Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sandbox cho FinTech: khuyến khích trước đề phòng sau

TS. Võ Đình Trí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với hoạt động công nghệ tài chính (FinTech) lần đầu tiên xuất hiện ở Anh vào tháng 11-2015 và đến nay đã có rất nhiều nước áp dụng. Các hoạt động của FinTech không chỉ gắn liền với một số dịch vụ của ngân hàng mà còn là chứng khoán, bảo hiểm, và dịch vụ đầu tư. Làm sao để biết một hệ thống khung sandbox hiệu quả?

Sơ lược về sandbox

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là tốc độ kết nối Internet, thiết bị kết nối như điện thoại thông minh, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng lập trình tương tác (APIs), và công nghệ sổ cái phân tán (DLT/Blockchain) đã tạo ra những dịch vụ, mô hình kinh doanh sáng tạo, có tính cạnh tranh cao vì lợi ích của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, vì là những dịch vụ và mô hình chưa từng có từ trước nên các quy định quản lý và giám sát hiện hành không thể bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Hơn thế nữa, sẽ là nguy cơ cho sự ổn định của hệ thống tài chính nếu một dịch vụ hay mô hình kinh doanh nào đó chẳng may trở thành một… quái vật.

Chính vì vậy mà nhu cầu phải có một cơ chế (không gian) thử nghiệm có kiểm soát để ủng hộ, khuyến khích đổi mới sáng tạo đồng thời phòng ngừa những rủi ro có thể phát sinh là rất thiết thực và khẩn cấp.

Vào tháng 11-2015, cơ quan giám sát tài chính của Anh là FCA (Financial Conduct Authority) đã lần đầu tiên trên thế giới công bố về sandbox trong một báo cáo về tính khả thi của việc triển khai một cơ chế để các doanh nghiệp có thể thử nghiệm những sáng tạo mới của mình trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Đến tháng 6-2016, sandbox chính thức hoạt động ở Anh khi các ứng viên bắt đầu nộp đơn cho việc thử nghiệm. Quá trình thử nghiệm của sandbox trải qua bốn giai đoạn chính như sau: đăng ký tham gia (application), cấp giấy chứng nhận (authorisation), thử nghiệm (testinh), và kết thúc thử nghiệm (exit).

Bên cạnh các dịch vụ dưới sự giám sát của NHNN thì có nhiều dịch vụ cũng cần sandbox, như trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư. Xu hướng giao dịch điện tử (e-trading), giao dịch sao chép (copy trading), giao dịch tần suất cao (high frequency trading), tư vấn đầu tư tự động (robo advice), InsurTech sẽ rất cần sandbox…

Sau bốn năm sandbox ra đời, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố một báo cáo đánh giá kinh nghiệm quốc tế bao gồm những thách thức cũng như các bài học rút ra từ 57 quốc gia đã triển khai 73 sandbox, mà hơn một nửa trong số này được tạo ra trong hai năm 2018 và 2019, và 20% là trong nửa đầu của năm 2020.

Kết luận rút ra của nghiên cứu này đó là sandbox sẽ mang lại lợi ích khi được thiết kế, triển khai và giám sát hợp lý, và điều kiện của từng nền kinh tế khác nhau có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của một sandbox. Cụ thể, những yếu tố quan trọng đó là: i) hệ thống pháp lý hiện hành; ii) nguồn lực và năng lực của cơ quan quản lý, giám sát; iii) sự trưởng thành (maturity) và phổ biến của thị trường FinTech; iv) và các điều kiện thị trường khác như vấn đề cạnh tranh.

Tính hiệu quả của một sandbox

Từ kinh nghiệm của FCA, một sandbox được cho là hiệu quả nếu thực hiện được bốn mục tiêu chính như sau: giảm thời gian và chi phí triển khai một ý tưởng sáng tạo mới ra thị trường; tạo điều kiện cho những nhà sáng lập tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường vốn; tạo điều kiện cho nhiều sản phẩm dịch vụ được thử nghiệm nhất có thể để một phần trong số này sẽ được thị trường chấp nhận; và cuối cùng là đảm bảo có các cơ chế bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Ở mục tiêu thứ nhất, vấn đề sống còn đối với các ý tưởng có liên quan đến công nghệ đó là thời gian sản phẩm dịch vụ được đưa ra thị trường. Bởi vì công nghệ trong FinTech chủ yếu là lập trình nên các ý tưởng rất dễ dàng bị sao chép. Những doanh nghiệp nào tiên phong thì khả năng trở thành người dẫn đầu rất cao, vì thu hút được các nhà đầu tư lớn, mà đây cũng là mục tiêu thứ hai.

Khi được cấp phép hoạt động trong một sandbox, doanh nghiệp sẽ có độ an toàn cao hơn trong mắt các nhà đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần và vì vậy khả năng tiếp cận các nguồn vốn sẽ thuận lợi hơn. Một nghiên cứu của Cornelli et al. (2020) từ dữ liệu sandbox của FCA cho thấy khi doanh nghiệp được vào sandbox, khả năng kêu gọi vốn được tăng lên đáng kể. Chẳng hạn khi vừa được vào sandbox thì lượng vốn kêu gọi được tăng mạnh ngay lập tức, và sẽ ổn định sau hai năm với mức tăng trung bình là 15% (khoảng 700.000 đô la Mỹ).

Mục tiêu thứ ba nhằm cho nhiều sản phẩm dịch vụ được thử nghiệm nhiều nhất có thể là bởi vì nhiều nhà sáng lập chưa lường hết được các khó khăn khi triển khai thực tế. Những khó khăn thường thấy là một số dịch vụ có điều kiện rất chặt chẽ như lĩnh vực bảo hiểm, người sáng lập mạnh về nền tảng công nghệ nhưng thiếu kinh nghiệm về sự vận hành của hệ thống dịch vụ tài chính, sản phẩm chưa đủ độ chín, hoặc khả năng mở rộng (scale up) bị giới hạn, hoặc thậm chí bị những rào cản về cạnh tranh.

Mục tiêu quan trọng cuối cùng là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng bởi vì các doanh nghiệp tham gia sandbox phần lớn là các doanh nghiệp startup, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xuất phát từ việc sandbox khuyến khích các ý tưởng mới, không phân biệt quy mô hay số năm có mặt trên thị trường của doanh nghiệp nên các doanh nghiệp này hầu như đều chưa được cấp phép ở các thị trường truyền thống. Trong trường hợp các doanh nghiệp này phá sản thì chắc chắn quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng.

Mong đợi những sandbox ở Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị định “Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng”. So với nhiều nước, ngay cả trong khu vực Đông Nam Á thì có phần chậm trễ. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách có lẽ đã có những nghiên cứu về tính khả thi và lúc này là thời điểm phù hợp cho việc triển khai.

Dự thảo hiện tại đang nhấn mạnh vào dịch vụ cho vay ngang hàng nhưng chỉ riêng trong lĩnh vực ngân hàng, sandbox còn cần thiết cho các dịch vụ khác như dịch vụ vay - gửi tiền, chấm điểm tín dụng, tiền điện tử, thanh toán, chuyển tiền…

Bên cạnh các dịch vụ dưới sự giám sát của NHNN thì có nhiều dịch vụ cũng cần sandbox, như trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư. Xu hướng giao dịch điện tử (e-trading), giao dịch sao chép (copy trading), giao dịch tần suất cao (high frequency trading), tư vấn đầu tư tự động (robo advice), InsurTech sẽ rất cần sandbox để kiểm tra tính khả thi của các ý tưởng trước khi được cung cấp chính thức và rộng rãi trên thị trường.

Rút kinh nghiệm từ các nước đã và đang triển khai sandbox trước đây, việc thiết kế, thực hiện và giám sát các sandbox cần bám sát các mục tiêu chính. Việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là cần thiết nhưng khi còn ở giai đoạn thử nghiệm thì nên khuyến khích trước đề phòng sau. Việc tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rõ về cơ chế vận hành của sandbox, danh sách các doanh nghiệp nào được nằm trong sandbox một cách công khai, minh bạch là một trong các cách rất hiệu quả.

Đối với các doanh nghiệp muốn tham gia sandbox, để giảm lãng phí nguồn lực thì cần có các tiêu chí và bài kiểm tra để xem doanh nghiệp có thực sự đã sẵn sàng tham gia sandbox hay chưa. Và điều quan trọng không kém và phải đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các định chế tài chính truyền thống giàu kinh nghiệm và nguồn lực với các startup, chẳng hạn vì cạnh tranh mà ở một số nước, ngân hàng không cung cấp dịch vụ cho một số startup có khả năng cạnh tranh với mình.

1 BÌNH LUẬN

  1. Ý tưởng sáng tạo từ sandbox luôn cần có không gian và thời gian để thử nghiệm/ thử thách. Vì vậy cần tạo điều kiện tối đa. Tuy nhiên, trong thực tế đã xảy ra tình trạng hoặc lợi dụng chính sách đối với sandbox để ngụy trang các hành vi lừa đảo, hoặc chuyển giao các “sandbox bất minh” từ nước này sang nước khác để vận hành chui. Dịch vụ cho vay ngang hàng là ví dụ điển hình. Trước hết cần có tiêu chí pháp lý và thực tiễn cụ thể để tạo hành lang cho các sandbox hoạt động. Có sự tham gia, tham vấn, thẩm định hiệu quả của các cơ quan chức năng và cộng đồng chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp. Cuối cùng là có sự đánh giá của công luận một cách công khai, minh bạch, khách quan.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới