Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sao lại đánh thuế xuất khẩu gạo?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sao lại đánh thuế xuất khẩu gạo?

Bốc gạo lên tàu để xuất khẩu ở cảng Sài Gòn. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – LTS: Hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác trên thế giới vẫn có sự tranh cãi về việc đánh thuế xuất khẩu gạo, một biện pháp được cho là có tác dụng bình ổn giá gạo nội địa và dễ áp dụng hơn là áp đặt hạn ngạch nhưng cũng bị phê phán là đẩy gánh nặng nộp thuế lên nông dân. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết sau của một chuyên gia nông nghiệp để bạn đọc tham khảo.

Đầu năm 2008, nông dân và doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đã bị thua thiệt lớn vì lệnh tạm ngừng xuất khẩu gạo. Nông dân bán lúa với giá thấp, mua vật tư nhập khẩu (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng, dầu) với giá cao. Doanh nghiệp lỡ mua gạo để xuất khẩu mất thêm chi phí bảo quản và trả lãi vay ngân hàng cho số gạo này.

Thiệt hại lớn hơn cả là lỡ cơ hội kinh doanh, mất khách hàng. Giá gạo trên thị trường quốc tế tăng cao, nhiều khách hàng muốn mua gạo Việt Nam nhưng doanh nghiệp không dám ký hợp đồng. Thái Lan “một mình một chợ” bán với giá cao ngất ngưởng (khoảng 1.200 đô la/tấn gạo 5% tấm).

Nếu như Cục Dự trữ quốc gia xuất tiền ngân sách nhà nước, thuê các công ty kinh doanh lương thực mua gạo dự trữ đủ tiêu dùng tối đa trong ba tháng; sau đó, việc xuất khẩu gạo vẫn diễn ra bình thường thì nông dân và doanh nghiệp sẽ không bị thiệt như vậy.

Khi lệnh tạm thời dừng xuất khẩu gạo được dỡ bỏ, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, còn đang tìm đối tác ký hợp đồng sao cho có lợi nhất thì giá gạo trên thị trường quốc tế lại xuống thấp hơn trước rất nhiều (30-40%).

Lúa Đông xuân ở cả hai miền trúng lớn. Nông dân ĐBSCL tập trung làm lúa vụ 3 để tận dụng giá cao, hy vọng bù đắp phần nào những thiệt hại vừa qua. Nay lúa vụ 3 thu hoạch gần xong và lại đạt năng suất cao (4-5 tấn/héc ta). Nông dân và doanh nghiệp đều mong muốn xuất khẩu gạo với giá cao nhất có thể, khoảng 600-700 đô la/tấn gạo 5% tấm. Thế cũng là có lợi khá rồi. Nông dân có thể bán cho thương lái ít ra cũng được 5.000 đồng/ki lô gam lúa.

Thế nhưng tháng 7, đúng lúc lượng cung lúa đang dồi dào, kho chứa không đủ, nông dân lại rất cần tiền trả nợ ngân hàng và các đại lý bán vật tư nông nghiệp thì chính sách thuế xuất khẩu gạo được ban hành. Doanh nghiệp ngắc ngứ, phần do chưa ký được hợp đồng, hoặc đã ký được hợp đồng nhưng chưa đến hạn giao hàng, phần do lãi suất tín dụng tăng cao (hơn 20%/năm); kho chứa lại thiếu, nên doanh nghiệp chưa vội mua lúa của nông dân. Giá lúa tụt xuống còn 4.200-4.300 đồng/ki lô gam, mà giá thành đã lên tới khoảng 3.500-3.800 đồng/ki lô gam. Ấy vậy mà nông dân còn khó bán.

Thuế xuất khẩu gạo quy định theo mức tuyệt đối và lũy tiến theo giá xuất khẩu. Nếu xuất khẩu với giá từ 600 đến dưới 700 đô la/tấn, doanh nghiệp phải nộp thuế 500.000 đồng/tấn (khoảng 5% so với giá xuất). Nếu xuất khẩu với giá từ 700 đến dưới 800 đô la/tấn, doanh nghiệp phải nộp thuế 600.000 đồng/tấn…, cao nhất là mức 2.900.000 đồng/tấn nếu đạt mức giá từ 1.200-1.300 đô la/tấn. Hiện nay, các doanh nghiệp thường xuất khẩu với giá từ 600-630 đô la/tấn gạo 5% tấm.

Thực hiện các quy định của WTO và AFTA, thuế nhập khẩu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng phải cắt giảm theo một lộ trình nghiêm ngặt, cho đến khi chỉ còn 0-5%. Các nước đang phát triển rất cần bảo hộ nền nông nghiệp còn kém sức cạnh tranh của mình không còn cơ may sử dụng công cụ thuế quan. Ấy thế mà chúng ta lại tự dựng lên hàng rào thuế quan khi xuất khẩu gạo để giúp các nước nhập khẩu bảo hộ nền nông nghiệp của họ (?!) và làm hại nền nông nghiệp của mình.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẵn sàng ép giá mua lúa của nông dân để bù đắp cho khoản thuế phải nộp. Doanh nghiệp có thể chỉ ký hợp đồng xuất khẩu gạo với giá 599 đô la/tấn thay vì ký 600-620 đô la/tấn, để không phải nộp thuế 500.000 đồng/tấn (30 đô la/tấn). Thế là Nhà nước không thu được thuế, nông dân phải chấp nhận giá bán lúa thấp. Doanh nghiệp cũng chẳng được lợi gì.

Việc ký hợp đồng xuất khẩu với giá từ 630 đô la/tấn trở lên là hết sức khó khăn trong thời điểm hiện nay. Còn nông dân thì rất cần bán lúa để có tiền trang trải các khoản chi phí sản xuất và chi tiêu cho đời sống, chuẩn bị cho sản xuất vụ tới. Suy cho cùng, chính sách thuế xuất khẩu gạo chỉ làm cho người nông dân vốn đã thiệt thòi lại càng khốn khổ hơn.

Lẽ ra, khi giá lúa trong nước và thế giới lên cao (ví dụ đạt từ 600 đô la/tấn trở lên), Nhà nước có thể lập quỹ bảo hiểm sản xuất lúa bằng cách buộc các doanh nghiệp xuất khẩu nộp một khoản tiền tính trên đầu tấn hay tỷ lệ phần trăm trên doanh thu xuất khẩu. Ví dụ, khoản tiền đó có thể là 3-5 đô la/tấn hay 0,5-1% doanh thu xuất khẩu.

Quỹ này chỉ được sử dụng để bù đắp thiệt hại cho nông dân khi bị thiên tai hay giá gạo quá thấp. Khi giá thấp, Nhà nước sẽ quy định giá sàn mua lúa của nông dân, và dùng quỹ này thuê doanh nghiệp mua lúa tạm trữ theo giá sàn.

Khi giá cả trở lại bình thường, Nhà nước sẽ bán lại cho doanh nghiệp xuất khẩu. Hoặc Nhà nước có thể dùng quỹ này để bù lỗ cho doanh nghiệp khi phải mua theo giá sàn. Còn khi bị thiên tai, Nhà nước cũng dùng quỹ này để tài trợ cho nông dân trồng lúa theo quy hoạch.

Vì thế, cần thay thế ngay chính sách đánh thuế xuất khẩu gạo bằng định chế quỹ bảo hiểm sản xuất gạo (tiến tới lập quỹ bảo hiểm sản xuất nông nghiệp nói chung) để cứu nông dân, bảo vệ nền văn minh lúa nước – di sản ngàn đời của dân tộc Việt.

TS. VŨ TRỌNG KHẢI

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới