Sàn TMĐT phải cung cấp dữ liệu cá nhân kinh doanh cho cơ quan thuế
Vân Phong
(KTSG Online) – Sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) sẽ phải cung cấp dữ liệu về cá nhân kinh doanh trên sàn cho cơ quan thuế hàng tháng, theo quy định tại Thông tư 40/2021 có hiệu lực từ 1-8-2021.
Hoạt động phân loại hàng hóa của hãng thương mại điện tử Lazada. Ảnh minh hoạ: TTXVN. |
Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Theo đó, các cá nhân hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) - gồm cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số - đã được bổ sung vào nhóm đối tượng chịu thuế.
Về phương thức thu thuế với đối tượng này, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân - cho biết sàn giao dịch TMĐT sẽ thực hiện kê khai thuế và nộp thuế thay các cá nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 40/2021. Số thuế khai và nộp thay căn cứ theo thuế suất của từng lĩnh vực, ngành nghề áp dụng với cá nhân kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ.
Để làm được việc này, bà Lan cho biết sàn giao dịch TMĐT sẽ căn cứ doanh thu, các khoản thu khác mà cá nhân kinh doanh nhận thông qua sàn giao dịch để xác định doanh thu kê khai thuế và số thuế phải nộp thay. Các khoản thu gồm khoản nhận được thông qua các đơn vị vận chuyển – COD; khoản nhận được thông qua các hình thức trung gian thanh toán; khoản nhận được thông qua các hình thức thanh toán khác.
“Toàn bộ thông tin doanh thu và số thuế đã khai thay, nộp thay theo từng đơn hàng trên chứng từ cung cấp cho người mua hàng và người bán (cá nhân kinh doanh - PV) sẽ được sàn giao dịch TMĐT ghi nhận lại”, bà Lan Anh nói tại hội thảo trực tuyến do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 15-6.
Cũng theo bà Lan Anh, sàn giao dịch TMĐT phải cung cấp chứng từ theo từng đơn hàng cho người mua và người bán từ nay đến trước ngày 1-7-2022. Nếu người mua yêu cầu cung cấp hóa đơn thì cá nhân kinh doanh có trách nhiệm xuất hóa đơn giấy của cơ quan thuế theo quy định hiện hành.
Về việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, bà Lan Anh cho biết các sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm cung cấp thông tin hàng tháng theo hình thức điện tử với chuẩn định dạng dữ liệu theo quy định của cơ quan thuế, gồm họ tên; số định danh cá nhân, chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; email; số điện thoại liên lạc; hàng hoá, dịch vụ cung cấp; doanh thu kinh doanh; tài khoản ngân hàng của người bán; thông tin khác liên quan.
Với các sàn giao dịch TMĐT chưa có đầy đủ cơ sở dữ liệu theo quy định của pháp luật thì cần có trách nhiệm cập nhật bổ sung thông tin trước ngày 1-8-2021, theo bà Lan Anh.
Với các cá nhân kinh doanh thông qua sàn giao dịch TMĐT, cơ quan thuế yêu cầu các cá nhân này phải có địa điểm kinh doanh cố định, phải đăng ký thuế tại nơi có địa điểm kinh doanh để được cấp mã số thuế và quản lý thuế, theo quy định của pháp luật thuế và pháp luật kinh doanh TMĐT. Cá nhân kinh doanh thông qua sàn có thể là hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán hoặc theo phương pháp kê khai.
Bà Lan Anh cho biết, các cá nhân kinh doanh phải cung cấp một số thông tin cho sàn giao dịch TMĐT, gồm tên; địa chỉ trụ sở hoặc thường trú của cá nhân; thông tin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc MST cá nhân; số điện thoại; thông tin về hàng hóa, dịch vụ; thông tin về giá cả; thông tin về vận chuyển và giao nhận; thông tin về các phương thức thanh toán.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó tổng giám đốc Công ty EY Việt Nam - cho rằng Thông tư 40/2021 hiệu lực ngay từ 1-8 sẽ gây áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh chưa từng có quy định cụ thể về việc kê khai và nộp thuế thay của các sàn giao dịch TMĐT. Ngoài ra, hiện có tới 3,5 triệu giao dịch mỗi ngày qua các sàn giao dịch TMĐT.
“Khối lượng công việc đối với các sàn là rất lớn. Vì vậy, cơ quan thuế cần tổ chức các tổ chuyên gia về công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế để phối hợp với các sàn nâng cấp phần mềm, tích hợp thêm các chức năng quản lý thuế”, bà Huyền đề xuất.
Cũng theo bà Huyền, hiện các sàn giao dịch TMĐT không có cơ sở dữ liệu để kiểm soát các cá nhân chưa đến ngưỡng chịu thuế - dưới 100 triệu đồng một năm. Vì vậy, cần có quy định cụ thể về cơ chế trao đổi thông tin để đảm bảo quyền lợi của các cá nhân nộp thuế.
Bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc Công ty Lazada, cho biết doanh nghiệp hiện hoạt động tại nhiều quốc gia khác nhau. Vì vậy, phần mềm ứng dụng được xây dựng thống nhất để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn. "Việc thay đổi các yếu tố kỹ thuật để phục vụ công tác phối hợp trong quản lý thuế cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sàn giao dịch TMĐT và cơ quan thuế. Đề nghị ngành thuế tính toán lại lộ trình và thời gian triển khai cho phù hợp với thực tiễn", bà Tú nói.
Bên cạnh đó, bà Tú cũng đề xuất ngành thuế cần có hướng dẫn cụ thể cơ quan cấp nào được quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin và cung cấp những nội dung gì để đảm bảo an ninh an toàn thông tin và tránh vi phạm các luật chuyên ngành khác.
Bà Nguyễn Thị Hương Giang - Giám đốc tài chính Công ty Shopee - cho rằng ngành thuế cần có hướng dẫn để phân biệt rõ giữa cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh, do sàn giao dịch TMĐT chỉ kê khai và nộp thuế thay cá nhân kinh doanh. “Việc phân định rõ sẽ giúp các sàn nâng cấp ứng dụng và triển khai đúng theo tinh thần của Thông tư 40”, bà Giang nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Giang cho rằng các cơ quan quản lý cần có quy định để quản lý chặt các cá nhân bán hàng trên nền tảng mạng xã hội để đảm bảo công bằng giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh
Kết luận hội thảo, ông Đặng Ngọc Minh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho biết sẽ ghi nhận những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ tập trung nghiên cứu và đề xuất những giải pháp để khắc phục vấn đề phát sinh trong thực tiễn quản lý thuế trên sàn giao dịch TMĐT và trình các cấp có thẩm quyền quyết định.