(KTSG Online) – Các đơn vị phụ trách xây dựng cơ chế cho đề án trung tâm tài chính quốc tế TPHCM đang tìm hướng đi cho các thử nghiệm mang tính đột phá, trong đó nhắc nhiều đến cơ hội cho các fintech hoạt động trong lĩnh vực blockchain và các sàn giao dịch tiền mã hóa.
- Thủ tướng: Việt Nam có đủ điều kiện để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khu vực
- Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế: khung pháp lý đóng vai trò then chốt
Cơ hội cho blockchain và tiền số
Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (vẫn còn mang tính tổng quát) về xây dựng trung tâm tài chính của Bộ Kế hoạch và đầu tư, câu chuyện được nhắc đến là chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech). Trong đó có nhắc đến giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính sẽ được thực hiện từ ngày 1-7-2026.
Tại buổi tham vấn với các chuyên gia về vấn đề này, ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) cho biết, TPHCM đã đặt hàng nhiều nhóm nghiên cứu theo chuyên đề khác nhau, hiện đang tiếp tục lấy ý kiến các bên để hoàn thiện, dự kiến trình tháng 5 tới đây.
Theo ông Vũ, mô hình trung tâm tài chính quốc tế ngày nay đã khác rất nhiều so với thời điểm đặt vấn đề cách đây 20 năm, nhưng ý tưởng chung là cần cơ chế thúc đẩy và quản lý hiệu quả, tức “cây gậy và củ cà rốt”.
Đại diện HIDS cho rằng có ba nhóm đối tượng mà sandbox hướng đến, bao gồm nhóm tài chính truyền thống hiện hữu, nhóm công ty công nghệ sáng tạo và nhóm công ty dịch vụ đi theo. Dù vậy sẽ rất khó để chính sách ưu tiên có thể bao quát hết toàn bộ các nhóm này cùng một lúc.
Các chuyên gia trong sự kiện cũng nhắc nhiều đến công nghệ blockchain, các ứng dụng token hóa tài sản, đặc biệt là sàn giao dịch tiền mã hóa, đề xuất thử nghiệm và tập trung vào đồng bitcoin.
Theo ông Ngô Minh Hải, chuyên gia fintech, công nghệ blockchain ra đời đã khiến cách thức vận hành kinh doanh khác hẳn so với trước đây. Theo đó, mỗi doanh nghiệp có hệ sinh thái riêng và cộng đồng lớn, khi người dùng tham gia vào cộng đồng đó thì có hai vai trò, một là nhà đầu tư, vừa là người sử dụng dịch vụ. “Quyền sở hữu giao ngược lại cho những người tham gia vào cộng đồng”, ông Hải nói.
Ông Hải đề xuất cơ chế sandbox có thể mở, tức “chơi” với nhiều đối tác theo kiểu thử và sai, cuối cùng lựa chọn đâu là đối tác chiến lược. Hoặc là đi theo hướng tự chủ công nghệ, tạo cơ chế cho doanh nghiệp Việt Nam để họ có thể tạo ra sản phẩm thay thế được nước ngoài, sau khi đủ mạnh thì hợp tác nước ngoài.
“Chúng ta phải suy nghĩ xem một là hợp tác với đối tác mạnh, hai là sở hữu công nghệ để cuộc chơi là win-win, tránh nhập khẩu để đi nhanh. Việt Nam phải có những big tech có thể tạo ra hệ sinh thái”, ông Hải nhấn mạnh.
Còn ông Đức Trần, CEO của IDG, đơn vị đầu tư nhiều công ty blockchain và có tiền mã hóa, cho rằng vấn đề đầu tiên cần lưu ý trong việc xây dựng cơ chế liên quan đến blockchain và các fintech là phải độc lập được với hệ thống tài chính ngân hàng bảo hiểm hiện tại, khu trú trong TPHCM và có “lằn ranh mềm” để phân định.
“Cơ chế thử nghiệm bên trong thì phải độc lập, dù tôi cũng chưa hình dung độc lập như thế nào, có chuyển đổi tiền với bitcoin không, kể cả đô la Mỹ, vấn đề chuyển tiền ra vào như thế nào. Chúng ta cần phải giải quyết mặt kỹ thuật lẫn luật pháp”, ông Đức nói.
Mặt khác, hệ thống phải có khả năng kết nối được quốc tế, đồng thời có thể khai thác lợi thế của 8 triệu tài khoản tiền mã hóa của cộng đồng blockchain Việt Nam. Hệ thống cũng phải là hệ sinh thái tương hỗ cho nhau, nếu chỉ mỗi sàn giao dịch hay fintech đứng riêng lẻ thì cũng không được, ông Đức nói thêm.
Đột phá nhưng phải an toàn
Tại buổi tham vấn, nhiều đại biểu cũng chia sẻ về kinh nghiệm phát triển các công ty khởi nghiệp của mình liên quan trong lĩnh vực fintech hoặc blockchain, token hóa, fintech huy động vốn, pháp lý… Trong đó bài học chung được nhắc đến nhiều nhất là sự thiếu vắng của câu chuyện pháp lý.
Ông James Vương, người từng khởi nghiệp thất bại với ý tưởng token hóa bất động sản, cho rằng khung sandbox nên đi theo hướng khuyến khích các fintech trở thành “cánh tay nối dài” của các định chế tài chính. Lý do nhằm giúp kiểm soát dòng tiền vì có hệ thống quản trị rủi ro tốt hơn, trong khi fintech thì sáng tạo nhưng “liều”.
Đại diện khác cho rằng cần có cơ chế đánh giá mức độ trưởng thành của công nghệ blockchain đó, từ đó có cơ chế tương ứng mở rộng hoạt động dần theo từng cấp độ và đối tượng.
Một vấn đề rủi ro về giá trị khi số hóa tài sản cũng được nhắc đến. Nhiều chuyên gia đặt dấu hỏi về việc phải có bên thứ ba đứng ra đảm bảo. Giá trị token lên nhanh, có thể vượt giá trị thực và dễ trở thành bong bóng.
Ông Johan Nyvene, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán TPHCM, nói sẽ rất khó để “sửa chợ” dựa trên nền các sản phẩm tài chính hiện nay, nhưng nếu “xây mới” thì dễ hơn. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại là việc kiểm soát rủi ro, cũng không biết được con số giá trị thực của dòng tiền di chuyển so với thị trường vốn là như thế nào.
“Nếu tự do chuyển đổi tiền đồng sang bitcoin, thì dòng tiền chạy ra nước ngoài tương đối nhanh. Mặt khác, yếu tố cốt lõi của thị trường vốn vẫn chưa giải quyết được là câu chuyện đối xử công bằng với các nhà đầu tư, cũng như tự do chuyển đổi tài sản qua các kênh quốc tế”, ông nói.
Còn Luật sư Trần Đức Bảo cho rằng, khung sandbox cần phải đáp ứng ba yếu tố: dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm soát. Một việc cần phải làm rõ về mặt pháp lý là ứng xử với tiền số như thế nào, là tiền tệ hay hàng hóa, đánh thuế như thế nào để tránh thất thoát và có cơ chế ứng xử, giải quyết tranh chấp ra sao khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến.
Ông Duy Phạm, Giảng viên Đại học RMIT, đặt nhiều câu hỏi về tiền mã hóa. Đầu tiên là việc ai sẽ đứng đảm bảo giá trị tài sản, nếu là Ngân hàng Nhà nước thì mô hình lại thành đồng tiền số ngân hàng trung ương. Ngoài ra, khi bitcoin có thể trở thành một loại tài sản thế chấp thì ưu điểm là khuyến khích dòng tiền đầu tư nhiều hơn, nhưng cũng sẽ dẫn đến vấn đề rủi ro khi sử dụng dùng tài sản đầy biến động như tiền mã hóa để đảm bảo.
Ông Vũ cũng nói thêm ngoài dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính quốc tế, còn có 3 dự thảo bộ luật khác có liên quan cũng đang được lấy ý kiến. Chẳng hạn Luật Công nghiệp công nghệ số có nhắc đến câu chuyện của tài sản số. “TPHCM nhận thức được câu chuyện blockchain và nguồn nhân lực là thế mạnh cạnh tranh của mình. Tinh thần là đột phá về chính sách, chúng ta cần ý tưởng tốt nhưng cũng cần phải quản trị rủi ro như thế nào”, đại diện HIDS nhấn mạnh.