Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sáng tạo nghệ thuật của AI: USCO lại lên tiếng!

Lê Thiên Hương 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngày 16-3-2023, Cục Bản quyền Mỹ (U. S. Copyright Office - USCO), dưới sức ép của Quốc hội Mỹ cũng như của người dân, đã ra thông báo bắt đầu một chương trình làm việc mới nhằm xem xét các vấn đề liên quan tới tác phẩm do trí tuệ nhân tạo (AI - artificial intelligence) tạo ra, bao gồm phạm vi bảo vệ của Luật Bản quyền đối với các tác phẩm này, cũng như câu hỏi về tính hợp pháp của việc sử dụng các yếu tố được luật bản quyền bảo vệ để phát triển AI.

Nguy cơ AI cạnh tranh với con người trong lĩnh vực sáng tạo đang ngày một rõ nét hơn.
Nguồn: law.com

Từ nhiều năm trở lại đây, việc các nghệ sĩ sử dụng AI để hỗ trợ sáng tạo đã không còn là điều mới mẻ. Tuy nhiên, gần đây, AI đã có thể tự “sáng tạo” ra các tác phẩm nghệ thuật. Chỉ cần người thao tác nhập vào một vài dòng từ khóa miêu tả, các thuật toán sẽ đưa ra kết quả tương ứng, dựa trên nguyên tắc tổng hợp dữ liệu từ các bộ dữ liệu nền. Sáng tạo ngày càng không còn có giới hạn với AI: làm thơ, viết tiểu thuyết, soạn nhạc hay vẽ tranh… Các tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra (AI - generated art) bắt đầu làm giới nghệ sĩ lo lắng, vì nguy cơ AI cạnh tranh với con người trong lĩnh vực sáng tạo đang ngày một rõ nét hơn.

Ở thời điểm hiện tại, Luật Bản quyền, ở mức độ quốc tế cũng như quốc gia, chưa có các điều khoản phù hợp để áp dụng cho các sáng tạo của AI. Khuynh hướng chung của nhiều quốc gia là từ chối bảo hộ các tác phẩm do AI tạo ra, trên cơ sở Luật Bản quyền chỉ bảo hộ các tác phẩm do các tác giả “con người” sáng tạo.

Không chỉ thế, sáng tạo nghệ thuật của AI còn đặt ra câu hỏi về việc sử dụng các tác phẩm đang được bảo hộ để xây dựng dữ liệu nền của AI. Ở Mỹ, một số nghệ sĩ đã khởi kiện Open AI, Microsoft, Stability AI - chủ sở hữu các ứng dụng AI sáng tạo nghệ thuật - vì lý do này. Không thể phủ nhận rằng nhu cầu có một Luật Bản quyền phù hợp với tiến bộ công nghệ ngày càng trở nên rõ rệt hơn.

Hướng dẫn mới đây của USCO cho thấy rõ ràng quan điểm của USCO: phương tiện kỹ thuật có thể là một phần của sáng tạo nghệ thuật nhưng yếu tố quyết định là sự kiểm soát của con người trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.

Cũng vào ngày 16-3-2023, USCO đã đưa ra “Hướng dẫn đăng ký bản quyền: Tác phẩm có yếu tố do AI tạo ra”, nhằm giải thích rõ hơn quan điểm của USCO với sáng tạo của AI.

Trong tài liệu, USCO khẳng định lại nguyên tắc căn bản của Luật Bản quyền là chỉ bảo vệ sản phẩm của hoạt động sáng tạo của con người, cụ thể, “Khái niệm “tác giả” dùng trong Hiến pháp (Mỹ) và trong Luật Bản quyền không bao gồm các đối tượng không phải là con người”. Ví dụ, đối với bức ảnh chân dung nổi tiếng thế giới do chú khỉ Naruto chụp, USCO từ chối bảo hộ bản quyền vì tác giả không phải là con người.

Theo truyền thống của Luật Bản quyền Mỹ, khi có sự hỗ trợ của máy tính trong sáng tạo tác phẩm, USCO sẽ cho đăng ký bản quyền tác phẩm nếu như máy tính chỉ đơn thuần là một công cụ kỹ thuật hỗ trợ, các yếu tố chính tạo nên tác phẩm phải là do con người sáng tạo ra.

Đối với các tác phẩm chứa đựng các yếu tố do AI tạo ra cũng vậy, USCO sẽ xem phần đóng góp của AI có phải là kết quả thuần túy của máy móc, hay là kết quả của công việc trí não của tác giả. Không có câu trả lời chung cho mọi trường hợp, mà tùy vào từng tình huống cụ thể USCO mới có thể quyết định cho phép đăng ký bản quyền hay không.

Theo USCO, nếu những yếu tố chính tạo nên tác phẩm là do AI tạo ra, tác phẩm đó sẽ không được coi là tác phẩm được Luật Bản quyền bảo hộ (ví dụ như khi AI sáng tạo ra tác phẩm văn học, âm nhạc hay hội họa hoàn chỉnh sau khi người tương tác nhập từ khóa đề xuất ý tưởng và khởi động quá trình xử lý tự động của AI).

Trong trường hợp này, vị trí của người tương tác dừng lại ở việc nhập từ khóa đề xuất ý tưởng, và hoàn toàn không có đóng góp sáng tạo nào khác, cũng như không có tác động nào tới quá trình “sản xuất” ra tác phẩm.

Ngược lại, nếu như tác phẩm bao gồm những yếu tố do AI tạo ra nhưng vẫn có đủ yếu tố sáng tạo của con người, thì Luật Bản quyền sẽ bảo hộ phần sáng tạo của con người (ví dụ như trong trường hợp người tương tác chọn lựa và sắp đặt các yếu tố do AI tạo ra một cách sáng tạo để tạo ra một tác phẩm mới, đáp ứng tiêu chí bảo hộ của Luật Bản quyền).

Hướng dẫn này cho thấy rõ ràng quan điểm của USCO: phương tiện kỹ thuật có thể là một phần của sáng tạo nghệ thuật nhưng yếu tố quyết định là sự kiểm soát của con người trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.

Theo UKIPO, bảo hộ sáng tạo của AI “có thể là một lựa chọn, nếu như có bằng chứng cho thấy điều này sẽ có tác dụng khuyến khích thúc đẩy sáng tạo và đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo”.

USCO cũng nhấn mạnh rằng khi nộp đơn đăng ký bảo hộ bản quyền, người nộp đơn có nghĩa vụ phải thông báo cho USCO khi tác phẩm có chứa đựng các yếu tố do AI tạo ra, đồng thời phải nộp kèm một tài liệu giải thích rõ phần sáng tạo của tác giả - con người trong tác phẩm đó. Người nộp đơn cũng không được đề tên công nghệ AI hay công ty sở hữu công nghệ AI như tác giả hay đồng tác giả, khi sử dụng AI để tạo nên tác phẩm.

Có thể nói, hướng dẫn nói trên của USCO phù hợp với một số quyết định gần đây liên quan tới sáng tạo của AI. Ví dụ, đầu năm 2022, USCO từ chối bảo hộ bức tranh mang tên “A Recent Entrance to Paradise” được AI tạo ra (do ông Steven Thaler đứng tên đăng ký cho tác giả là “Máy sáng tạo”), trên cơ sở rằng tác phẩm này không do con người tạo ra.

Gần đây hơn, vào tháng 2-2023, USCO đã đưa ra kết luận đối với tác phẩm Zarya of the Dawn - một cuốn tiểu thuyết đồ họa bao gồm phần nội dung do tác giả Kris Kashtanova viết và phần minh họa do AI Midjourney tạo ra. Theo kết luận này, tác phẩm Zarya of the Dawn là một tác phẩm đáp ứng tiêu chí bảo hộ của Luật Bản quyền, nhưng riêng phần hình ảnh do AI tạo ra sẽ không được Luật Bản quyền bảo hộ.

Tất nhiên, không chỉ ở Mỹ, làn sóng “xét lại” luật về bản quyền cũng diễn ra ở nhiều quốc gia khác. Ở Anh, Cục Sở hữu trí tuệ Anh (UKIPO) đang lấy ý kiến công chúng và chuyên gia về vấn đề bảo hộ bản quyền các tác phẩm do AI tạo ra. Tuy nhiên, khác với các nước khác, ở Anh, các tác phẩm do máy tính tạo ra (computer generated works) lại được luật về bản quyền nước này bảo hộ trong vòng 50 năm (nhưng đối với các tác phẩm này thì quyền nhân thân không được công nhận).

Có thể vì thế mà sáng tạo của AI sẽ dễ dàng được chấp nhận bảo hộ ở Anh hơn? Theo UKIPO, bảo hộ sáng tạo của AI “có thể là một lựa chọn, nếu như có bằng chứng cho thấy điều này sẽ có tác dụng khuyến khích thúc đẩy sáng tạo và đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo”.

Ở Pháp, quốc gia của luật về bản quyền mang tính “nhân văn” vốn có phần “dị ứng” với các sáng tạo không do con người tạo ra, nhu cầu làm rõ hơn câu hỏi về bảo hộ tác phẩm do AI tạo ra lại càng rõ nét hơn. Năm 2020, Ủy ban cấp cao về Tài sản trí tuệ văn học nghệ thuật Pháp cũng đưa ra báo cáo đề nghị làm rõ vấn đề này trong luật, tránh tình trạng “vô luật” đối với loại hình tác phẩm mới mẻ này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới