranh khá gay gắt của thị trường sân khấu kịch TPHCM, nhà hát sẽ khuyến khích những sáng tạo mang tính thử nghiệm và những vở diễn mang màu sắc riêng. Sân khấu sẽ không được bố trí cố định mà xoay chiều để tạo sự khác biệt so với những sân khấu hộp hiện đang hoạt động.

Tuy nhiên, chọn dàn dựng những vở diễn mang tính thử nghiệm lại là một bài toán  khó của trong tình hình chung của sân khấu hiện nay. Thành công của sân khấu 5B trước đây phần lớn nhờ vào những người làm nghề tài năng, tâm huyết. Thời gian này, khán giả có thể tạm quên những hạn chế về cơ sở vật chất, điều kiện kỹ thuật để thưởng thức kịch trong một khán phòng nhỏ bé… Trong khi đó, hiện nay đội ngũ diễn viên đang bị phân tâm bởi quá nhiều yếu tố, thực trạng thiếu diễn viên có đủ tâm và tài đang là vấn đề chung của hầu hết các sân khấu.

Anh Chánh Trực cho hay niềm tin lớn nhất của sân khấu 5B là sự tự giác và ‎y ‎ thức của từng nghệ sĩ, diễn viên khi quyết định quay trở lại.

“Trước khi tạm ngừng để sửa chữa, nhà hát từng nhiều lần bị động về diễn viên, thậm chí phải thay vai ngay trước giờ diễn. Làm sao để chắc chắn điều đó không lặp lại? Lần trở lại này nếu không đảm bảo được các yếu tố đó thì khán giả sẽ không còn đủ lòng tin. E rằng nhà hát sẽ không phải chết lâm sàng nữa mà chết thật”, vị đạo diễn của sân khấu 5B không giấu lo lắng.

Đạo diễn Chánh Trực cho biết nhà hát đã có những tính toán để kích thích sự sáng tạo của các nghệ sĩ, diễn viên, giúp họ phát huy hết tài năng và có thêm nhiều động lực để gắn bó. Thay vì sử dụng kịch bản có sẵn như nhiều năm trước đây, trong lần sáng đèn trở lại này, nhà hát sẽ đặt hàng kịch bản và yêu cầu tác giả đo ni, đóng giày cho từng diễn viên. Trong khi chờ đợi kịch bản đặt hàng, để kịp ra mắt nhà hát theo đúng kế hoạch, một số vở diễn cũ ăn khách của nhà hát sẽ được làm mới lại với màu sắc và diện mạo trẻ trung, phù hợp hơn với đối tượng khán giả trẻ. Vở đầu tiên được chọn “khoác áo mới” là Ảo và thật.

“Chúng tôi xác định con đường phía trước sẽ không dễ dàng. Chúng tôi đã đặt từng mục tiêu cho từng bước đi và động viên nhau quyết tâm thực hiện bằng tất cả khả năng của mình. Nhưng chỉ một hai cánh én sẽ không đủ để dệt nên mùa xuân. Chúng tôi trông chờ vào cái tâm của anh chị em nghệ sĩ, diễn viên. Quyết tâm chung tay gầy dựng lại nhà hát, theo tôi, đó là cách thể hiện thực tế nhất lòng thành và tình yêu của mỗi nghệ sĩ, diễn viên dành cho Tổ nghiệp”, Giám đốc Mỹ Uyên và Phó Gíam đốc Chánh Trực đều có chung suy nghĩ.
Mời xem thêm:

Sân khấu TPHCM – những dịch chuyển đầy kỳ vọng

Thắng lớn mùa kịch tết, nhưng sân khấu vẫn lo

Nhạc kịch – xu hướng chủ đạo của sân khấu trong tương lai

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới