Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sao không sử dụng công cụ thuế

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đã có nhiều phân tích xác định đúng nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, gây khó khăn cho người tiêu dùng, tuy nhiên giải pháp để khắc phục các nguyên nhân đó lại không dễ đưa ra và áp dụng.

Đó là bởi việc điều hành giá xăng dầu không chịu quy luật cung cầu của thị trường; Nhà nước thông qua Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vẫn ấn định giá bán cho doanh nghiệp dựa trên những công thức tính toán phức tạp, thường có độ trễ so với thực tế thị trường.

Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta mạnh dạn suy nghĩ đến việc để thị trường định giá xăng dầu dựa trên cung cầu và cạnh tranh.

Phản ứng đầu tiên của nhiều người khi nghe đề xuất này là lo ngại giá xăng dầu sẽ tăng vọt do doanh nghiệp sẽ tận dụng vị thế thống lĩnh trên thị trường để tăng giá bán, hưởng lợi. Cũng sẽ có nhiều doanh nghiệp khác tận dụng vị trí địa lý để tăng giá bán xăng dầu ở các vùng nông thôn hay nơi không có sự cạnh tranh. Đây cũng là thực tế xảy ra ở nhiều nước, nơi đã thả nổi giá xăng dầu từ lâu - nhiều người than phiền doanh nghiệp bán xăng dầu, tăng giá thì nhanh, giảm giá lại rất chậm vì họ luôn nắm đằng chuôi trong quan hệ với người tiêu dùng.

Giải pháp các nước đang hay áp dụng sẽ là đánh thuế thật mạnh, thật gắt gao vào lợi nhuận “bất thường” của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sao cho họ không còn động lực tăng giá để hưởng lợi nữa. Nói cách khác khi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có mức lợi nhuận như bình quân của các năm trước, họ sẽ không chịu loại thuế đặc biệt này. Nhưng nếu mức lợi nhuận của họ tăng vọt do tăng giá bán xăng dầu cao hơn nhiều so với giá mua cộng chi phí thì đa phần số lợi nhuận này sẽ bị đánh thuế. Anh đã áp dụng thuế này lên các tập đoàn dầu khí, với thuế suất hiện hành là 25% nhưng dự kiến sẽ tăng lên thành 30% và áp dụng đến năm 2028. Châu Âu cũng đang áp thuế với thuế suất thấp nhất là 33% lên “lợi nhuận thặng dư chịu thuế” của các công ty xăng dầu. Na Uy áp thuế cao nhất, đến 78% trên lợi nhuận nói chung của các công ty xăng dầu, đa số là doanh nghiệp nhà nước.

Sự xuất hiện của các “cây xăng cục gạch” chứng tỏ một khi thị trường có nhu cầu, ắt sẽ có nơi cung cấp dù đi kèm là nhiều rủi ro; phía khách hàng là rủi ro mua phải sản phẩm có chất lượng kém, sản phẩm thiếu hụt còn phía bán là rủi ro bị phạt nặng hay rủi ro cháy nổ do điều kiện bảo quản không tốt. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cao hơn một chút để dễ dàng tiếp cận sản phẩm. Nếu để thị trường định giá xăng dầu, ắt giá sẽ tăng trong thời gian đầu nhưng quy luật cung cầu sẽ phát huy tác dụng: mức tiêu thụ có thể giảm và cung có thể sẽ tăng làm cho cung cầu sẽ gặp nhau mà không cần thêm biện pháp nào khác.

Sau đó với loại thuế đặc biệt như nói ở trên, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải cân nhắc để giữ mức lợi nhuận dưới ngưỡng bị áp thuế, từ đó sẽ gián tiếp bình ổn giá xăng dầu trên thị trường. Dù loại thuế đánh lên lợi nhuận bất thường của các công ty xăng dầu vẫn đang gây ra tranh cãi ở các nước, đây là một giải pháp trước mắt nhằm đưa thị trường xăng dầu nước ta trở về tình trạng cung cầu được đáp ứng như trước vì xăng dầu chính là chất bôi trơn cho mọi hoạt động kinh tế, cần được thông suốt. Sau đó các bộ, ngành liên quan sẽ phải soạn thảo lại các quy định quản lý giá bán xăng dầu phù hợp với tình hình mới.

1 BÌNH LUẬN

  1. Windfall Tax (Thuế bạo lợi), đánh vào các khoản lợi nhuận “trên trời rơi xuống”, đã được áp dụng từ lâu ở các nước rồi. Đây chỉ là giải pháp phân phối lại lợi ích nhằm tạo ra sự công bằng xã hội. Xăng dầu ở ta, vốn dĩ gánh quá nhiều loại thuế phí, nay cần phải nhanh chóng giảm bớt, chuyển sang các công ty độc quyền để cùng chia sẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới