Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sản xuất công nghiệp sụt giảm nơi ‘đầu tàu’ kinh tế

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - TPHCM, địa phương được xem là 'đầu tàu' kinh tế của cả nước, đang đối mặt với tình trạng sụt giảm về sản xuất công nghiệp. Các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là lạm phát toàn cầu tăng cao khiến sức mua đi xuống, biến động chuỗi cung ứng dẫn đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất bị gián đoạn.

Sản xuất công nghiệp hàng tháng của TPHCM đang có sự sụt giảm. Ảnh minh họa: L. Hoàng

Báo cáo tại phiên họp định kỳ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm cùng nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2022, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai, đánh giá các lĩnh vực kinh tế của TPHCM tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Đáng chú ý, bốn ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố tiếp tục tăng trưởng tích cực, trong 10 tháng ước tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, tại phiên họp diễn ra ngày 1-11 này, bà Mai bày tỏ mối quan ngại khi sản xuất công nghiệp hàng tháng của thành phố đang có sự sụt giảm. Điều này đến từ tác động tiêu cực của nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất, chuỗi cung ứng của thị trường toàn cầu đang bị ảnh hưởng, sức mua toàn cầu giảm.

Báo cáo của Cục Thống kê của TPHCM cũng cho thấy Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 vừa qua của thành phố ước tính tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại bị sụt giảm 3,1% so với tháng trước đó.

Đáng chú ý, những ngành công nghiệp có thế mạnh của thành phố đang có chiều hướng bị sụt giảm như công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 10 vừa qua bị giảm 3,3% so với tháng trước đó; hay sản xuất và phân phối điện giảm 4,8% so với tháng trước.

Trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào. Tình hình lạm phát ở các nước ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất công nghiệp toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cũng bị ảnh hưởng nặng vì đơn đặt hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh, hoặc nhà nhập khẩu hủy khá nhiều đơn hàng đã đặt trước đó.

Với tình hình hiện nay, TS. Trần Du Lịch nêu ý kiến cần tiếp tục triển khai các nội dung của chương trình phục hồi kinh tế, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua cơ chế rà lại tất cả quy định về miễn giảm thuế, lệ phí hỗ trợ lãi suất cho vay…

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng dự báo trong thời gian tới sẽ khó khăn, nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế quí 4 đang chững lại và sụt giảm ở một số mặt. Người đứng đầu chính quyền TPHCM dẫn chứng như tăng trưởng toàn ngành công nghiệp (IIP) dù đang ở mức khá nhưng nhiều ngành nghề đang rất khó khăn như may mặc, đồ gỗ, giày da…

Lạm phát thế giới ảnh hưởng đến thị trường TPHCM. Giá cả tăng cao ảnh hưởng đến an sinh xã hội của TPHCM. Giải ngân đầu tư công của thành phố đang rất thấp, nhiều vướng mắc chưa được giải quyết.

Bên cạnh đó là những yếu tố bất lợi, như trong tháng 10 tại TPHCM xuất hiện những tình huống liên quan đến Ngân hàng SCB, tác động trực tiếp đến thị trường tài chính, bất động sản, tình hình an ninh trên địa bàn. Hoặc việc thiếu xăng dầu cũng tạo tâm lý thiếu tin tưởng, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, đời sống người dân.

Ông Mãi đề nghị trong tháng 11 này, từng sở ngành quận huyện rà soát lại kế hoạch năm, gắn với mục tiêu của năm phục hồi, đánh giá đúng những khó khăn tác động ảnh hưởng để xác định giải pháp, chủ đề trọng tâm.

Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các đơn vị tập trung cho nội dung tổng kết năm 2022 gắn với tổng kết một năm phục hồi sau đại dịch và chuẩn bị xây dựng kế hoạch năm 2023. Trong đó, trọng tâm là dùng nội lực để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn nhằm khơi thông nguồn lực nội địa...

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai, các lĩnh vực kinh tế của TPHCM tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Bốn ngành công nghiệp trong điểm tiếp tục tăng trưởng tích cực, trong 10 tháng ước tăng 23% cùng kỳ.

Thu ngân sách 10 tháng ước thực hiện hơn 392.790 tỉ đồng, tăng 1,61% dự toán năm và tăng 22,33% so với cùng kỳ. Trong 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 900.000 tỉ đồng, tăng 29,9% cùng kỳ. Trong 10 tháng, TPHCM đón gần 25 triệu lượt khách du lịch nội địa và hơn 2,6 triệu lượt khách quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới