Thứ Hai, 22/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Sản xuất nông nghiệp ĐBSCL bị ảnh hưởng lớn bởi xâm nhập mặn đến sớm

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dự báo, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ diễn ra sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng một tháng, bắt đầu vào khoảng giữa hoặc cuối tháng 12. Theo đó, hàng chục ngàn héc-ta đất sản xuất lúa tôm ở Cà Mau, Kiên Giang nguy cơ thiếu nước ngọt, đồng thời, nhiều khu vực sản xuất khác trong vùng như Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre và Tiền Giang cũng chịu ảnh hưởng bởi tình trạng này.

Tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Ảnh minh họa: Trung Chánh

TTXVN dẫn thông tin của đại diện Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, tổng lượng mưa năm 2023 dự báo đạt khoảng 1.350mm, cao hơn 1% so với năm 2015 và giảm khoảng 13% so với trung bình nhiều năm. Theo đó, các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh có nguy cơ thiếu nước ngọt với quy mô khoảng 66.000 héc-ta.

Ngoài ra, do mùa mưa năm nay kết thúc sớm vào giữa tháng 11 nên khả năng cao sẽ thiếu nước để cung cấp cho khoảng 38.000 héc-ta diện tích vùng sản xuất lúa tôm ở Kiên Giang, Cà Mau.

Báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, trạng thái El Nino khả năng kéo dài đến hết năm 2023 và sang đầu năm 2024, ngoài các địa phương kể trên chịu ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn, khô hạn có khả năng gây ảnh hưởng cho các vùng cách biển từ 30-70 km.

Nếu xâm nhập mặn đến sớm và thời gian kéo dài với nồng độ mặn cao, một số vùng cặp theo sông Tiền, sông Hậu có thể bị hạn mặn cục bộ cho vườn cây ăn trái.

Thêm vào đó, trong trường hợp El Nino năm nay gay gắt như giai đoạn 2015-2016 và 2019-2020, hạn mặn đầu năm 2024 có thể sẽ lấn sâu vào vùng ven biển. Trong trường hợp El Nino cực đoan, các công trình ngăn mặn chỉ phát huy tác dụng vào đầu mùa khô, từ tháng 2-2024 trở đi, khả năng thiếu nước ngọt là rất cao dù có ngăn mặn từ biển vào.

Các địa phương trong vùng cần tập trung những giải pháp để ứng phó với tình hình xâm nhập nhằm đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa vụ đông xuân 2023-2024, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Chẳng hạn như địa phương tích nước từ đầu mùa khô; khu vực bán đảo Cà Mau cần thực hiện đắp đập tạm, nạo vét kênh mương trước khi mùa mưa kết thúc; trong sản xuất nông nghiệp, người dân có thể lựa chọn các giống lúa ngắn ngày.

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới