Thứ sáu, 21/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Sản phẩm bền vững’ là từ khóa để đưa hàng Việt vào châu Âu

Huy Hân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu đang phát triển mạnh mẽ, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị phần ở thị trường. Để tăng thêm cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường tiềm năng này, doanh nghiệp Việt cần chú trọng đến các sản phẩm đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững của khách hàng châu Âu.

Ông Lý Ngọc Minh, nhà sáng lập Minh Long I, giới thiệu sản phẩm gốm sứ Minh Long đến khách tham quan tại hội chợ Ambiente 2025. Ảnh: Huy Hân

Đây là thông tin được ghi nhận tại hội chợ Ambiente 2025, sự kiện thương mại hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới, diễn ra từ ngày 7 đến 11-2-2025 tại Frankfurt, Đức. Năm nay, sự kiện thu hút 4.660 đơn vị triển lãm và khoảng 148.000 khách tham quan đến từ hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có 54 doanh nghiệp Việt Nam.

Khách châu Âu chuộng hàng Việt

Hàng tiêu dùng Việt Nam duy trì độ ổn định trên thị trường châu Âu nhờ chất lượng cao, thiết kế phù hợp với thị hiếu và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, theo bà Đào Hà Phi, Trưởng ban Xúc tiến Thương mại của Hiệp hội Xuất khẩu Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

“Các sản phẩm mây tre và gốm sứ Việt Nam đang được bán mạnh ở châu Âu. Một trong những điểm mạnh là khả năng sản xuất linh hoạt, giúp doanh nghiệp Việt đáp ứng các đơn hàng với yêu cầu cao về chất lượng và thẩm mỹ”, bà Phi nói.

Thực tế cho thấy, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam, đặc biệt là mây tre đan, được khách hàng quốc tế đánh giá cao nhờ thiết kế tinh tế, chất liệu tự nhiên và tính bền vững. Trong mỗi kỳ hội chợ, các gian hàng của doanh nghiệp vừa và nhỏ thường tiếp đón từ 70 đến 80 khách tham quan, trong đó nhiều khách hàng châu Âu bày tỏ sự quan tâm đặc biệt.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Lý Ngọc Minh, nhà sáng lập Minh Long I, cho biết khoảng 7-8 năm trước, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thậm chí để có được một gian hàng nhỏ tại hội chợ như thế này cũng không hề dễ dàng. Đến nay, Minh Long đã xây dựng được chỗ đứng vững chắc trong lòng nhiều khách hàng khó tính.

Hiện nay, trong mỗi kỳ hội chợ, khoảng 3% khách tham quan gian hàng sẽ liên hệ để xem xét sản phẩm mẫu và đặt thử đơn hàng. Trong số đó, 60-70% tiếp tục ký kết đơn hàng chính thức, ông Lý Huy Sáng, Tổng Giám đốc Công ty gốm sứ Minh Long, cho biết.

Đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững để thu hút khách

Để vươn xa trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cần có điểm mạnh vượt trội so với đối thủ, trước hết là chất lượng sản phẩm và giá cả phù hợp. Cùng với đó là đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững vì người tiêu dùng châu Âu ngày càng ưu tiên các sản phẩm bền vững, có thể tái chế và thân thiện với môi trường.

Theo ông Lý Ngọc Minh, nhà sáng lập Minh Long I, trước khi mở rộng sang thị trường mới, việc nghiên cứu kỹ lưỡng là rất cần thiết. Doanh nghiệp cần đánh giá xem có ưu thế ở đâu - từ công nghệ, tổ chức sản xuất, chi phí lao động, đến các điều kiện về thuế và môi trường kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp đều có sở trường riêng, đồng thời cũng phải nhận diện những điểm cần cải thiện để tối ưu hóa năng lực cạnh tranh.

Bà Hà Phi góp ý thêm, doanh nghiệp có thể áp dụng các chiến lược khác nhau để nắm bắt thị phần nước ngoài. Thời gian qua, một số đơn vị đã chủ động tham gia các hội chợ thương mại quốc tế như Ambiente Frankfurt để quảng bá sản phẩm và kết nối với đối tác toàn cầu. Trong khi đó, một số khác hợp tác với khách hàng châu Âu để sản xuất theo thiết kế đặt hàng để phù hợp với xu hướng tiêu dùng tại khu vực này.

Hội chợ Ambiente 2025 thu hút khoảng 148,000 khách tham quan. Ảnh: Huy Hân

Về xu hướng tiêu dùng, bà Hà Phi cho biết, khu vực này hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa và chuyển sang ưa chuộng những mặt hàng có nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường và có khả năng tái chế cao. Hàng Việt có thể đáp ứng xu hướng này, thể hiện qua việc các sản phẩm mây tre nứa của Việt Nam đang được thị trường châu Âu đón nhận tích cực.

Đồng quan điểm với bà Hà Phi, ông Lý Huy Sáng cho biết, người tiêu dùng châu Âu đặc biệt ưa chuộng các sản phẩm gốm sứ và đồ bếp chất lượng cao, có khả năng tái chế. Bên cạnh đó, khách hàng còn quan tâm đến quy trình sản xuất, ưu tiên những doanh nghiệp có chính sách tiết kiệm và tái sử dụng nguồn nước. Những doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu này sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường.

Doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào châu Âu phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe và quy định nghiêm ngặt về môi trường, lao động và trách nhiệm xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch, cải thiện điều kiện làm việc và xây dựng hệ thống quản lý bền vững.

Bà Hà Phi cho rằng, với lợi thế từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều mặt hàng như dệt may, thủ công mỹ nghệ, gốm sứ đang được hưởng mức thuế nhập khẩu 0%, tạo lợi thế cạnh tranh lớn.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng chú trọng đến phát triển bền vững thì việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà còn là chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới